Trở về

Cận Tết, trời lạnh rõ. Vừa hửng sáng, con hẻm còn vắng người, Dung dựng xe trước cổng ngôi nhà có giàn hoa tử đằng rợp lá.

Cái giống cây này chịu lạnh tốt quá, không co ro như con người. Dung đứng bần thần một hồi lâu, cánh cổng vẫn đóng im, tỏ vẻ lạnh lùng như với người khách lạ. Gió lất phất hơi xuân, ra đường mùa này khó mà biết được mình đã mặc đủ ấm hay chưa. Chừng như sợ nán lại chút nữa sẽ gây sự chú ý cho mấy người trong xóm, Dung cài vội bì dưa muối vào cổng rồi dắt xe đi, ra đến đầu đường mới nổ máy. Cái im vắng của buổi sáng này dễ khiến người ta đông cứng. Dung ngân ngấn lệ, cả xe và người như đang bị gió thổi dạt về một phía.

Nửa năm vẫn chưa đủ để tin đây là một cuộc ra đi hay sao? Dung kéo khẩu trang lên sát viền mắt. Ừ thì đâu phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng đứng dậy rồi ra đi, nhất là bỏ lại nếp nhà sau gần 20 năm chính tay mình gầy dựng, chăm chút. Con đường nối hai đầu thành phố choáng ngợp những cửa hiệu giày dép, áo quần mà đôi mắt Dung không sao mở ra được, chỉ có hơi thở như đóng một màn khói lên gương mặt buồn. Bên tai cứ vẳng tiếng đồng nghiệp, bạn bè: “Tội tình gì mà mày phải ra đi. Mày mới xứng đáng là người ở lại”…

***

Đi hay ở, chừng ấy lựa chọn thôi mà từng khó khăn quá đỗi, Dung không còn muốn nhớ về những ngày trước đó. Có lẽ, 20 năm hay 20 ngày cũng thế, sự chịu đựng nào mà chẳng đớn đau. Gia đình hai bên ai cũng rõ, Hưng đón Dung về chung nhà khi cô còn là sinh viên vừa học vừa làm. Không phải vì điều gì ràng buộc mà vì hai người thương nhau. Cũng bởi hồi ấy Hưng luôn miệng nói: “Thương nhau thì về”. Giá mà cuộc đời giản đơn như thế. Giá mà con người ta không có những lúc vội vàng.

Dung biết Hưng không phải kẻ bất tài nhưng có thói phong lưu quá trớn. Sẵn tính ham chơi, Hưng tự do nghỉ việc bất cứ khi nào anh muốn, không cần quan tâm xem tháng tới vợ đã có tiền đi chợ hay chưa, con cái sữa nước thế nào. Sống ở thành phố này, bao người quay quắt, miệt mài với nghề còn không trụ nổi, huống hồ… Suốt cuộc hôn nhân ấy, Dung suy nghĩ như một người phụ nữ nhưng lại luôn hành xử như một người đàn ông. Có những đêm rải chiếu ngủ ở công trình để mai làm sớm cho kịp tiến độ, hễ thoáng nghĩ đến chuyện làm thủ tục ly hôn, Dung lại hoang mang và thấy mình có lỗi. Cái ý nghĩ “gừng cay muối mặn” cứ làm nhọc lòng Dung mãi. Thế rồi, ngày lại qua ngày, đằng đẵng 20 năm.

Dung cứ bình thản như thế, hiếm khi nói lời cay nghiệt, chua chát với chồng. “Hình như trên đời vẫn còn những người không biết nổi giận” - hàng xóm bảo thế mỗi lần chứng kiến cảnh Hưng thất thểu về nhà trong hơi men nồng nặc. Đến ngày đứa con gái út của hai vợ chồng đỗ vào đại học, làm cơm đãi bạn bè tại nhà thì bọn cho vay nặng lãi xông vào, trình ra giấy nợ có chữ ký của Hưng. Tiền lãi đã quá nửa căn nhà.

