Trợ lực cho doanh nghiệp Hà Nội vượt khó

6 tháng cuối năm 2023 là giai đoạn để doanh nghiệp phục hồi, chạy đà nhằm đạt mục tiêu đề ra trong cả năm. Do vậy, TP Hà Nội đã ban hành nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Thủ đô vượt khó.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của TP đang có những tín hiệu khởi sắc. 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 151,1 nghìn tỷ đồng, giảm 16%.

Kỳ vọng đơn hàng tăng trong 6 tháng cuối năm

Ở chiều ngược lại, thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 5%; hơn 15,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 36%.

6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê Hà Nội về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023: Có 21% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt hơn quý I/2023; 44,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản suất kinh doanh ổn định và 34,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Nếu những tháng tiếp theo thị trường xuất khẩu được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng tăng lên, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 là: 26,1% số doanh nghiệp dự kiến quý III/2023 sẽ tốt lên so với quý II/2023; 49% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 24,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tạo nên 45% GRDP, đóng góp trên 30% ngân sách cho Thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.

Tuy nhiên, các DN nhỏ và siêu nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp tục ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, Nhà nước tăng cường cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh. Đồng thời, phát triển đồng bộ các loại thị trường như thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, khoa học, công nghệ và thị trường lao động để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào cũng như giải quyết các vấn đề đầu ra.

‘Nút thắt’ về vốn

Cùng với đó, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp này.

Hà Nội đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hà Nội đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo ông Mạc Quốc Anh, để tháo gỡ khó khăn, TP cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp. Do hạn chế về tài chính và nhân lực nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó có thể tự mình nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, do vậy Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ vừa thành phố Hà Nội – Hanoisme) Hoàng Ngọc Linh cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn và quản lý dòng tiền, đặc biệt khi họ cần vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.

Để giải quyết những khó khăn này, ông Hoàng Ngọc Linh cho rằng, các doanh nghiệp cần tự cứu mình bằng cách nâng cao khả năng quản trị dòng tiền, đẩy nhanh vòng quay vốn và giảm hàng tồn kho. Đồng thời, cũng cần rút ngắn thời gian cho phép đối tác trả chậm và tìm kiếm các phương thức thanh toán nhanh chóng, giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn.

“Quản trị dòng tiền cho tốt, luân chuyển nhanh và giải phóng hàng tồn kho. Mọi khi cho các đối tác trả chậm 30 - 45 ngày, nay yêu cầu giảm xuống 10 ngày và cần có các biện pháp để thanh toán tiền ngay là tốt nhất”, ông Linh đưa ra giải pháp.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Để giải quyết khó khăn mà DN gặp phải, cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, hiệu quả, có kế hoạch, thời hạn cụ thể hoàn thành và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục theo dõi, giám sát, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Chỉ thị số 03 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng...

"Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) triển khai chương trình tín dụng để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ",

Cục Thuế Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành thuế TP thực hiện ngay các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Thuế, không chậm trễ, hướng dẫn người nộp thuế có các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng vừa đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả vừa đảm bảo theo quy định pháp luật cho người dân, doanh nghiệp...

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tập trung triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn chuyên sâu và tư vấn qua mạng lưới tư vấn viên quốc gia ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính về cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND quận, huyện, thị xã tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/tro-luc-cho-doanh-nghiep-ha-noi-vuot-kho-1093897.html