Trở lại con thuyền!

Như bất cứ một tổng thống nào vừa bước vào Nhà trắng, ông Biden cũng phải đối mặt với cả một thế giới đang chăm chú dõi theo từng động thái của ông với cùng một câu hỏi: người đứng đầu nước Mỹ sẽ làm gì về mặt chính sách đối ngoại, trong bốn năm tiếp theo?

Ông J.Biden bắt đầu công bố danh sách các thành viên nội các mới, báo hiệu những thay đổi chính sách lớn.

Ông J.Biden bắt đầu công bố danh sách các thành viên nội các mới, báo hiệu những thay đổi chính sách lớn.

Như bất cứ một tổng thống nào vừa bước vào Nhà trắng, ông Biden cũng phải đối mặt với cả một thế giới đang chăm chú dõi theo từng động thái của ông với cùng một câu hỏi: người đứng đầu nước Mỹ sẽ làm gì về mặt chính sách đối ngoại, trong bốn năm tiếp theo?

Trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?

Đúng một ngày sau khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ, khi mà kết quả vẫn còn chưa ngã ngũ, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, một thỏa thuận không mang tính ràng buộc giữa 190 quốc gia nhằm giảm bớt phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và hạn chế quá trình biến đổi khí hậu.

Nhưng đấy là cả một quá trình dài đã bắt đầu từ năm ngoái, khi chính quyền của Tổng thống Trump bắt đầu chính thức nộp các thủ tục giấy tờ cần thiết lên LHQ với mục đích rút khỏi Hiệp định Paris. Sau quãng thời gian chờ đợi bắt buộc kéo dài một năm, các thủ tục đã hoàn tất và đúng một ngày sau bầu cử thì Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định. Ngay cả khi buộc phải rời khỏi Nhà trắng, ông Trump vẫn kịp để lại một hậu quả mà ông Biden sẽ phải đau đầu giải quyết.

Mà cách ông Biden tiếp cận vấn đề này rõ ràng ngược 180 độ với ông Trump. Trong quá trình tranh cử, ông Biden đã tuyên bố rằng ngay khi bước chân vào Nhà trắng, ông sẽ đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Để tham gia trở lại Hiệp định Paris, chính quyền của ông Biden cần chính thức đệ trình mục tiêu sẽ đưa nước Mỹ giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0 vào năm 2050 cùng với cam kết quốc gia được cập nhật về việc cắt giảm lượng khí thải. Việc đưa nước Mỹ tái tham gia Hiệp định Paris không cần phải Quốc hội Mỹ thông qua nhưng để những cam kết của mình về việc Mỹ nghiêm túc thực hiện quá trình giảm phát khí thải, ông Biden sẽ cần sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở một mức độ nào đó.

Vấn đề nằm ở chỗ khi cam kết đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Biden không thể không hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới. Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, mới đây Trung Quốc đã cam kết giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0 trước năm 2060. Mà hợp tác như thế có nghĩa là không thể tiếp tục để tình trạng căng như dây đàn trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc thời gian qua.

Củng cố liên minh

Trong bốn năm dưới chính quyền của Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ-Trung đã tụt xuống mức thấp, đặc biệt là khi thương chiến nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khẩu chiến giữa hai bên chung quanh nguồn gốc của dịch Covid-19.

Ngay trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một về thương mại, theo đó Trung Quốc nhất trí tăng mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ lên 200 tỷ USD trong hai năm 2020 và 2021; thỏa thuận này cũng tiến tới xóa bỏ mức thuế 25% áp vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD mà các nhà sản xuất Mỹ sử dụng và đổi lại, Trung Quốc cũng dừng áp thuế đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Sẽ không có sự thay đổi đột ngột trong chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Biden tuyên bố: “Tôi sẽ không có bất kỳ động thái tức thì nào. Điều này cũng được áp dụng đối với các đòn áp thuế. Tôi sẽ không áp đặt định kiến cho những sự lựa chọn của mình”.

Nhưng ông Biden khẳng định sẽ theo đuổi những chính sách nhắm đến “các hành vi lạm dụng thương mại” của Trung Quốc như “đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá, trợ cấp trái phép cho các công ty” và cưỡng ép “chuyển giao công nghệ” từ các công ty Mỹ sang đối tác Trung Quốc.

Làm thế nào để thực hiện điều này? Ông Biden cũng đã làm rõ: “Mỹ chiếm 25% nền kinh tế thế giới và cần thêm 25% nữa hoặc hơn để thiết lập luật chơi thay vì để Trung Quốc và các nước khác quyết định như thể một mình một cõi”. Chính cái “25% nữa hoặc hơn” này đã bộc lộ điều mà ông Biden hướng tới: nó nằm ở các đồng minh mà nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ tái lập và củng cố quan hệ để gây sức ép với Trung Quốc. Theo ông Biden trong cuộc phỏng vấn với New York Times thì “chiến lược tốt nhất với Trung Quốc là đưa tất cả mọi người trong chúng ta lên cùng một con thuyền”.