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, Dung thấy mình như chết ngạt. Ngày ký đơn, Hưng như chiếc xe mất lái. Anh nhận ra chưa từng hiểu vợ mình, chưa từng hiểu cuộc hôn nhân của mình. Cái bản tính thiếu trách nhiệm bao giờ cũng khiến một người đàn ông ra nông nỗi ấy. Lúc nghe Dung báo sẽ dọn đi, Hưng lặng thinh, nghĩ vợ mình đã tìm được một bờ bến khác. Phải mất 2 tháng để vỗ về con, Dung bảo đứa lớn: “Mẹ rời đi lúc này là bố chới với lắm, tụi con lớn cả rồi, hãy ở lại trong căn nhà này để chăm bố, an ủi bố. Không ai muốn cuộc đời mình thất bại cả. Trước mắt đừng để bố một mình”. Hiếu và Hạnh cứ ôm mẹ khóc mãi nhưng nguôi dần cũng để mẹ đi. Ban đầu Dung thuê một căn trọ gần nhà nhưng thấy bất tiện, lại sợ quanh đây lời ra tiếng vào nên chuyển hẳn đến một khu chung cư giá rẻ.

***

Đâu phải chỉ sáng nay, lần nào mang đồ ăn sang cho ba bố con, Dung cũng quay đi trong nước mắt. Dung dặn lòng biết mấy, có gì mà phải khóc, cuộc đời là một hành trình nhiều ngã rẽ. Không thể nào khác được. Dung nhìn trong gương thấy mắt mình hơi sưng, thật may là chủ nhật không phải đến công ty. Lúc nãy rẽ ngang chợ, Dung có chọn vội một bó hồng. Bàn tay thô ráp với thời gian ấy vậy mà khéo lắm. Dường những lúc cắm hoa, con người ta mới tìm lại chút dịu lắng trong tâm hồn để mà vững vàng bước tiếp. Dung chậm rãi cắt bớt cành, tỉa chút lá rồi cho vào lọ tràn nước. Bao giờ cũng phải tràn nước. Trong cùng một gian phòng, chỉ con người khô khốc là đủ rồi. Dạo này ngoài thời gian làm việc ở văn phòng hoặc ra công trình xem anh em thi công, Dung hầu như thảnh thơi. Căn hộ nhỏ ở tầng 5 cũng gọn và xinh không kém ngôi nhà có giàn tử đằng trong hẻm. Dung gác vài cuốn sách lên kệ, thêm chút nến thơm. Cuối mùa đông nếu vắng những thứ này thì đêm thường lạnh lẽo. Mấy nay, Hiếu và Hạnh bận thi cuối học kỳ nên ít qua thăm mẹ. Tiền ăn học của các con, Dung vẫn gửi đều đặn, cốt không để chúng có cảm giác thiệt thòi, mặc cảm bao giờ. Hai đứa trẻ đều tự lập từ sớm, lại biết nghe lời nên Dung có phần yên tâm. Mấy ý nghĩ về con cứ quẩn quanh không sao thoát ra được...

Ở một mình nhưng Dung chưa bao giờ cẩu thả, tuềnh toàng. Chung cư cũng không đến nỗi mịt mùng, siêu thị mini ngập tràn đồ ăn, thức uống. Dung vốn giỏi nội trợ nên chẳng mấy khó khăn, chỉ những dịp lễ lộc, nhìn phố xá rộn ràng, nghĩ lại mình thấy tủi. Chưa có khi nào Dung sợ Tết như năm nay. Thường giờ này mọi năm, Dung đã đi thăm mấy vườn quanh thành phố, cắt lấy ít hoa về cắm dần cho có không khí. Út Hạnh thích được theo mẹ ra chợ vô cùng, ghé sạp này một chút, qua sạp kia một chút. Thực phẩm thì mua vừa đủ thôi, cái chính là cho con đi ngắm. Năm nay chắc cũng cố sắm sửa một chút vào những ngày cận Tết. Nhưng cảm giác không còn mặn mà nữa. Thành phố dần về cuối năm, nhìn đâu cũng thấy lòng dâng lên những cảm xúc khó nói nên lời. Và cả Dung nữa, biết bao giờ mới thực sự bình tâm trở lại.

