Trở thành kênh bán hàng bạc tỷ, gần 60% doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để kinh doanh

Bán hàng thông qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử đang trở thành những trung tâm mua sắm hấp dẫn, thu hút doanh thu khủng cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, 44% số doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng các trang web, 58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử.

Còn theo dữ liệu trong báo cáo “Thị trường thương mại điện tử - Thời của mua sắm và giải trí” của Kirin Capital, số lượng khách hàng Việt ưa thích lựa chọn mua sắm online hiện đã chiếm tỷ trọng tới 50%. Trong khi đó, chỉ có 30% số người mua hàng vẫn ưa thích kênh mua sắm truyền thống.

Các sàn thương mại điện tử, với những ưu đãi hấp dẫn, đã trở thành những trung tâm mua sắm ảo, nhất là với khách hàng thuộc thế hệ trẻ.

Thống kê cho thấy có đến 61% người mua hàng trực tuyến là qua các sàn thương mại điện tử, 55% qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... và 34% qua các website thương mại điện tử bán hàng.

Đặc biệt, có đến 91% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng điện thoại di động là công cụ đặt hàng. Số lượng người sử dụng máy tính để bàn hay laptop làm công cụ chỉ còn 18% trong năm 2023, so với mức 46% trong năm 2022.

58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử.

58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử.

Đáng chú ý, gần đây hình thức bán hàng qua phát trực tiếp hay còn gọi là livestream - đây đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp sản xuất triển khai thực hiện. Những kênh bán hàng mới này đang được xem là phù hợp với thị hiếu, tiếp cận khách hàng hiệu quả và nhanh hơn.

Hiện nay, livestream bán hàng trên mạng đang rất sôi động, có người thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày từ hoạt động này.

Một doanh nghiệp cho biết, từ 5 năm trước đã bắt đầu phát triển các kênh bán hàng online, song song với hệ thống bán lẻ truyền thống. Các gian hàng trên sàn thương mại điện tử như shopee, hay trên mạng xã hội như Tiktok và các buổi bán hàng phát trực tiếp livestream đang mang lại doanh thu gần 450 tỷ đồng 1 năm cho doanh nghiệp. Con số dự kiến sẽ còn tăng hơn gấp đôi trong 2 năm tới.

Ông Lê Hùng, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Sunhouse cho biết: "Kênh bán hàng thương mại điện tử bán hàng trực tiếp đến người dùng tăng trưởng giúp cho người dùng hưởng lợi, giảm đi rất nhiều kênh phân phối trung gian. Không chỉ giúp đem lại doanh số, còn giúp doanh nghiệp đầu tư được hình ảnh thương hiệu đến trực tiếp với người dùng".

Trong khoảng từ 1 đến 2 tiếng bán hàng livestream thì 1 người bán có thể bán từ 300 tới 500 triệu đồng tiền hàng. Ưu đãi cho người mua có rất nhiều như doanh nghiệp có thể giảm giá sản phẩm, sàn thương mại điện tử thì trợ giá cho người mua, hay chính những người bán cũng tổ chức các mini game để tặng quà cho người tiêu dùng.

Quản lý và điều hành Accesstrade, nền tảng tiếp thị liên kết lớn hàng đầu Việt Nam, ông Dũng Bùi cho biết dự báo vào năm tới nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam ước đạt 45 tỷUSD, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 24 tỷ USD.

Hãng dữ liệu Nielsen IQ cũng cho biết trong quý đầu năm 2024 có tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua livestream. Việc mua hàng qua các KOC (người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng) và KOL (người nổi tiếng) ngày càng phổ biến.

Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu hàng 100 - 150 tỷ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada... cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.

Theo ông Vũ Bảo Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Meta Ecom: "Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu phát triển riêng các sản phẩm dành riêng cho thương mại điện tử hoặc là đẩy các hàng tồn kho với số lượng lớn vào các megalive để tránh ảnh hưởng trực tiếp về mặt sản phẩm đối với các đại lý".

Tuy nhiên, để các phiên livestream đạt hiệu quả cần nhiều yếu tố. "Khi bán hàng online chúng ta có số lượng nhiều. Bảo quản, vận chuyển logistics và chăm sóc sau… đều phải có sự đầu tư một cách bài bản, tránh tình trạng kinh doanh chộp giật thì hiệu quả và thương hiệu sẽ không được lâu bền", ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khuyến cáo.

Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là đang có ba xu hướng lớn và cũng là những cơ hội đầy tiềm năng trong thời gian tới cho các doanh nghiệp.

Có thể thấy, ưu điểm lớn nhất của thương mại điện tử đó là giúp hàng hóa có thể đi thẳng từ người sản xuất đến người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian. Khách hàng vì thế được mua với giá cả rẻ hơn, mà trải nghiệm lại thuận tiện hơn trong thời buổi kinh tế còn khó khăn

Do đó, theo thống kê của các sàn môi giới bất động sản, tỷ lệ các mặt bằng ở mặt phố bỏ trống không có người thuê đang chiếm khoảng 20 đến 25%. Tỉ lệ này ở TP Hồ Chí Minh đang cao hơn so với Hà Nội.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tro-thanh-kenh-ban-hang-bac-ty-gan-60-doanh-nghiep-su-dung-mang-xa-hoi-de-kinh-doanh-1101872.html