Trở lại Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (H. Nam Giang, Quảng Nam). Khác với cảnh nhếch nhác 2 năm trước đây, hiện nay màu xanh của cây cối, hoa màu đã phủ khắp các khu vườn trong làng. Sự đổi thay đang hiện hữu từng ngày dưới bàn tay lao động hăng say của những đôi vợ chồng trẻ...
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (H. Nam Giang, Quảng Nam). Khác với cảnh nhếch nhác 2 năm trước đây, hiện nay màu xanh của cây cối, hoa màu đã phủ khắp các khu vườn trong làng. Sự đổi thay đang hiện hữu từng ngày dưới bàn tay lao động hăng say của những đôi vợ chồng trẻ...
Tín hiệu tích cực
Dưới tiết trời nắng tháng tư, giữa trưa nhưng vợ chồng anh A Rất Mon (1990), trú Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (LTNLNTM) vẫn đang cặm cụi làm cho xong giàn bí trước sân nhà. "Vợ chồng mình tranh thủ làm cho xong sớm, vì sắp tới bên Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam - đơn vị tham gia điều hành dự án LTNLNTM sẽ hỗ trợ giống bí về trồng. Do vậy, mình phải làm giàn trước để khi có giống sẽ trồng vào...", anh Mon vừa làm vừa giải thích khi thấy chúng tôi đến thăm.
Cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, anh Mon cùng vợ là chị Bnước Thị The (1990) từ làng Mực (TT Thạnh Mỹ) lên đây lập nghiệp đợt 1, năm 2017. Lên làng mới, vợ chồng anh Mon được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, cấp diện tích đất 15x40m để làm nhà và vườn. Ngoài ra còn được hỗ trợ cây giống, con vật nuôi để tạo sinh kế ban đầu. "Từ khi lên đây mình thấy cuộc sống tốt hơn. Vợ chồng với 2 đứa con ở trong ngôi nhà kiên cố, rộng rãi. Hằng ngày vợ chồng lên nương rẫy trồng lúa, bắp, đậu. Thời gian rảnh mình còn đi phụ hồ, vợ thì làm thêm nghề đan lát. Trên này nước sinh hoạt dồi dào, chứ khi trước ở làng cũ không có nước sinh hoạt..."- anh Mon chia sẻ thêm.
Gần đó, nhà của vợ chồng anh A rất Bước (1988) được xây dựng khang trang theo lối kiến trúc truyền thống người Cơ Tu. Trò chuyện với chúng tôi, anh Bước cho biết, trước đây vợ chồng anh và 3 con nhỏ phải sống chung với bố mẹ và các anh chị em trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Mực, do đó rất bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Khi biết chủ trương xây dựng LTNLNTM, anh đã làm đơn xin vào làng và được Tỉnh đoàn Quảng Nam lựa chọn. Với diện tích đất ở được cấp rộng 600m2, ngoài việc làm nhà và xây dựng các công trình phụ, anh còn dành phần lớn đất để phát triển mô hình nuôi gà thả vườn với hơn 100 con, nuôi lợn đen trên nền đệm lót sinh học, trồng cỏ voi để nuôi 5 con bò... "Làng mới có mặt bằng rộng rãi, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Vị trí của làng cũng gần trung tâm huyện nên người dân dễ dàng đưa những sản phẩm nông sản ra chợ tiêu thụ, việc học hành của con trẻ nhờ đó cũng được thuận lợi hơn trước đây"- anh Bước tâm sự.
Hướng đến khu dân cư kiểu mẫu
Dự án LTNLNTM là một trong 15 LTNLN được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư trong giai đoạn 2013-2020, nhằm thực hiện chương trình của Chính phủ về giãn dân trên đường Hồ Chí Minh, đồng thời phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Nam trong vấn đề lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Dù cuộc sống nơi làng mới trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng các hộ dân trong làng luôn quyết tâm vươn lên bằng chính sức trẻ, sự hăng say lao động để lập thân, lập nghiệp.
Anh Bùi Thành Vinh - Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 60 hộ thanh niên đã được tuyển chọn vào LTNLNTM, những hộ này đang phấn đấu để xây dựng cuộc sống khấm khá hơn. Theo quy hoạch, mỗi hộ gia đình được chọn khi vào làng lập nghiệp sẽ được cấp 600m2 đất ở, hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, cấp 3 héc-ta đất rừng sản xuất, 3 héc-ta đất rừng khoanh nuôi phục hồi với mức tiền hỗ trợ 400.000 đồng/năm/héc-ta. Ngoài ra, các hộ gia đình còn được hỗ trợ cây, con giống và gạo trong những tháng đầu đến làng lập nghiệp. "Hiện Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Nam đang tiến hành làm việc với các đơn vị liên quan để thực hiện các bước lập hồ sơ để cấp sổ đỏ đất ở; giao đất sản xuất, đất khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi rừng cho từng hộ dân trong làng. Để LTNLNTM phát triển bền vững, tránh tình trạng các cặp vợ chồng thanh niên bỏ làng đi nơi khác, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với làng trong nhiều năm nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng làng trở thành một khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi của tỉnh"- anh Vinh nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, hiện Tổng đội TNXP đang khuyến khích các hộ dân trong làng nhân rộng mô hình nuôi gà thả đồi, hướng tới thành lập tổ hợp tác để đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Hợp tác xã mây tre đan Âu Cơ dạy nghề và tạo việc làm thêm cho người dân trong thôn. Cùng với việc phát triển sản xuất, LTNLNTM cũng từng bước xây dựng nếp sống văn hóa mới, các thành viên trong làng cam kết gương mẫu chấp hành pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, không lạm dụng rượu bia...
Với những gì đang diễn ra nơi LTNLNTM, hy vọng với sức trẻ, sự chịu khó của những thanh niên vùng cao, họ sẽ xây dựng nên một ngôi làng mới đầy sức sống, xứng đáng trở thành một khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_223005_tro-lai-lang-thanh-nien-lap-nghiep-thanh-my.aspx