***

Cận Tết, Dung lao vào họp hành, tổng kết. Về tới phòng là thấy người mỏi nhừ, muốn bỏ bữa. Tiếng chuông cửa lúc 5 rưỡi chiều khiến Dung có chút lăn tăn. Ai nhỉ? Hai đứa trẻ đã báo chiều nay ăn cơm ở nhà với bố. Dung uể oải nuốt chiếc bánh mì rồi ngập ngừng mở cửa.

- Ôi! Anh Thanh!

- “Anh đi siêu thị gần đây, tiện gửi cho Dung ít bánh ngọt” -Thanh nói bằng cái vẻ ngượng nghịu đến buồn cười của người đàn ông đã bước sang tuổi trung niên, hai tay lóng ngóng cứ như thừa thãi.

Thanh hơn Dung 5 tuổi, là người cùng công ty, đã ly hôn với vợ mấy năm trời, đang gà trống nuôi con, chuyện này ai cũng rõ. Nhưng Dung dọn về đây, trừ gia đình ra không ai biết. Vốn kín kẽ chuyện đời tư, Dung thật không thể hiểu nổi vì sao Thanh..., dẫu thế vẫn lịch sự mời khách vào nhà. Bao nhiêu năm là đồng nghiệp, tuy không thân thiết nhưng chưa bao giờ Dung thấy cần phải đề phòng người đàn ông này cả. Dung pha một bình trà nóng, rót mời khách, nói dăm ba câu chuyện công việc chứ không hề tra hỏi điều mình thắc mắc. Ở tuổi này, có những chuyện không cần phải biết rõ ngọn nguồn, chỉ cần thấy ấm lòng thôi. Bởi thế mà dù muốn nói rằng mình đã dõi theo Dung, thầm thương Dung nhưng Thanh vẫn nín lặng. Bây giờ chưa phải lúc để nói ra. Tay anh cầm tách trà cứ run run. Thỉnh thoảng, miệng cười một nụ rất hiền. Ngồi được chừng 30 phút là Thanh đứng dậy, xin phép ra về. Anh giấu rất giỏi cái ý muốn nán lại chuyện trò cùng Dung thêm chút nữa. Ra tới cửa, Thanh vừa cúi xuống xỏ giày thì gặp Hiếu và Hạnh đi tới. Chứng kiến cảnh đó, mặt Dung tái đi, không thể giấu nổi vẻ sống sượng trên gương mặt. Đón hai con vào nhà, Dung nói ngay:

- Chú Thanh, đồng nghiệp của mẹ. Chú ấy ở gần đây, tiện đường ghé thăm...

Hiếu xách mấy lốc sữa tươi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh cho mẹ. Hạnh đi tới chiếc sofa đặt giữa nhà, bật tivi đang chiếu dở trận bóng, thừ ra cái vẻ mặt mà chỉ có Dung mới hiểu. Dung lảng vào phía góc bếp, nói vọng ra:

- Cuối năm lương đổ chậm, hai đứa tiết kiệm một chút.

Ngồi một lúc thì hai đứa trẻ chào mẹ ra về. Hiếu dặn mẹ đóng kín cửa làm Dung cười phì. Còn Hạnh thì lẳng lặng bước ra. Cả tối, con bé gần như chẳng nói lời nào.

Đến lúc nằm một mình, Dung mới chợt nghĩ về Thanh. Sực nhớ sinh nhật nào cũng có lẵng hoa nhỏ gửi đến nhà, đề chữ “công ty mừng Dung tuổi mới”. Nhưng cứ hỏi thì không anh chị em nào nhận cả, họ còn nghĩ Dung nói đùa. Hoa gửi ở cổng lúc Dung không có nhà, cũng chẳng biết từ chối ra sao. Có phải...? Nghĩ đến đó, lòng Dung chợt có chút xao động. Dung trở lưng, nằm quay mặt vào tường, bỏ chiếc gối kê đầu sang bên cạnh. Mắt cố nhắm lại nhưng không sao ngủ được. Cuối năm mưa phùn, đêm rét căm căm. Người Dung run bật lên. 2 giờ sáng vẫn chưa thôi cái ý nghĩ, tự dưng Thanh đến thăm làm gì để Dung thấy mình có lỗi với con.

