Trở lại Khe Gồi

Chỉ nghe cái tên đã thấy sự trập trùng của núi cao, rừng thẳm, của con dốc, khe suối, của những con đường gập ghềnh đầy gian khổ khi xưa.

Tác giả và mẹ thăm lại đồng đội cũ của bố.

Tác giả và mẹ thăm lại đồng đội cũ của bố.

Khe Gồi (thuộc địa phận thành phố Tam Điệp) bây giờ đã khác xưa với những con đường bê tông chạy dài giữa cánh đồng dứa tít tắp, thấp thoáng là những dãy nhà nông trường, những mái nhà cao tầng san sát nối nhau... Không còn đâu câu ca: "Ai đi Quán Cháo, Đồng Giao/ Má hồng để lại xanh xao mang về".

Tôi được nghe mẹ kể nhiều kỷ niệm ở Khe Gồi. Đó là một cái thung nằm bên cạnh con suối, xung quanh là đồi núi, dốc đá lởm chởm nên nó được gọi tên theo đúng đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng. Khe Gồi xưa là một vùng đất lau lách ngập đầu, cây rừng rậm rạp, thú dữ nhiều vô kể, vì thế trong dân gian còn lưu giai thoại "Cọp Đồng Giao, ma Quán Cháo".

Địa hình rừng núi đầy nguy hiểm như thế nhưng ngày đó không ngăn nổi bước chân của mẹ vào đây thăm bố đang làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh trước khi đưa vào chiến trường miền Nam.

Lần thứ nhất mẹ cùng một bà cụ hàng xóm có con cùng đơn vị với bố mang theo mo cơm nắm đi bộ từ xã Lạng Phong (Nho Quan) băng rừng, hai ngày ròng rã mới đến được nơi huấn luyện. Gặp gỡ bố trong chốc lát, thời gian chưa đủ để kể về chuyện gia đình, quê hương với bao nỗi nhớ nhung bịn rịn.

Lần thứ hai, sau đó một năm, đầu năm 1968, năm ghi dấu Chiến dịch Mậu Thân, mẹ đến thăm bố trước khi bố nhận lệnh tập kết đi B, đó cũng là lần cuối cùng hai người gặp nhau… Thực hiện ý nguyện lâu nay của mẹ, hôm ấy, vào một ngày tháng sáu, giữa cái nắng gần 40 độ tôi đưa mẹ đi thăm lại Khe Gồi.

Dù đã gần 80 tuổi nhưng mẹ vẫn bước đi thoăn thoắt giữa đường đồi, bước xuống bờ suối ngày xưa và đứng lặng hồi tưởng. Mẹ nói: Mới đó mà đã gần 54 năm rồi, ngày ấy phải lội qua con suối này mới đến được đơn vị của bố. Thế rồi mẹ nói chúng tôi đưa mẹ đến thăm nhà chú Thứ - người đồng đội cũ của cha tôi. Được gặp lại chú, tôi đọc thấy niềm vui ánh lên trong mắt mẹ, kỷ niệm của hơn 50 năm ùa về.

Mẹ ngồi lặng lẽ nghe chú Thứ kể lại: Ngày chị đến đơn vị mang một bọc xôi to và một con gà luộc gói trong lá chuối - vừa nói chú vừa vòng tay vẽ một đường tròn, thời đó ai cũng biết món quà đó là sự chắt chiu, gói gém bao yêu thương, khó nhọc. Món ăn ấy lại đến trong một hoàn cảnh đặc biệt, nó trở thành món ăn xa xỉ trong chốn rừng thiêng nước độc, lại trước ngày sắp rời xa quê hương khiến chú không thể quên từng chi tiết nhỏ.

Rằng có mấy anh em chơi thân với nhau đã được ăn một bữa ăn ngon, rằng ăn xong thì họ ý tứ cho thủ trưởng tranh thủ tâm sự riêng với vợ trên đồi, rằng sau khi mẹ về chú được nghe bố tôi nói lại: Lần này tớ chắc chắn có thêm một đứa con! Nghe thế để rồi từ đó chú mặc định tôi là kết quả của niềm hạnh phúc tại Khe Gồi.

Chú và những người đồng đội thân thiết của bố đều tin như thế, bởi sau khi hành quân đi bộ theo đường mòn vào miền Nam, đến địa danh khác bố và các chú phải chia tách đơn vị mỗi người theo một hướng. Cũng từ đó chú không bao giờ còn gặp lại bố nhưng chú nói hình ảnh, lời nói và đặc biệt câu chuyện của bố giữa rừng chú không quên được. Bao năm qua chú cứ chắc chắn rằng tôi chính là kết quả của chuyến mẹ vào đơn vị thăm bố ngày đó.

