Trở lại đỉnh U Bò

Giữ lời hẹn, chúng tôi trở lại đỉnh U Bò ở bản Chống Tra, xã Háng Đồng (Bắc Yên). Trong chuyến đi trước cách đây đúng một năm, chúng tôi đã chinh phục độ cao gần 2.800m, ngắm các loài kỳ hoa, dị thảo giữa khu rừng nguyên sinh đầy huyền bí. Lần này, chúng tôi đi cùng tổ bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn để tìm hiểu công việc bảo vệ rừng ở nơi 'chọc trời' này.

Tổ bảo vệ rừng chuẩn bị thực phẩm cho chuyến tuần rừng

Tổ bảo vệ rừng chuẩn bị thực phẩm cho chuyến tuần rừng

Xác định chuyến đi rừng lần này sẽ khó khăn hơn bởi độ cao, độ dốc và xa hơn lần đi trước, nên cả đoàn chuẩn bị đủ thực phẩm và những dụng cụ cần thiết cho 2 ngày 1 đêm trong rừng. Riêng anh Thào A Ư, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, không quên xách theo can rượu và vác giúp chúng tôi 2 cái lều ngủ. Hơn 6 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu leo bộ từ bản Chống Tra khi sương vẫn giăng trên khắp các mái nhà. Vượt 2 cây số ngược núi đầu tiên, thấy chúng tôi hụt hơi, Bí thư chi bộ bản Thào A Chống nhìn, lắc đầu: “Cán bộ đi chậm quá, như thế này thì còn lâu mới đến nơi. Đã có lần gặp lâm tặc, chúng tôi phải đuổi nhau trên núi đấy”. Nghe A Chống nói vậy mà chúng tôi thán phục, bởi độ dốc cao như vậy mà họ còn chạy đuổi lâm tặc.

Một góc rừng nguyên sinh trên đỉnh U Bò.

Một góc rừng nguyên sinh trên đỉnh U Bò.

Địa hình vô cùng phức tạp, đồ đạc mang theo phải giản tiện tối đa để giảm sức nặng. Khoảng hơn 13h, chúng tôi đến độ cao gần 2.800m của đỉnh đầu tiên thuộc khu vực U Bò. Không gặp may như lần trước, lần này trời mù mịt sương, gió giật trên những ngọn cây cổ thụ. Cả đoàn dừng chân ăn trưa. Vì độ ẩm cao, gió lớn nên phải mất gần 20 phút mới đốt được lửa để chuẩn bị đồ ăn. Sau bữa trưa ăn tạm cơm nắm với cá khô, đoàn nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục lên đường. Từ đây lên đỉnh núi thứ 2 độ ẩm tăng dần, sương mù ngày càng dày đặc, cây cối rậm rạp đường cũng khó đi hơn, điều đó đã khiến những “thợ rừng” của Chống Tra lạc đường mấy lần. Mùa này vẫn còn không khí lạnh nên ít vắt hơn, tuy nhiên chúng tôi vẫn “dính” vài con vắt xanh bám vào người.

Hiện trường xẻ gỗ bị khai thác trái phép.

Hiện trường xẻ gỗ bị khai thác trái phép.

Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi gặp bãi xẻ gỗ lâm tặc để lại. Mỗi lần như thế, cán bộ kiểm lâm địa bàn lại đo đạc hiện trường, ghi chép, xác định vị trí rồi tiếp tục lên đường. Đến đỉnh U Bò lúc hơn 16 giờ, thiết bị GPS báo độ cao gần 3.000m, bầu trời lúc này trở nên tối mịt, sương mù phủ kín. Không thể tiếp tục đi nữa, đoàn quyết định tìm chỗ có nước để dừng chân chuẩn bị bữa tối và nghỉ ngơi. Trong khi chúng tôi mắc lều thì Bí thư chi bộ Thào A Chống phân công các thành viên trong tổ mỗi người một việc, người thì nấu cơm, người thì làm thức ăn, số khác chặt củi khô nhóm bếp, ai có kinh nghiệm thì đi lấy nước và đặt bẫy chuột rừng.

Theo kinh nghiệm của các “thợ rừng”, nấu cơm ở trên núi cao không cần vo gạo, thịt luộc xong rồi luộc rau, sau đó là nấu mì tôm. Khi bữa cơm chuẩn bị xong, nhìn đồng hồ đã hơn 20 giờ. Bữa tối “thịnh soạn” hơn hẳn bữa trưa, có cá khô nướng, rau rừng, thịt gà luộc, nấm rừng, măng ớt, cá hộp, được bày bên cạnh đống lửa, mọi người quây quần bên nhau cùng nâng ly rượu ngô thơm lừng. Đói và mệt, thấy chúng tôi ăn ngấu nghiến, A Ư trêu: “Cán bộ ăn từ từ kẻo hết vui”, rồi cười phá lên. Vừa cạn ly rượu, A Ư kể: “Chống Tra có hơn 1.000 ha rừng, trong đó có hơn 600 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng phòng hộ. Tôi tham gia tổ bảo vệ rừng từ năm 1999, chẳng nhớ bao lần leo lên đỉnh núi này, mỗi lần đi như thế này chỉ được nhận 200 nghìn đồng/ngày thôi. Vất vả lắm, có tháng phải đi đến 3 lần, nhưng hiểu được giá trị của rừng nên chúng tôi vẫn đi để bảo vệ rừng”.

Những cây cổ thụ trên đỉnh U Bò.

Những cây cổ thụ trên đỉnh U Bò.

