Trở thành điểm đến trong cuộc dịch chuyển của nhà đầu tư Nhật Bản Trở thành điểm đến trong cuộc dịch chuyển của nhà đầu tư Nhật Bản

Có đến một nửa trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Nam Á được chính phủ nước này lựa chọn cho chương trình 'Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài' là đang hoạt động ở Việt Nam.

Điều này đã phần nào phản ánh sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản đến môi trường đầu tư Việt Nam cũng như sự phù hợp với kế hoạch mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp đất nước hoa anh đào tại thị trường 100 triệu dân nằm ở Đông Nam Á, theo một cuộc điều tra của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thực hiện trong thời gian qua.

 Bên cạnh Matsuoka Corp., trong đợt hỗ trợ đợt này của METI còn có 7 doanh nghiệp Nhật Bản khác ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất thiết bị y tế như khẩu trang y tế, áo phòng chống dịch, dây dẫn sản xuất vắc-xin... Ảnh minh họa: TL.

Bên cạnh Matsuoka Corp., trong đợt hỗ trợ đợt này của METI còn có 7 doanh nghiệp Nhật Bản khác ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất thiết bị y tế như khẩu trang y tế, áo phòng chống dịch, dây dẫn sản xuất vắc-xin... Ảnh minh họa: TL.

Thực hiện nhanh chiến lược mở rộng

Theo hãng tin NNA, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho tập đoàn dệt may Matsuoka sản xuất quần áo bảo hộ ở Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng từ thị trường Trung Quốc.

Matsuoka Corp. là một trong số 15 công ty Nhật Bản ở Việt Nam nằm trong danh sách nhận trợ cấp nhằm đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc mà Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố vào cuối tuần trước.

Hãng tin Nhật Bản cũng dẫn lời người phát ngôn của Matsuoka cho biết tập đoàn này dự định sẽ đầu tư 3 tỉ yen (khoảng 28 triệu đô la Mỹ) vào Công ty May Matsuoka An Nam - một công ty con của tập đoàn này ở Việt Nam để bắt đầu sản xuất quần áo bảo hộ và các sản phẩm khác trong một vài tháng tới.

Matsuoka Corp. đã thành lập công ty con ở Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Đây là một phần trong chiến lược của tập đoàn này nhằm sản xuất các sản phẩm may mặc chủ yếu ở các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar và Bangladesh.

Nhà sản xuất quần áo Nhật Bản này bắt đầu sản xuất khẩu trang vào đầu năm nay khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu.

Bên cạnh Matsuoka Corp., trong đợt hỗ trợ đợt đầu này của METI còn có 7 doanh nghiệp Nhật Bản khác ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất thiết bị y tế như khẩu trang y tế, áo phòng chống dịch, dây dẫn sản xuất vắc xin...

Đây là những mặt hàng thiết yếu, đang rất cần thiết cho cuộc chiến chống đại dịch Covid đang bùng phát nhanh ở đất nước mặt trời mọc này.

Việc chọn những doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhà máy sản xuất ở Việt Nam để hỗ trợ tài chính của METI theo đại diện của JETRO tại TPHCM là rất phù hợp trong tình hình hiện nay để các doanh nghiệp này có thể nhanh chóng tham gia sản xuất ngay thay vì chọn những doanh nghiệp bắt đầu với dự án đầu tư mới.

Ngoài ra, theo JETRO, đợt hỗ trợ đầu tư lần này còn có những doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện cho lĩnh vực công nghiệp điện điện tử, máy móc, ô tô vốn bị gián đoạn khi đại dịch xảy ra.

Danh sách những doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện cho lĩnh vực công nghiệp điện điện tử, máy móc, ô tô gồm: Akiba Die Casting (sản xuất linh kiện điện, điện tử), Fujikin (sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn), Pronics (sản xuất linh kiện máy điều hòa không khí), Hoya (sản xuất linh kiện ổ cứng), Meiko (sản xuất linh kiện thiết bị điện thoại), Yokoo (sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô)...

Trên thực tế việc hỗ trợ này của METI cũng khá phù hợp với kế hoạch của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. Cụ thể theo kết quả một cuộc khảo sát của JETRO toàn cầu thực hiện cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh năm 2019 là 63,9% trong 1-2 năm tới là tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN.

Ngay cả những thị trường có số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động sinh lợi nhuận cao hơn ở Việt Nam, như Philippines nhưng chỉ có 51,8% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh, hay ở Indonesia, tỷ lệ này là 50,7%. "Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới", ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện của JETRO tại TPHCM nhận định.

Cũng theo ông Hirai Shinji, vào năm ngoái, khi tổ chức này thực hiện cuộc khảo sát về các quốc gia được ưu tiên đến nếu di dời nhà máy, hoạt động sản xuất thì Việt Nam là địa điểm đứng đầu danh sách.

Cụ thể, trong 159 trường hợp có hoạt động di dời sản xuất một phần, hoặc có kế hoạch chuyển đổi sang nước khác thì có đến 39 trường hợp lựa chọn điểm đến Việt Nam. Thái Lan xếp thứ 2 với 23 trường hợp, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines...

Đáng chú ý là sau đại dịch Covid-19 này, theo ông, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tin tưởng và đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam hơn nhờ khống chế thành công dịch bệnh.

Môi trường đầu tư cần cải thiện nhiều hơn nữa

 Honda Việt Nam vừa đầu tư thêm công nghệ để cho lắp ráp trở lại dọng xe CR-V. Ảnh minh họa: HVN

Honda Việt Nam vừa đầu tư thêm công nghệ để cho lắp ráp trở lại dọng xe CR-V. Ảnh minh họa: HVN

Các lợi thế của môi trường đầu tư tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật đánh giá cao hơn các nước khác trong khối ASEAN, bao gồm quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị xã hội ổn định và một môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài.

Dù chi phí nhân công ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên so với những năm trước, nhưng ông Hirai Shinji cho rằng vấn đề này chỉ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đầu tư sản xuất để phục vụ thị trường xuất khẩu, còn với những doanh nghiệp sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa Việt Nam thì không là vấn đề. Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Việt Nam vẫn còn cần phải tiếp tục cải thiện một số vấn đề như cơ sở hạ tầng từ logistics, đường sá, cầu cảng đến hạ tầng công nghệ.

Người đứng đầu của JETRO ở TPHCM còn chỉ ra một số vấn đề quan ngại của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Đó là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng, cơ chế thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên có sự thay đổi. Ngoài ra, chi phí nhân công trong ngành công nghiệp chế tạo tại Việt Nam đang tăng nhiều, rút ngắn khoảng cách so với các nước tiên tiến. Hay tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/306225/tro-thanh-diem-den-trong-cuoc-dich-chuyen-cua-nha-dau-tu-nhat-ban.html