Nhưng hôm nay, chú đã hiểu rõ hơn khi nghe mẹ kể lại: Ngày bố về phép qua nhà, trong một đợt thưởng phép sau khóa huấn luyện, mẹ đã mang thai tôi được gần một tháng. Cũng thời điểm đó tin chiến tranh ác liệt, miền Nam đang cần sự chi viện từng giờ của miền Bắc, tin vui vừa đến khi mẹ biết chắc chắn có một sinh linh đang hình thành trong mẹ cũng là lúc mẹ nhận tin đây là khóa huấn luyện cuối cùng của bố trên đất Bắc. Mẹ không viết thư cho bố mà muốn tạo cho bố sự bất ngờ. Mẹ cùng người chú của tôi lặn lội vào Khe Gồi để gặp bố trước lúc bố đi B, phương tiện ngày đó là chiếc xe đạp đã cũ và đi khoảng 50 km chủ yếu đường rừng rất khó đi.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong gang tấc, giữa rừng núi với xung quanh là các tiểu đội đang huấn luyện, nước mắt còn chẳng kịp tuôn rơi trong giây phút bùi ngùi thì lấy đâu gặp gỡ riêng tư. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng của mẹ với bố và cũng là lần đầu tiên mẹ báo tin vui có tôi trong mẹ.

Niềm hạnh phúc tột cùng của bố trước khi lên đường khi biết rằng ngoài cô con gái lớn, sinh linh ấy sẽ là động lực để bố vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Mẹ trở về, khi đi qua một con dốc với khúc cua tay áo, xe đạp của chú bị đứt phanh mẹ tôi ngã nhào, lăn xuống mép suối, may mắn là ông trời cho tôi tồn tại nên mẹ chỉ bị thương mà vẫn bảo toàn được cho tôi. Ngày nay vết sẹo to ở đầu gối mẹ vẫn còn, mỗi khi kể về câu chuyện đó mẹ vẫn vạch ra như một chứng tích và nói rằng ngã thế mà ông giời cho sống.

Tôi lớn dần trong mẹ, trong sự thấp thỏm của cả gia đình và đặc biệt trong niềm tin tưởng ngày bố sẽ trở về. Ngày sinh tôi, mẹ báo tin cho bố đã sinh hạ được một cậu con trai để nối dõi tông đường. Chắc chắn ở chiến trường bố vui nhiều lắm, bố viết thư về hứa hẹn là mùa xuân năm sau sẽ trở về.

Nhưng mùa xuân năm 69 bố đã không trở về. Bố hy sinh vào ngày 16 tháng Giêng - đúng là mùa xuân - nhưng bố đã về với lòng đất trong một trận càn quét của địch ở Tây Ninh. Nghe tin dữ từ những người đồng đội của bố viết thư về, mẹ suy sụp. 22 tuổi với hai đứa con thơ mẹ đã chống chọi với bao sóng gió cuộc đời. Bao năm qua mẹ đã hết lòng với con cái. Mẹ vừa là mẹ vừa là cha. Mẹ nghiêm khắc, chuẩn mực và có phần cứng nhắc, cũng chính vì thế chị em tôi như một cái cây được uốn nắn từ nhỏ theo một đường thẳng.

Ở tuổi xế chiều mẹ đã viên mãn về chị em tôi nhưng tôi biết trong lòng mẹ còn nỗi ân hận là đã nói dối bố khi bố đang trong trận chiến ác liệt là mẹ đã sinh một đứa con trai cho bố, để động viên bố, để bố được vui. Chiến tranh đã lùi xa, hạnh phúc hay khổ đau đến với mỗi người là do quan niệm, chỉ biết rằng trên mảnh đất hình chữ S này đã có biết bao gia đình, bao người vợ, người mẹ như mẹ tôi đã luôn dành về mình sự hy sinh, động viên chồng con yên tâm lên đường nhập ngũ chiến đấu vì nền độc lập, tự do cho dân tộc, bình yên cho mỗi ngôi nhà. Những người phụ nữ ấy vẫn khắc khoải nỗi nhớ mỗi khi tháng Bảy lại về.

Với tôi, hạnh phúc bây giờ là mong mẹ thật mạnh khỏe, mong có nhiều thời gian để đưa mẹ trở về những kỷ niệm, thăm lại những người đồng đội của bố để được nghe những câu chuyện của họ nói về cha anh mình năm xưa, để thêm tự hào, thêm trân trọng quá khứ và sống tốt hơn trong cuộc đời này.

(Ninh Bình, tháng 6/2021)
Bài, ảnh: NGUYỄN YẾN

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tro-lai-khe-goi/d20210709162535491.htm