Trở thành tiền tuyến mới trước Nga-Trung, 'đầu tàu' châu Âu mong manh khi không còn Mỹ chống lưng
Đức đang trở thành 'tiền tuyến' mới trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga và Trung Quốc, nhưng không còn có thể dựa vào sự bảo vệ của Mỹ - theo một báo cáo mới.
Báo cáo mới được nhóm chuyên gia cố vấn quốc phòng Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quốc phòng và An ninh (RUSI) công bố khi Lầu Năm Góc chính thức tuyên bố sẽ rút gần 12.000 binh lính Mỹ khỏi Đức.
Báo cáo cho rằng Nga đang tiến hành một chiến dịch can thiệp chính trị ở Đức nhằm tạo ra sự bất ổn tại châu Âu.
Theo đó, Mối đe dọa từ Nga xuất hiện cùng thời điểm Bắc Kinh cũng đang tập trung mở rộng tầm ảnh hưởng tại Đức. Điều này đặt ra "một loạt các nguy cơ về chính trị và kinh tế bắt nguồn từ Trung Quốc".
Tác giả của báo cáo, ông John Kampfner, tuyên bố rằng "Đức đang ở vị trí tuyến đầu của châu Âu chịu tác động trực tiếp từ các hành động can thiệp từ Nga và Trung Quốc". Tuy nhiên, chính phủ của thủ tướng Angela Merkel cảm thấy rằng họ không còn có thể dựa vào sự bảo vệ của Mỹ để "đảm bảo nền an ninh Đức" sau một loạt các bất đồng giữa bà với tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Với việc tổng thống Donald Trump bước vào năm thứ tư của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, nước Đức không còn cảm thấy an tâm khi trông cậy vào Mỹ trong hoạt động đảm bảo an ninh" trích báo cáo của RUSI.
Phân tích trong báo cáo nói rằng, trong khi sự can thiệp của nước Nga "phần lớn mang tính chính trị, cố gắng làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các thể chế dân chủ", thì phía Trung Quốc đã tập trung "chủ yếu vào các tài sản kinh tế".
"Nước Đức đang đối mặt với những mối nguy hiểm khác nhau đến từ Nga, chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh mạng, và ở cả những lĩnh vực khác," ông Kampfner nói.
Đại sứ Đức tại Anh Andreas Michaelis chia sẻ với Business Insider rằng "những điểm bất đồng" trong mối quan hệ giữa Đức và Mỹ khiến cho việc hợp tác với chính quyền Trump bây giờ là "không hề dễ dàng".
"Với tất cả những bất đồng trong chính sách thông tin và những quyết định không có sự tham vấn kĩ lưỡng đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương, đây là điều khiến chúng tôi quan ngại," ông Michaelis nói.
Căng thẳng trong quan hệ liên minh Đức- Mỹ
Mối quan hệ của thủ tướng Merkel với tổng thống Trump gần đây đã trở nên căng thẳng trong bối cảnh một loạt bất đồng về các chính sách đối ngoại quan trọng.
Chính phủ Đức không hài lòng với quyết định rút quân khỏi Đức vào cuối năm nay của ông Trump.
Ông Johann Wadephul, một nhân vật cấp cao trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel, phát biểu hồi tháng trước: "Chúng tôi hy vọng đồng minh hàng đầu của chúng ta sẽ cư xử theo chuẩn mực, với định hướng rõ ràng và sự cân bằng chứ không phải là những áp lực tối đa. Đối tác thì không cư xử với nhau như thế này."
Ông Peter Beyer, Điều phối viên hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Đức, cho biết đó là quyết định "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Tại một diễn biến khác, theo hãng tin Bloomberg, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã "tức giận" với chính quyền Trump, sau khi tổng thống Mỹ quyết định loại Đức và các nước khác thuộc EU ra khỏi các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo tại Nhà Trắng.
Thủ tướng Merkel hiện đang giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Serbia và Kosovo.
Tổng thống Trump cũng tạo ra sự bất mãn trong công chúng Đức, sau khi có nguồn tin cho biết ông đang tìm cách tiếp cận độc quyền loại vắc-xin chống Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển tại đây.