Tổ bảo vệ rừng của bản Chống Tra hiện có 15 người, mỗi lần đi tuần tra phải huy động hết, có nhiều lần bản phải huy động cả dân quân, đoàn viên thanh niên tham gia khi có thông tin lâm tặc xâm phạm rừng. Anh Cầm Văn Xuất, cán bộ Hạt Kiểm lâm đặc dụng Tà Xùa, chia sẻ: Chốt bảo vệ rừng của Hạt nằm ở trung tâm xã Háng Đồng với 2 tổ bảo vệ liên ngành. Chốt có 5 người, được giao quản lý, bảo vệ trên 7.300 ha rừng của 4 bản Chống Tra, Làng Sáng, Háng Đồng và Háng Đồng C. Đã gần chục năm trong nghề, nhiều lần chuyển công tác ở các địa bàn trong tỉnh, nhưng rừng của Chống Tra là nơi khó khăn nhất, với địa hình hiểm trở. Ở địa bàn rộng và khó khăn thế này, lâm tặc thường xuyên theo dõi hoạt động của chúng tôi. Đã có lần nhận thông tin phá rừng ở đầu khu vực rừng quản lý, khi xuất phát lên đường, lâm tặc lại hoạt động ở phía cuối, điều đó khiến chúng tôi rất vất vả. Nếu gặp tang vật trong rừng như hôm nay, cũng không thể vác về chốt được, bắt buộc phải hủy tang vật tại chỗ.

Phóng viên, kiểm lâm địa bàn chụp ảnh lưu niệm cùng tổ bảo vệ rừng bản Chống Tra.

Phóng viên, kiểm lâm địa bàn chụp ảnh lưu niệm cùng tổ bảo vệ rừng bản Chống Tra.

Anh Thào A Ư tiếp lời: Đi tuần rừng vào ban đêm là chuyện thường xuyên, vì lâm tặc thường xẻ gỗ về đêm. Việc xử lý lâm tặc cũng rất khó bởi lâm tặc nhiều khi là người nhà, người quen nên khó xử lý, vì thế bản luôn phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm trong xử lý vi phạm. Do rừng vừa rậm rạp, vừa cao, rộng và hiểm trở nên việc đi tuần khó lắm. Nhiều lần bị mưa, anh em phải ngủ lại dưới gốc cây, chẳng có gì ngoài tấm nilon mỏng che mưa. Mưa rừng ở đây khủng khiếp lắm, sấm sét, rất nguy hiểm, mỗi lần như vậy là anh em ra ngồi giữa trời mưa, không dám trú dưới gốc cây nữa. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ xây dựng lán trong rừng để thuật tiện cho việc bảo vệ rừng.

Phóng viên tại hiện trường khai thác gỗ trái phép trên đỉnh U Bò.

Phóng viên tại hiện trường khai thác gỗ trái phép trên đỉnh U Bò.

Nâng chén rượu “đồng khởi”, A Ư bảo: “Người Mông đi rừng không thể thiếu món rượu này. Vì ở rừng lạnh, rượu sẽ giúp cơ thể bớt lạnh hơn...”. Vừa nói dứt lời, bỗng nghe tiếng “tạch” khô khốc vang lên. A Ư khẳng định: “Bữa sáng mai có thịt chuột rồi nhé!”. Xong bữa cơm tối, sau khi dọn dẹp xong, mọi người chuẩn bị chỗ ngủ. Do 2 lều cá nhân chỉ đủ cho 4 người, nên chúng tôi được ưu tiên ngủ trong lều, còn lại mọi người tìm cây dương xỉ, rêu khô để làm chỗ ngủ. Các thành viên tổ bảo vệ rừng ngủ ngay cạnh đống lửa cho bớt lạnh. Mặc dù được ngủ trong lều, nhưng càng về đêm trời càng lạnh, nằm được lúc không chịu nổi, trở dậy lục trong balo có bao nhiêu quần áo tôi đều lấy ra mặc mà vẫn không đủ ấm, cả đêm cứ trằn trọc không thể ngủ được. Vậy mà A Chống, A Ư cùng mấy anh em trong tổ cứ thế nằm ngủ ngoài trời lạnh mà chẳng hề hấn gì.

Kiểm lâm địa bàn kiểm tra hiện trường gỗ khai thác trái phép tại U Bò.

Kiểm lâm địa bàn kiểm tra hiện trường gỗ khai thác trái phép tại U Bò.

5h30 sáng, Bí thư chi bộ Thào A Chống giục mọi người dậy để chuẩn bị bữa sáng và tiếp tục tuần rừng. Do hai cán bộ kiểm lâm có việc đột xuất, thực phẩm cũng không đủ cho cả đoàn nên chúng tôi đành phải quay lại. Riêng tổ bảo vệ rừng vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Anh Cầm Văn Xuất bảo: “Sau chuyến này 3 ngày nữa tôi lại tham gia đoàn công tác của huyện tiếp tục vào rừng để tìm và triệt phá thuốc phiện. Rất mệt nhưng vẫn phải đi”. Vừa thu dọn đồ đạc, A Chống vừa nhắn nhủ với chúng tôi: “Bản có khu rừng nguyên sinh đẹp thế này, với tài nguyên vô giá có thể phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên”.

Phút nghỉ chân giữa rừng già.

Phút nghỉ chân giữa rừng già.

Bữa cơm tối giữa rừng.

Bữa cơm tối giữa rừng.

Rời U Bò với những bức ảnh đẹp của khu có vẻ đẹp kỳ dị, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn canh cánh nỗi buồn, vì cánh rừng vẫn còn bị xâm phạm, hủy hoại vẻ đẹp nguyên sơ không phải nơi nào cũng có được. Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh ở Chống Tra nói riêng và khu rừng đặc dụng Tà Xùa nói chung.

Vũ Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tro-lai-dinh-u-bo-38642