Trợ lực nào cho doanh nghiệp vượt thách thức, tăng khả năng cạnh tranh trong tình hình mới?
Theo các chuyên gia, cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp là những chìa khóa then chốt, không chỉ giúp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.
Chiều 17/4, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh".
Diễn đàn góp phần gợi mở các giải pháp, kiến nghị để nhận diện những trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức; đồng thời nêu ra những cơ hội, các bài học kinh nghiệp để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh" thu hút sự tham dự đông đảo của đại diện cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan
Kinh tế Việt Nam quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, căng thẳng địa chính trị. Sự bất ổn trong chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách thương mại quốc tế gây áp lực tới chi tiêu dùng, đầu tư, sự bấp bênh trong tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại của doanh nghiệp như thay đổi cơ cấu lao động, thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, yêu cầu về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đòi hỏi phải thích ứng nhanh chóng.
Trong nước, nhìn từ số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2025 đạt 6,93% là mức tăng trưởng rất tích cực. Con số này đạt được đã thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và trên thế giới. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Do đó, theo Phó Chủ tịch VCCI, để bứt phá trong năm 2025, việc cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt, không chỉ tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để bứt phá trong năm 2025, việc cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp là những chìa khóa then chốt, không chỉ tăng khả năng hấp thụ vốn mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Hỗ trợ lớn từ các động lực tăng trưởng mới và các FTA
Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước. Tuy vậy, trong một thế giới biến động, các doanh nghiệp cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ cơ chế, chính sách.
Theo các diễn giả tại Diễn đàn, sự phát triển của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp được hỗ trợ rất lớn từ các động lực tăng trưởng mới, mở ra không gian phát triển bền vững. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là đột phá về thể chế và tinh gọn tổ chức bộ máy. Tập trung triển khai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh bên ngoài thách thức, rủi ro về địa chính trị còn cao; căng thẳng thương mại có nguy cơ leo thang, kéo theo xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
Bên cạnh đó là động lực quan trọng từ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, cùng một số chính sách mới được ban hành giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cải cách thể chế, tuy nhiên ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế tài chính của Quốc hội khóa XV cho rằng, duy trì thể chế tốt ổn định, lâu dài sẽ hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp hơn nữa
Đặc biệt, từ góc độ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua cho thấy động lực tích cực từ việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã kí kết và thực thi.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết: Những con số minh chứng cho thành công của việc thực thi FTA thời gian qua rất ấn tượng. Trong ba năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12,5% mỗi năm. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Theo Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Đóng góp vào kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như EU, Canada và các nước CPTPP đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, ví dụ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2024 đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu sang Canada trong năm 2024 đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2023). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 37% trong năm 2024. Qua đó, các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thông tin về tình hình tận dụng các FTA của doanh nghiệp
Duy trì các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, lâu dài
Để tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường.
Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, đột phá, sáng tạo và nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước...