Trở lại tuổi thơ: Đánh đáo

Mỗi khi tết đến Xuân về, trong tôi lại nhớ quê, nhớ các trò chơi thủa nhỏ. Không biết trong làng ta, có ai mê trò đánh đáo như tôi không?

Khi còn nhỏ tôi thường xem các đàn anh đánh đáo, vào những ngày nghỉ lễ hội, đặc biệt vào các ngày tết nguyên đán, mọi người được vui chơi tự do. Thật tuyệt vời, trong các ngõ xóm làng quê, từng tốp, từng tốp trẻ em, thanh niên trai thì đánh đáo, con gái thi chơi ô ăn quan, tạo lên vùng thôn quê nhộn nhịp tưng bừng! Lúc ấy tôi thường xem các bậc đàn anh chơi quên cả ăn.

Trong đánh đáo có mấy kiểu chơi: Đánh bập pin, đánh đập tường, đánh díu..vv. Tất cả các trò chơi ấy đều dùng đồng 5 xu ngày xưa để chơi, rất tuyệt. Tôi lúc nhỏ hay chơi bập pin hoặc đập tường, mỗi ván chỉ chơi 2 xu rưỡi, ăn hai ván bóc 5 xu. Còn các anh lớn thì đánh díu, chơi lớn hơn, mỗi ván từ một hào đến hai hào. Vì các anh ấy có tiền mới dám chơi. Mỗi năm lớn dần lên, tôi rất ham chơi đánh díu, vì các trò chơi này rất nghệ thuật. Các cụ đánh tổ tôm hoặc đánh bài thì dùng trí óc, xen lẫn gian lận? Còn đánh đáo là kỹ thuật rõ ràng, ai khéo tay đánh chích xác là thắng trước mắt nhiều người đứng xem, chứ không ăn gian được.

Son Hai

Chơi đáo là cả một nghệ thuật, đúng thế. Búng tường: thích nhất ở sân xi măng có nhiều vạch sân ô vuông cỡ gang tay. Phân nhất nhì bằng cọng rơm đo tỉ mỉ… Thằng nhất được quyền đánh lần lượt xu của 2, 3, 4… Đặt xu cuốn trong ngón cái và giữa, búng nếu ở xa, nếu xu ở gần kề thì búng lăn cuộn vòng về chỗ tiếp theo… Đáo thì có đáo lỗ, đáo 1 vạch, đáo 2 vạch.

Một thời tuổi thơ những năm 60, 70…

Làng tôi lúc đó có 3 anh chơi rất cao thủ, chơi phần lớn là thắng, nhiều người bị thua nhiều không dám chơi nữa, vì các anh ấy cao lớn, chân tay dài, rất lợi thế! Do tôi xem đam mê, vừa xem, vừa chơi cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Nhiều hôm đi chăn trâu, mải chơi đáo, để trâu ăn lúa, bị hợp tác xã phạt, về nhà bị đòn nhừ tử nhưng tôi vẫn ham chơi. Đi học thì đa số vào lớp muộn vì chơi đáo. Tôi nhớ nhất một hôm tôi thắng lớn, khi trống trường đã điểm, tôi mới vội vàng chạy vào lớp, hai tay vẫn cầm hai nắm tiền chưa kịp cho vô túi. Tôi chạy vào lớp, cô giáo chủ nhiệm đã đến rồi. Tôi chưa kịp ngồi, thì cô giáo quát: “Em Thái cầm tiền đánh đáo lên bàn!”. Tôi đỏ mặt, đang loay hoay không biết xử lý số tiền làm sao? Nếu mang lên thì mất hết vốn, mà để ngăn bàn cô giáo sai lớp trưởng mang lên cũng mất hết? Thật thông minh, cô bạn ngồi cạnh chìa tay ra kéo nhẹ áo tôi và nói nhỏ, đưa đây. Tôi ấn tiền vào tay bạn gái, rồi bước lên bảng, cô giáo nói: “Em móc hết tiền bỏ lên bàn!”. Tôi ngoan ngoãn móc hết túi quần và túi áo ngực, còn được hào rưỡi. Cô giáo nói lớp trưởng kiểm tra ngăn bàn của tôi, lớp trưởng báo không còn xu nào cô à. Rồi cô giảng đạo đức cho tôi, không được cờ bạc… Cũng như cô dạy cả lớp. sau đó cô giáo cho tôi về chỗ và tuyên bố tịch thu số tiền đánh đáo đó nộp về nhà trường. Sau lần ấy, tôi cứ mang ơn cô bạn ngồi cạnh đã giúp tôi, giữ được chút vốn! Sau này làm gì tôi cũng hay bênh vực và bảo vệ bạn ấy! Riêng tôi cũng nghe lời cô giáo, giảm bớt chơi bời, đi học đúng giờ và học tốt hơn!

Theo Chuyện làng quê

Theo Chuyện làng quê

Thái Đoàn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tro-lai-tuoi-tho-danh-dao-a9725.html