Trở ngại cho châu Âu không biên giới

Theo AFP, mới đây, Ủy ban châu Âu (EC)-cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã chính thức cảnh báo 6 nước thành viên EU, gồm: Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển rằng các biện pháp hạn chế biên giới mà các nước này áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và phá vỡ hoạt động di chuyển tự do trong khối. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tại “lục địa già”, một số quốc gia đã phải đóng cửa biên giới để ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 có khả năng lây nhiễm nhanh so với chủng gốc. Điều này đang gây trở ngại cho quyền tự do đi lại-niềm tự hào của châu Âu.

Cảnh sát Đức kiểm soát tại khu vực biên giới giữa nước này và Áo. Ảnh: France24.

Theo AFP, mới đây, Ủy ban châu Âu (EC)-cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã chính thức cảnh báo 6 nước thành viên EU, gồm: Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển rằng các biện pháp hạn chế biên giới mà các nước này áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và phá vỡ hoạt động di chuyển tự do trong khối. Trong thư gửi tới 6 nước trên, EC cho biết mục tiêu của EU là duy trì hoạt động của thị trường chung trong giai đoạn kinh tế đầy biến động, cũng như bảo vệ cuộc sống gia đình vào thời điểm các tiếp xúc xã hội ở bên ngoài bị giảm đáng kể.

Dù EC nỗ lực thuyết phục các nước không hạn chế tự do di chuyển với quan điểm "đóng cửa biên giới không ngăn được virus" mà còn gây ra nhiều vấn đề lớn, một số quốc gia vẫn áp đặt lệnh đóng cửa biên giới trước nỗi lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu-đã ra lệnh đóng cửa một phần biên giới với nước láng giềng Cộng hòa Séc và vùng Tyrol của Áo. Trong khi đó, có hàng nghìn người tại Áo và Séc phải đi làm hằng ngày tại Đức. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cho rằng các biện pháp này là cần thiết trong thời điểm hiện nay bởi Đức là nước nằm ở vị trí giữa châu Âu và là trạm trung chuyển từ Đông sang Tây Âu nên phải đối phó với nhiều nguy cơ hơn các nước khác.

Quyền tự do đi lại mà EC nhắc đến được quy định đối với công dân các nước trong khu vực Schengen theo Hiệp ước cùng tên. Theo EU, đây là trụ cột cơ bản trong việc hội nhập châu Âu ngày càng sâu rộng. Hiệp ước Schengen được đặt theo tên của thị trấn nhỏ Schengen của Luxembourg, nơi 5 nước Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan đã ký kết thỏa thuận bãi bỏ kiểm soát biên giới giữa các nước này vào năm 1985. Kể từ đó, danh sách các nước thành viên Hiệp ước Schengen không ngừng được mở rộng. Cho đến nay, đã có 22 quốc gia thành viên EU và 4 nước châu Âu khác không thuộc EU gồm: Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ tham gia hiệp ước. 5 quốc gia thành viên EU không thuộc Khu vực Schengen là Ireland, Bulgaria, Croatia, Cyprus và Romania.

The New York Times nhận định, bên cạnh việc tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), việc gia nhập khu vực Schengen được coi là đỉnh cao của hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hiệp ước Schengen đã đối mặt với nhiều thách thức từ chủ nghĩa khủng bố đến cuộc khủng hoảng di cư. Theo chuyên gia Marie De Somer tại Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels (Bỉ), Hiệp ước Schengen không có sức chống chịu tốt trước khủng hoảng. "Hiệp ước phát huy hiệu quả trong điều kiện thuận lợi, nhưng khi áp lực kéo đến, những sai sót và lỗ hổng trong cách hoạt động xuất hiện", bà Marie De Somer đánh giá. Những cuộc tấn công khủng bố tại “lục địa già” cùng việc các phiến quân lợi dụng quyền đi lại tự do để di chuyển từ nước này sang nước khác đã phơi bày lỗ hổng an ninh của hiệp ước này. Thêm vào đó, trong giai đoạn 2015-2016, việc hơn 1 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh, đói nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi đổ bộ vào châu Âu đã tạo ra mối đe dọa lớn với Hiệp ước Schengen. Nhiều quốc gia thành viên đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm xây dựng "rào chắn" trước dòng người tị nạn.

Giờ đây, sự lây lan của các biến chủng mới đang tiếp tục giáng đòn vào niềm tự hào “không biên giới” của châu Âu. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tỏ rõ quyết tâm ngăn chặn tái diễn tình trạng hỗn loạn tại biên giới nội khối từng xảy ra vào thời điểm đại dịch bắt đầu tấn công châu Âu hồi tháng 3 năm ngoái. Khi đó, các nước thành viên EU đã phản ứng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, đóng cửa biên giới để tự bảo vệ mình trước “cơn bão” Covid-19. Hàng dài xe tải chờ đợi được thông quan tại biên giới giữa các nước và nhiều công dân EU gặp khó khăn trong việc di chuyển. Điều đó đã gây cản trở hoạt động giao thông và đe dọa chuỗi cung ứng trong khối.

Dù cho việc đóng hay mở cửa biên giới vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa giới chức châu Âu nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng, kể từ khi ra đời cho đến nay, Hiệp ước Schengen không chỉ là biểu tượng cho sự gắn kết của châu Âu mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế khu vực này. Hiệp ước đã giúp các nước thành viên thúc đẩy hoạt động thương mại, vận chuyển hàng hóa và thu hút khách du lịch. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansso nhận định, giữa lúc EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử do tác động của dịch bệnh, sự đi lại tự do cũng là một trong những công cụ quan trọng nhất để khôi phục nền kinh tế.

Theo qdnd.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202102/tro-ngai-cho-chau-au-khong-bien-gioi-2542691/