Trở lại Kim Thượng
Năm 2018, 'cơn bão' dư luận về căn bệnh HIV quét qua xã vùng cao Kim Thượng, huyện Tân Sơn khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Cuộc sống của bà con ở xã miền núi đặc biệt khó khăn vốn yên ả bỗng trở nên xáo trộn với những câu chuyện bàn tán từ ngoài ngõ len lỏi vào mỗi gia đình, trong từng bữa cơm, giấc ngủ nhất là những nhà có người phát hiện nhiễm HIV/AIDS. Trở lại Kim Thượng hôm nay, câu chuyện của 5 năm về trước theo thời gian đã lắng dịu, nhịp sống thường ngày sôi động hẳn lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng phát triển.
Cán bộ Trạm y tế xã Kim Thượng tuyên truyền, tư vấn cho người dân các biện pháp dự phòng lây nhiễm chéo HIV/AIDS.
Quan tâm hỗ trợ
Gần trưa, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Sa Thị San ở khu Chiềng 2 rôm rả tiếng nói cười. Hôm nay, ông bà sắp mâm cơm mời cánh thợ cấy ở lại dùng bữa với gia đình. Bên bữa cơm trưa vội ấy, mọi người chuyện trò vui vẻ, không quên nhắc nhau lịch cấy đổi cho hộ khác vào sớm mai. Ai trong xã này cũng biết bà San bị nhiễm HIV. Nhưng điều đó giờ đây không còn quan trọng khi tất cả mọi người đều được cung cấp những kiến thức cơ bản để phòng tránh lây nhiễm và sống chung với người nhiễm. Bà San chia sẻ: “Thời gian đầu phát hiện bị nhiễm HIV mà chưa rõ nguồn lây, tôi lo lắng lắm. Tôi mất ăn mất ngủ, sợ hãi bởi sức khỏe vốn yếu lại tuổi cao, không biết sẽ sống thêm được bao lâu nữa. Nhưng nhờ có cán bộ y tế đến tận khu dân cư tuyên truyền, giải thích cho bà con nên chúng tôi yên tâm hơn. Không chỉ tôi mà tất cả người dân trong xã đều hiểu rằng virut HIV không lây truyền qua không khí, mà chỉ có thể lây qua ba con đường là máu, tình dục và mẹ sang con. Vì thế, trong sinh hoạt gia đình, tôi đã biết cách phòng tránh lây nhiễm cho người thân. Sau 5 năm mắc bệnh, tôi duy trì điều trị bằng thuốc chống vi rút ARV, nên sức khỏe vẫn duy trì ổn định, ông nhà tôi cũng khỏe mạnh không lây nhiễm HIV”.
Từ câu chuyện của bà Sa Thị San đã cho thấy sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng trong hỗ trợ người nhiễm HIV ở Kim Thượng. Ngay sau khi phát hiện hơn 40 trường hợp nhiễm mới HIV/AIDS tại xã Kim Thượng, Sở Y tế đã phối hợp với Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF - AIDS Heatlhcare Foundation) khai trương, đưa vào hoạt động Phòng khám và điều trị ngoại trú ARV trong khuôn khổ Dự án “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS” tại Trung tâm Y tế hai huyện Tân Sơn và Thanh Sơn. AHF là tổ chức phi Chính phủ chuyên về chăm sóc và điều trị HIV/AIDS lớn nhất ở Mỹ chuyên cung cấp và chia sẻ kinh nghiệm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và quản lý các chương trình về HIV/AIDS. Dự án AHF đã hỗ trợ tích cực cho tỉnh nói chung, huyện Tân Sơn nói riêng về cơ sở vật chất, cung cấp vật tư phòng khám điều trị ARV cho người nhiễm HIV, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm việc tại phòng khám, hỗ trợ những người có nguy cơ cao tại cộng đồng đến tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện người nhiễm HIV mới và điều trị kịp thời, giúp họ duy trì sự sống.
Không chỉ thành lập và đưa vào hoạt động phòng khám và điều trị ngoại trú OPC, Dự án AHF còn hỗ trợ những gia đình có người nhiễm HIV con giống để tạo sinh kế giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Năm 2022, 22 hộ có người bị nhiễm HIV ở Kim Thượng đã được hỗ trợ bò giống, gà và lợn. Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở khu Chiềng 2 cũng có người bị nhiễm HIV là một ví dụ. Tháng 8/2022, hộ của chị được nhận hỗ trợ một con bò sinh sản từ Dự án AHF, đến nay bò sinh trưởng tốt. Chị Hương cho biết: “Được nhận hỗ trợ con giống, vợ chồng tôi phấn khởi lắm. Kinh tế gia đình sẽ bớt khó khăn hơn khi vừa phải điều trị bệnh, vừa nuôi hai con đang tuổi ăn học”.
Dự án AHF hỗ trợ lợn giống cho các hộ gia đình có người nhiễm HIV/AIDS ở Kim Thượng.
Nỗ lực vượt khó
Thời gian qua, Sở Y tế vẫn thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ có chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ cho xã Kim Thượng tổ chức nói chuyện, truyền thông trực tiếp đến từng khu dân cư. Tại các buổi tuyên truyền, người dân được cung cấp các kiến thức về HIV, nguy cơ và cách phòng tránh lây cũng như phương pháp điều trị đối với người nhiễm. Nhờ tích cực truyền thông nên người dân trong xã đã tuân thủ phác đồ điều trị, hiệu quả điều trị cao. Bác sĩ Trần Thị Thanh Hải - Trạm trưởng Trạm y tế xã thông tin: “Toàn xã hiện có 121 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 52 bệnh nhân nam và 69 bệnh nhân nữ. Tất cả bệnh nhân này đều tham gia điều trị HIV/AIDS ổn định. Số người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở khu Chiềng 2, Chiềng 3 và rải rác ở các khu còn lại. Năm 2022, xã không phát hiện ca nhiễm mới HIV”.
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm đáng kể. Khoảng cách giữa người nhiễm HIV và người không có HIV ở Kim Thượng dường như bị xóa nhòa. Có được điều đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của mỗi tổ chức, cá nhân, trong đó có sự đóng góp tích cực của chính những người nhiễm HIV. Năm 2018, thấy trong khu có nhiều người nhiễm HIV, chị Đinh Thị Hiền ở khu Chiềng 2 đã tự nguyện xét nghiệm thì không may phát hiện mình cũng bị lây nhiễm khi đang mang thai ở tháng thứ bảy. Mọi thứ như sụp đổ, tan vỡ. May mắn thay khi cháu bé sinh ra đã không bị lây truyền HIV từ mẹ do ngay khi phát hiện mình bị nhiễm HIV, chị Hiền đã được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng thuốc ARV kịp thời và thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền mẹ con. Chị Hiền tâm sự: “Sức khỏe của tôi giờ rất tốt. Con trai năm nay đã lên bốn tuổi khỏe mạnh. Cả sáu thành viên còn lại trong gia đình đều không bị lây nhiễm HIV. Đó là điều hạnh phúc nhất, là động lực để tôi tiếp tục điều trị, có sức khỏe tốt còn chăm sóc cho gia đình”. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Hiền còn là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chị hiện là Trưởng Ban công tác mặt trận, Bí thư Chi đoàn, Chi hội phó Chi hội phụ nữ được người dân tin tưởng, quý mến.
11 hộ dân trong xã được hỗ trợ bò sinh sản, góp phần cải thiện cuộc sống.
Cùng với những kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Kim Thượng còn gặp phải một số khó khăn. Là xã đặc biệt khó khăn với gần 100% là đồng bào dân tộc Dao, Mường, Tày… trình độ dân trí không đồng đều, nên nhận thức của một bộ phận người dân về dịch bệnh HIV/AIDS còn hạn chế. Việc tuyên truyền cho các đối tượng làm xét nghiệm sàng lọc đôi khi không thuận lợi bởi nhiều người hay đi làm ăn xa. Trong số 121 người nhiễm HIV có nhiều trẻ em. Đây là nhóm đối tượng đặc thù đòi hỏi hình thức tư vấn, tuyên truyền phù hợp.
Mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức nhưng xã miền núi Kim Thượng đang rất nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đạt mục tiêu chung của toàn tỉnh là loại bỏ dịch AIDS vào năm 2030. Cùng với nỗ lực vượt khó ở địa phương, sự quan tâm của ngành Y tế từ cấp tỉnh đến huyện trong việc tăng cường hoạt động dự phòng, xét nghiệm sớm, truyền thông giảm kỳ thị và mở rộng bao phủ, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS đến đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số sẽ tạo động lực để người dân nơi đây vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, ngày càng khởi sắc.
Hồng Nhung
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/tro-lai-kim-thuong/191489.htm