Trợ lực thúc đẩy phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp
Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, nhất là đối tượng lao động nữ đã quá tuổi được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp, giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình. Do đó, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển các ngành nghề TTCN thông qua việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới.
Sản xuất giỏ xuất khẩu tại Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn). Ảnh: Hương Thơm
Các giải pháp được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện, như: Phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, du nhập các nghề mới có hiệu quả, phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương.
Thông qua các giải pháp nói trên, đã có không ít địa phương đạt được những kết quả đáng ghi nhận, điển hình như: huyện Nga Sơn đã khôi phục, duy trì phát triển ổn định 23 làng nghề TTCN được tỉnh công nhận; trong đó có 20 làng nghề chiếu cói, 8/11 doanh nghiệp duy trì phát triển ổn định nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ cói và có gần 7.000 hộ dân trên địa bàn huyện tham gia sản xuất TTCN. Huyện Thiệu Hóa đã khôi phục và phát triển một số ngành nghề truyền thống như: tơ Hồng Đô, bánh đa nem Đắc Châu, đan chổi đót... Đồng thời, du nhập thêm một số nghề mới, như: mây giang xiên, đan giỏ bằng bèo tây, khâu bóng, làm lông mi giả...
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 80.000 lao động tham gia làm nghề TTCN, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù tỉnh và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề TTCN, song theo nhận xét của nhiều chủ doanh nghiệp và các hộ dân làm nghề TTCN thì hầu hết việc hỗ trợ phát triển sản xuất TTCN của chính quyền cơ sở mới dừng ở việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, khen thưởng, chứ chưa có các chính sách thiết thực về cơ chế hỗ trợ vay vốn, dành quỹ đất, mặt bằng phù hợp cho việc sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp ngần ngại không muốn đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất, còn người lao động thì lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững của nghề, nên chưa thực sự gắn bó, bỏ tâm huyết và công sức ra để làm nghề.
Để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh từ đó phát triển ngành nghề khu vực nông thôn, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, như: hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm TTCN. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ cho thấy: Việc hỗ trợ sản xuất đã giúp bản thân các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm tiêu tốn điện năng, giúp đơn vị sản xuất nâng cao doanh thu. Hiện Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh đang và sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp, TTCN...
Tuy nhiên, để việc hỗ trợ phát triển ngành nghề TTCN phát huy hiệu quả, các địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, tạo tâm lý ổn định cho người dân cũng như doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Vũ Việt Hồng
(Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh)