Trở ngại lớn nhất với mục tiêu tăng trưởng
Với áp lực từ đợt bùng phát Covid-19 mới nhất, Việt Nam cần triển khai khống chế dịch nhanh chóng đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin để có thể tăng trưởng đúng tiến độ.
Việt Nam đang phải ứng phó với đợt bùng phát nặng nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Tính tới tháng 4/2021, Việt Nam mới chỉ có 3.000 ca nhiễm được ghi nhận. Tuy nhiên, tổng số ca đã tăng gấp ba chỉ trong một tháng, vượt qua mốc 9.000 ca vào cuối tháng trước.
Việt Nam vốn được đánh giá cao về khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này tạo ra nhiều thử thách hơn, HSBC nhận định trong báo cáo mới nhất.
Các khu công nghiệp trở thành những ổ dịch mới, gây ra mối quan ngại về khả năng duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng. Các ca nhiễm chủ yếu tập trung ở hai khu vực phía Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh), vốn là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn, như Samsung và Foxconn.
Tại Bắc Giang, bốn trong số sáu khu công nghiệp buộc phải đóng cửa vào ngày 18/5. Mặc dù đã mở cửa trở lại vào 28/5, những dây chuyền quan trọng vẫn hoạt động dưới công suất.
Đợt bùng dịch này đã buộc Chính phủ phải áp dụng những biện pháp giới hạn chặt chẽ hơn. Bắc Ninh ban hành lệnh giới nghiêm vào ngày 25/5/2021 trong khi TP.HCM thực hiện giãn cách một phần nhằm ứng phó với chuỗi lây nhiễm đang ngày càng lan rộng liên quan đến một hội nhóm tôn giáo.
Mức độ hạn chế nghiêm ngặt của Việt Nam xếp thứ hai ở Đông Nam Á, và kết quả là khả năng đi lại của người dân giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài những mối nguy trước mắt do Covid-19, tiến độ triển khai tiêm chủng của Việt Nam cũng là một vấn đề đáng quan ngại, HSBC đánh giá.
Là một quốc gia đông dân với dân số 98 triệu người, Việt Nam mới chỉ nhận 2,9 triệu liều vắc xin và chỉ 1% dân số được tiêm – một tỷ lệ tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực.
Mục tiêu của Chính phủ là đảm bảo đến cuối năm 2021 tiếp cận được 150 triệu liều vắc xin. Tuy nhiên, việc cung cấp vắc xin trên toàn cầu gặp nhiều hạn chế và vận chuyển chậm trễ gây ra nhiều cản trở đáng lưu tâm.
HSBC nhận định khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng càng nhanh, Việt Nam càng sớm có thể mở cửa biên giới cho du lịch và các nhà đầu nước ngoài.
Mặc dù số ca nhiễm vẫn tăng nhanh, số liệu tháng 5 cho thấy sự ổn định, nhiều khả năng là do tránh được tình thế phải giãn cách xã hội cả nước.
Xuất khẩu tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là nhờ hiệu ứng cơ sở thấp. Sản xuất sản phẩm điện tử duy trì tốt ngoài mong đợi, với mảng máy tính và linh kiện điện thoại tăng tương ứng 9% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng khích lệ hơn, xuất khẩu da giày và dệt may tiếp tục đà phục hồi, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của gói kích thích tài khóa ở các nước phương Tây nhằm thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.
Tuy nhiên, những khó khăn gần đây làm dấy lên mối quan ngại rằng đến bao giờ những đợt gián đoạn sản xuất trong thời gian ngắn mới hết là gánh nặng cho khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Điều này thể hiện trong chỉ số quản trị mua hàng gần đây khi giảm nhẹ trong tháng 5 và những chỉ số phụ bắt đầu yếu đi. Sản lượng, đơn đặt hàng mới, và đơn hàng xuất khẩu mới đều tăng chậm nhất trong 3 tháng, trong khi thiếu hụt nhân công khiến số lượng đơn hàng chờ tăng đột biến.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đợt bùng dịch Covid-19 gần đây, điểm tích cực là các doanh nghiệp vẫn lạc quan về sản lượng sản xuất trong thời gian tới, khi đợt bùng dịch này được kiểm soát.
Lạm phát trong tầm kiểm soát
Tỷ lệ lạm phát vẫn giữ ở mức ổn định, tăng 0,2% so với tháng trước, tương đương 2,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự tháng 4, chi phí vận chuyển tăng 0,8% so với tháng trước chính là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát.
Điều này đã được nhiều người dự đoán trước do lạm phát năng lượng đã bắt đầu có tác động và do hiệu ứng cơ sở (giá năng lượng cùng kỳ năm ngoái) thấp được trông đợi sẽ phát huy tối đa trong quý II/2021. Một điểm tích cực là giá thực phẩm vẫn duy trì ổn định, một phần là giá thịt heo đang tiếp tục bình ổn.
Theo dự báo của HSBC, lạm phát sẽ được kiểm soát trong năm nay ở mức 3%.
Tóm lại, mặc dù dữ liệu tháng 5 tương đối ổn định, đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư đang có dấu hiệu trở thành trở ngại lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt từ trước tới giờ.
Không chỉ gây ra những rủi ro đáng kể cho sự phục hồi mới đây của thị trường lao động và tiêu dùng cá nhân, đợt dịch này còn ảnh hưởng đến ngành sản xuất và giao thương quốc tế.
Mặc dù có nhiều yếu tố tác động qua lại trong bức tranh toàn cảnh, dịch Covid-19 gần đây có thể khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2021 của chính phủ gặp nhiều khó khăn.
Để Việt Nam có thể tăng trưởng đúng tiến độ, điểm mấu chốt là phải triển khai khống chế dịch bệnh nhanh chóng thông qua xét nghiệm và truy vết dịch tễ nghiêm ngặt, kết hợp thúc đẩy nhanh chóng chương trình tiêm chủng.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tro-ngai-lon-nhat-voi-muc-tieu-tang-truong-1623816883888.htm