***

Dung phủi bụi trên chiếc quần Jean tối màu trước khi bước vào quán cà phê gần công trình có Thanh đang ngồi chờ sẵn.

- Dung uống gì?

- Cho em xin một cốc nước ấm thôi. Sáng mấy anh em có mua cà phê rồi.

Dạo này, hai người trở thành bạn cà phê của nhau. Cũng chỉ quanh quẩn câu chuyện công trình sắp tới thế nào, kế hoạch ra sao. Không phải không còn gì khác để nói mà thực cả hai người đều không biết phải nói làm sao những điều cần nói, nhất là Dung.

Dứt câu chuyện thì Thanh xin phép được đưa Dung về. Đây là lần đầu tiên Thanh mở lời đưa đón khiến Dung ngập ngừng. Tết đoàn viên gợi niềm sum họp. Chiều 29 tháng Chạp vẫn mưa rây. Thanh đánh tay lái về phía dòng người xuôi ngược. Ngồi kề bên, Dung thoáng nghĩ về căn nhà có giàn hoa tử đằng những ngày sum vầy bên chồng con, nói cười chuyện rau dưa, bánh mứt. 20 năm, Dung có trái tim mà chưa bao giờ sử dụng. Những đau khổ dồn nén, chất chồng chỉ khiến Dung lẩn trốn chính mình, bỏ mặc hạnh phúc của chính mình. Chuyện lứa đôi lại càng xa xỉ.

Dung tạm biệt và nói lời cảm ơn Thanh ở cổng. Người đàn ông này làm Dung có cảm giác dễ chịu đến lạ kỳ. Bây giờ, giữa người với người, chỉ cần cho nhau cái cảm giác ấy là quý lắm rồi. Đó là Dung không dám thừa nhận rằng, cũng có những khi nghĩ về Thanh, thấy lòng như trận bão đêm. Vẻ mặt của Hạnh sau lần gặp Thanh ở cửa vẫn còn cột chặt tim Dung. Sợ con buồn, sợ con khước từ hay chính mình cũng sợ thêm một lần đổ gãy. Đớn đau đã thôi chưa? Mộng có còn đầy? Ngày tháng có còn đủ để mình dấn bước? Bóng tối dẫn con người đi ra ánh sáng hay đi vào một bóng tối khác? Cuộc đời nối dài những câu hỏi cho Dung.

Tối nay, chỉ mình Hạnh sang thăm mẹ. Con bé ngủ lại. Dung nằm quay mặt vào Hạnh, nghe con thủ thỉ:

- Ông bà sang thăm, cứ hỏi bánh mứt ở đâu ra? Con bảo mẹ đưa đến. Ông bà cứ ngậm ngùi mẹ ạ. Trông thương lắm!

- Ừ, ông còn ho nhiều không?

- Vẫn đấy mẹ.

- Mai về, con mang lọ chanh đào biếu ông nhé, mẹ ngâm mật ong từ tháng trước, dùng được rồi.

Bỗng Hạnh rúc vào lòng Dung, thì thào:

- Chú gì… còn đến không mẹ?

Dung lặng người, không dám nhìn xuống vẻ mặt con gái khi nó hỏi câu đó. Dung muốn được trở về. Nhưng về đâu? Về ngôi nhà có giàn hoa tử đằng ở trước sân hay về cứu rỗi trái tim băng giá của mình?

- Mẹ không rõ. Chú ấy là người đáng kính. Ngủ đi con…

Truyện ngắn của Lữ Hồng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tro-ve-post1503347.tpo