Trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ có được lợi thế vàng trong cuộc 'so găng' với Trung Quốc?
Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2023, theo phân tích dữ liệu mới nhất từ Liên hợp quốc. Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học và liệu Ấn Độ có tận dụng được lợi thế này để vượt lên Trung Quốc?
Trước đó, vào tháng 7/2022, dữ liệu từ phân tích Triển vọng dân số thế giới của tổ chức này từng dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023.
Dân số khổng lồ được đánh giá là nền tảng quan trọng để hai cường quốc châu Á "so găng" về sức mạnh kinh tế, hệ thống chính trị và mô hình phát triển.
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nhân khẩu học đang là đề tài thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc khi đà tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại, chi phí lao động tăng cao và những nỗ lực tách rời của Mỹ thúc đẩy nhiều tập đoàn, công ty chuyển dây chuyền sản xuất đến các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ.
Dân số là động lực tăng trưởng
Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức được thành lập vào ngày 1/10/1949, dân số Trung Quốc lúc đấy là 542 triệu người, cao hơn dân số Ấn Độ đến 50%.
Dân số Trung Quốc đã tăng trưởng bùng nổ dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông và đạt 937 triệu người vào thời điểm ông qua đời vào năm 1976.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo kế tiếp, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa đất nước chào đón các nhà đầu tư nước ngoài và khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế, đã đưa ra chính sách một con vào năm 1980 để cải thiện sinh kế cho người dân Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từng cho rằng chính sách một con là chiến lược hợp lý, giúp nước này ngăn 400 triệu ca sinh trong ba thập kỷ qua và tránh bùng nổ dân số mất kiểm soát.
Những điều chỉnh về chính sách - bắt đầu triển khai từ năm 2016 - đã trở nên quá muộn, khi tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 1,2 ca sinh/phụ nữ vào năm ngoái, khá thấp so với 2 ca sinh/phụ nữ tại Ấn Độ.
Năm 2022, dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau sáu thập kỷ dù chính sách hai con đã được thực hiện từ năm 2016 và sau đó là nhiều biện pháp khuyến khích sinh đẻ và nới lỏng các quy định của Chính phủ.
John Wilmoth, Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc dự báo, dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh và “có thể giảm xuống dưới 1 tỷ trước cuối thế kỷ này”, nhưng dân số Ấn Độ sẽ tăng trong vài thập kỷ nữa.
Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế
Lao động giá rẻ được cho là yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Trung Quốc vào những năm 1980.
Kể từ khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2001 và tiếp cận thị trường các nước phát triển, Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp nghèo khó đã nhanh chóng tiến lên công nghiệp hóa và trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”.
Khi tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lo ngại, Ấn Độ có thể sẽ sử dụng lợi thế về nhân khẩu học để tạo nên kì tích và lặp lại thành công của chính Bắc Kinh thời kỳ trước.
Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc năm 2020 là 38,4 – lớn hơn 10 tuổi so độ tuổi trung bình của người dân Ấn Độ – theo ước tính của Liên hợp quốc. Trong khi đó, độ tuổi trung bình toàn cầu là 30,9.
Mức lương trung bình hàng tháng của một công nhân Trung Quốc đã tăng lên 8.903 NDT (1.287 USD) vào năm 2021 từ mức 3.483 NDT một thập kỷ trước đó. Còn tại Ấn Độ năm 2021 là 17.017 Rupee (208 USD), theo một báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm ngoái.
Không chỉ lực lượng lao động đang bị thu hẹp, tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cũng đang đe dọa hệ thống lương hưu quốc gia và tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Lo sợ kịch bản sẽ giống như “thập niên mất mát” của Nhật Bản – vốn đi kèm với tình trạng già hóa và thu hẹp dân số – chính quyền Bắc Kinh đã không ngừng tăng cường quỹ lương hưu, các chính sách khuyến khích sinh đẻ, đẩy mạnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao, công nghệ robot để gia tăng năng suất sản xuất.
Thế mạnh về lợi tức nhân khẩu học
Trung Quốc đang cố gắng làm dịu bớt những nỗi lo về quy mô dân số khi cho rằng chi phí lao động chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư và hiệu quả kinh tế của một quốc gia.
Nói đến sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chính quyền Bắc Kinh luôn nhấn mạnh vào sự ổn định chính trị, nguồn nhân tài kỹ thuật dồi dào, thị trường rộng lớn, cụm công nghiệp tinh vi và môi trường kinh doanh thân thiện.
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, Thủ tướng Lý Cường đã bác bỏ những lo ngại về sự thay đổi quy mô nhân khẩu học. Ông cho rằng, lợi tức nhân khẩu học của Trung Quốc vẫn chưa biến mất.
“Không nên chỉ xem xét trên quy mô dân số mà cần phải xét đến quy mô của lực lượng lao động có trình độ cao”, Thủ tướng Lý Cường phát biểu tại một cuộc họp trung tuần tháng Ba năm nay.
Ông nhấn mạnh con số hơn 240 triệu người Trung Quốc đã qua đào tạo đại học và thời gian giáo dục trung bình của lực lượng mới tham gia lao động đã tăng lên 14 năm. Đất nước Đông Bắc Á cũng vượt xa Ấn Độ trên nhiều thông số, như thời gian học, tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài và giáo dục đổi mới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2021 là 17,7 nghìn tỷ USD, so với 3,2 nghìn tỷ USD của Ấn Độ và GDP bình quân đầu người của nước này cao hơn 5 lần so với đối thủ đến từ Nam Á.
Bắc Kinh sẽ dựa vào AI và công nghệ?
Sự bình tĩnh của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và niềm tin cường quốc châu Á này sẽ tiếp tục giữ quy mô dân số lớn thứ hai thế giới trong nhiều thập kỷ tới càng được củng cố bởi quyết tâm cải thiện năng suất lao động và tăng cường sử dụng công nghệ.
Để gia tăng năng suất lao động, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực đẩy mạnh tự động hóa và sử dụng robot tại các trung tâm xuất khẩu như Quảng Đông. Tính đến cuối năm 2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang sở hữu 1,22 triệu robot công nghiệp, 268.195 robot được lắp đặt, theo dữ liệu do Liên đoàn Robot quốc tế công bố.