Tuy nhiên, ví von của ông Biden cũng đã chỉ ra những khó khăn nan giải mà chính quyền của ông phải đối mặt, bởi vì ông Trump nhảy ra khỏi thuyền thì dễ chứ ông Biden muốn trở lại thuyền là một quá trình khó khăn gấp bội. Điều này cũng đúng với việc nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ hành động ra sao đối với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.

Khó khăn khi quay lại CPTPP

Chỉ ba ngày sau khi chính thức vào Nhà trắng năm 2017, ông Trump đã ký ngay sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định đã được 12 nước, trong đó có Mỹ ký hồi tháng 2-2016 nhưng rốt cuộc không được Quốc hội Mỹ thông qua. Chính quyết định này đã khiến cho Hiệp định này lâm nguy và chỉ nhờ có sự nỗ lực hết mình của 11 nước còn lại mà TPP đã trở thành CPTPP.

Trong một bài phát biểu trước đây, ông Biden từng cho rằng, mặc dù TPP không phải là một thỏa thuận hoàn hảo nhưng ít ra nó cũng là một phương án tốt đối với các nước trong việc kiềm chế các hành vi thái quá của Trung Quốc.

Việc ông Trump nhanh chóng rút Mỹ khỏi TPP đã để lại một khoảng trống chiến lược mà Trung Quốc muốn nhảy vào thế chỗ. Tuy vậy, những đặc trưng mang tính thể chế của nền kinh tế Trung Quốc đã chưa cho phép Bắc Kinh có thể nhanh chóng tham gia CPTPP. Thay vào đó, Trung Quốc hướng trọng tâm vào các cuộc đàm phán để ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Để củng cố vị trí của Mỹ với tư cách siêu cường kinh tế số 1 thế giới, ông Biden cần đưa Mỹ quay lại CPTPP. Tuy nhiên, điều này không đơn giản và đòi hỏi nhiều thời gian do lẽ giờ đây, Mỹ phải đàm phán lại với các thành viên hiện tại của CPTPP.

Trở về trạng thái bình thường!

Trở lại chung con thuyền với các đồng minh châu Âu cũng là điều mà ông Biden đã gợi ý rằng mình sẽ làm nếu như trở thành ông chủ của Nhà trắng. Hầu hết các nước EU đều mong muốn nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ khôi phục lại quan hệ ấm áp với châu Âu mà không phải thường xuyên bị nhắc nhở về khoản đóng 2% GDP cho quốc phòng.

Đức sẽ hy vọng rằng đòi hỏi 2% này không còn đi kèm với những lời đe dọa áp thuế đối với ô-tô của Đức, tranh chấp giữa các đồng minh sẽ được giải quyết một cách lặng lẽ thay vì những dòng tweet trên mạng xã hội twitter. Pháp cũng hy vọng Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các xung đột khu vực, từ các hoạt động tăng cường ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải đến những bất ổn diễn ra tại Lebanon, Libya.

Đương nhiên, cả Pháp và Đức hy vọng ông Biden sẽ làm hồi sinh lại thỏa thuận hạt nhân của nhóm P5+1 với Iran, điều mà ông Biden không ít lần tuyên bố sẽ làm nếu đắc cử Tổng thống. Tất nhiên, đó là điều không dễ dàng bởi hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa và cả một số thành viên đảng Dân chủ của ông Biden đều chống lại thỏa thuận này.

Tại Trung Đông, ông Biden sẽ chịu áp lực nặng nề do phải tiếp tục quá trình hòa giải giữa Israel với các quốc gia Ả Rập khác, một trong những thành công đối ngoại hiếm hoi của ông Trump khi thuyết phục được UAE chịu thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Tiến trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan có thể sẽ bị kéo dài do ông Biden phải chịu áp lực từ phía các quan chức quốc phòng Mỹ.

Cuối cùng là nước Nga dưới quyền của Tổng thống Putin, vốn bị ông Biden coi là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ. “Mặt trận” đối đầu Nga-Mỹ có thể được mở rộng, từ tấn công mạng cho đến hình thành các liên minh để gây sức ép trực tiếp với Nga. Mỹ có thể mở rộng không gian tranh giành ảnh hưởng với Nga bằng các hoạt động can thiệp ở Ukraine, Belarus, những quốc gia bị coi nằm trong không gian hậu Xô-viết. Đây chính là những động thái mà nhiều tổng thống tiền nhiệm ông Biden từng làm và không có lý do gì để tân Tổng thống Mỹ không tiếp tục đi theo con đường đó.

Nói tóm lại, chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ là đưa nước Mỹ trở về trạng thái bình thường như trước ông Trump!

YÊN BA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-quoc-te/tro-lai-con-thuyen--629197/