Trợ lực doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh mới

Ngày 17.4, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề 'Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh' đã diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những biến động sâu rộng.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”

Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”

Không nằm ngoài dòng chảy chung, ngành du lịch Việt Nam - một trong những ngành kinh tế được xác định là “mũi nhọn” của đất nước cũng đang đứng trước yêu cầu bức thiết phải tái định vị, đổi mới và chuyển mình mạnh mẽ để không chỉ phục hồi mà còn bứt phá.

Du lịch là điểm sáng giữa bức tranh kinh tế nhiều gam trầm

Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Theo thống kê, trong quý I năm nay, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch nội địa cũng đạt tới 35,5 triệu lượt, cho thấy sức bật đáng kinh ngạc của Ngành sau đại dịch và những khó khăn kéo dài.

Tuy nhiên, những con số ấn tượng ấy không đến từ may mắn. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đó là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, là sự vào cuộc đồng bộ của các ban, bộ, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lực lượng tiên phong làm nên sự lớn mạnh của Ngành.

Trong bối cảnh biến động toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, từ xung đột địa chính trị, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và hành vi tiêu dùng thì các doanh nghiệp du lịch càng cần được “trợ lực” đúng và trúng để duy trì đà tăng trưởng.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Ba đột phá để nâng tầm năng lực cạnh tranh

Tại Diễn đàn, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đưa ra ba định hướng chiến lược giúp doanh nghiệp du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch. Theo ông Khánh, thị hiếu khách du lịch hiện đại đang thay đổi nhanh chóng sau đại dịch. Những trải nghiệm gắn với sức khỏe, bản sắc văn hóa, ẩm thực, thể thao, nông nghiệp, MICE… đang lên ngôi.

Do đó, doanh nghiệp cần liên tục làm mới, cá nhân hóa sản phẩm, khai thác sâu sắc thế mạnh địa phương để tạo dấu ấn riêng. Đặc biệt, các sản phẩm không nên chỉ là “món ăn chơi” mà phải là “trải nghiệm sống” để du khách thực sự cảm nhận được giá trị.

Thứ hai, chuyển đổi số là mũi nhọn giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất, cá nhân hóa dịch vụ và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Việc tích cực kết nối vào hệ sinh thái du lịch số quốc gia không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng hiện diện mà còn góp phần hình thành hệ thống dữ liệu du lịch quốc gia, phục vụ quản lý thông minh và quảng bá hiệu quả.

Thứ ba, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự khác biệt và đẳng cấp dịch vụ. Doanh nghiệp cần song song chú trọng cả đào tạo mới lẫn đào tạo lại, cập nhật kỹ năng mềm và công nghệ, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, du lịch thông minh và nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Diễn đàn

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Diễn đàn

Liên kết để tạo sức mạnh tổng hợp

Một trong những “điểm nghẽn” kéo lùi năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam là sự thiếu đồng bộ và liên kết trong chuỗi dịch vụ.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: “Các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, liên kết trong chuỗi cung ứng, từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, ẩm thực đến điểm đến. Khi từng mắt xích đều mạnh, toàn bộ chuỗi sản phẩm sẽ trở nên đồng bộ, chuyên nghiệp và có giá trị gia tăng cao”.

Không chỉ là sự liên kết giữa doanh nghiệp với nhau, mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước-doanh nghiệp-người dân cũng cần được đẩy mạnh. Chính quyền các cấp cần tiếp tục tháo gỡ thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, những yếu tố then chốt tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự tin phát triển.

Việc ban hành chính sách thị thực điện tử, mở rộng diện miễn visa, thúc đẩy giao thông hàng không, đường bộ là những “cú hích” thực sự cần thiết. Nhưng để chính sách phát huy hiệu quả, doanh nghiệp cần đồng hành chủ động để “bắt sóng” và biến cơ hội thành kết quả thực tiễn.

Không chỉ là khẩu hiệu

Một trong những vấn đề đáng chú ý được ông Khánh nhấn mạnh tại Diễn đàn là yếu tố phát triển bền vững và du lịch có trách nhiệm. Đây là điều mà du lịch Việt Nam cần theo đuổi nghiêm túc nếu muốn giữ chân khách lâu dài và vươn ra thế giới một cách vững chắc.

“Phát triển du lịch không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa và hỗ trợ cộng đồng. Mỗi hành vi khai thác du lịch hôm nay sẽ để lại hệ quả rõ rệt cho mai sau. Doanh nghiệp cần đặt ba trụ cột môi trường - văn hóa - cộng đồng ở trung tâm các chiến lược phát triển sản phẩm và quản trị điểm đến”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Tư duy phát triển du lịch theo hướng “xanh - bản sắc - có trách nhiệm” không chỉ là xu hướng toàn cầu mà cũng là chìa khóa để du lịch Việt Nam khẳng định vị thế.

Từ các mô hình du lịch cộng đồng ở vùng cao đến du lịch sinh thái ở vùng ven biển, mỗi doanh nghiệp đều có thể tìm cho mình một con đường phát triển bền vững nếu đặt khách thể là con người và thiên nhiên lên hàng đầu.

Diễn đàn thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp

Diễn đàn thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp

Từ “trợ lực” đến “bứt phá”

Năm 2025 được xác định là năm bản lề để Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 8% và tạo đà cho tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Trong đó, ngành Du lịch được kỳ vọng là một trong những “mũi nhọn xung kích”.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp du lịch không chỉ là những đơn vị cung ứng dịch vụ, mà sẽ là lực lượng tiên phong, định hình xu hướng, dẫn dắt đổi mới, tạo sức hút và nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Để đạt được điều đó, ngoài các chính sách vĩ mô và sự chỉ đạo từ Trung ương, cần sự chủ động, quyết liệt và sáng tạo từ mỗi doanh nghiệp. Bối cảnh khó khăn là thách thức, nhưng cũng là phép thử để doanh nghiệp chứng minh nội lực và bản lĩnh của mình.

Từ Diễn đàn kinh tế này, một thông điệp được gửi đi rõ ràng: “Muốn bứt phá, doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải biết đổi mới tư duy, liên kết hành động, đầu tư dài hạn cho nền tảng số và nhân lực. Đó không chỉ là “trợ lực” tạm thời, mà là “nội lực” để tiến xa, bứt phá và phát triển bền vững trong kỷ nguyên kinh tế số toàn cầu”.

ANH ĐÀO

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/tro-luc-doanh-nghiep-du-lich-trong-boi-canh-moi-128309.html