Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng
Tại 'Hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024', mô hình 'Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng' của tỉnh Gia Lai đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, xác định đây là giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề Fulro, 'Tin lành Đêga' trên địa bàn Tây Nguyên.
“Mình chỉ sai lầm một lần thôi”
Gia đình ông Rơ Châm Mreng (sinh năm 1969, dân tộc Gia Rai) hiện sinh sống tại làng Vân, thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Mới ngày nào ông còn mang tâm thế nơm nớp lo âu, đề phòng chung quanh chỉ vì hai vợ chồng tham gia hoạt động tôn giáo bất hợp pháp tại nhà, thì đến nay vợ chồng ông đã trở nên vui vẻ, cởi mở hòa nhập cộng đồng vì đã tìm ra được tín ngưỡng đúng đắn cho mình.
Nhớ lại quãng thời gian trước đây, ông Rơ Châm Mreng ngậm ngùi kể: Vào khoảng năm 2017-2018, các đối tượng xấu tìm cách tiếp cận, thuyết phục vợ chồng ông đi theo tổ chức Tin lành Đêga. Do thiếu thông tin, nhận thức không đầy đủ nên ông Rơ Châm Mreng không biết đây vốn là một tổ chức bất hợp pháp, núp bóng tôn giáo để hoạt động chính trị, âm mưu chống phá đất nước, lật đổ chế độ. Trong khi ông vẫn còn phân vân thì chúng thường xuyên dùng những lời lẽ ngon ngọt để lừa phỉnh rằng nếu đi theo chúng vợ chồng ông sẽ có nhà thờ riêng để hành lễ, người Gia Rai sẽ có đất nước của riêng mình, không còn là “thiểu số”, ai muốn làm gì thì làm.
Các đối tượng xấu ra sức tuyên truyền rằng ở Việt Nam không có nhân quyền, người Gia Rai nói riêng, người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung không có quyền tự do tín ngưỡng, không có nhà thờ của mình, đất nước chỉ của người Kinh mà thôi. Chúng còn cho ông tiền và hứa hẹn với ông nhiều thứ lắm.
Nghe bùi tai, vợ chồng ông đã dại dột nghe theo, bí mật thực hành tôn giáo sai trái tại nhà. Nhưng nghiệm lại suốt bao nhiêu năm, ông cũng tự thấy những lời hứa hẹn kia vẫn chỉ “trên mây trên gió” mà thôi.
Năm 2024, các cấp chính quyền và công an huyện gặp gỡ ông. Qua trò chuyện, phân tích, họ đã cho ông thấy bản chất thực sự của những luận điệu xảo trá mà vợ chồng ông đang bị các đối tượng xấu dẫn dụ, thao túng.
Ông nhận ra rằng ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, trong đó có đồng bào Gia Rai của ông luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Ngay chính tại địa phương nơi ông đang sinh sống có nhà thờ làng Vân cho bà con tín đồ đến cầu nguyện mỗi tuần. Người dân còn được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, không hề có chuyện phân biệt đối xử như các đối tượng xấu xuyên tạc. Bản thân gia đình ông cũng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt để phát triển kinh tế.
Sau khi đã “sáng con mắt”, “nhận thức đã thông”, ông Rơ Châm Mreng và vợ là bà Siu Hit (sinh năm 1967) đã tự bỏ tà đạo Tin lành Đêga, tham gia Tin lành Việt Nam (miền nam), giống như nhiều bà con cùng làng. Điều khiến ông bà hết sức cảm động đó là bà con trong làng không hề có sự phân biệt đối xử với vợ chồng ông như kẻ “lầm đường lạc lối” mà cư xử rất chân tình, ấm áp. Mục sư còn đến tận nhà cầu nguyện cho vợ chồng ông.
Mình chỉ sai lầm một lần thôi. Giờ mình đã nhận thức được rồi, mình sẽ không nghe kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo nữa. Ai đi theo kẻ xấu mình sẽ tuyên truyền quay về trồng cà-phê, chuyên tâm làm ăn đi thôi.
Ông Rơ Châm Mreng
Ông tự ngộ ra rằng, trước đây vì nhận thức sai trái nên phần nào có thái độ ỷ lại, trông chờ “sự đổi đời” mà các đối tượng xấu hứa hẹn, nay ông biết chuyên tâm lo cho con cái, gia đình, làm ăn kinh tế, cuộc sống vì vậy mà cũng vui vẻ, thoải mái hơn. Vợ chồng ông còn được chính quyền, công an xã thường xuyên thăm hỏi, động viên.
Ông kể, có anh Bảo là công an xã còn hỗ trợ heo giống cho vợ chồng ông phát triển kinh tế. Sự quan tâm chu đáo, coi ông như người nhà của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng địa phương khiến vợ chồng ông rất cảm động.
Bà Siu Hit tâm sự: “Ngày xưa chồng theo Tin lành Đêga nên không có thời gian chăm sóc gia đình. Giờ thì đã khác hẳn. Vợ chồng bảo ban nhau làm ăn. Hàng tuần hai vợ chồng bà đưa nhau đến nhà thờ để sinh hoạt tôn giáo. Ở đó đông vui lắm, bà con tín đồ còn hướng dẫn nhau cách làm ăn”.
Hiện nay, gia đình ông Rơ Châm Mreng đã có internet, sóng wifi sử dụng thoải mái, nhờ vậy ông thường xuyên cập nhật tin tức thời sự trong nước và thế giới, sự hiểu biết ngày càng được nâng cao.
Ông bảo: “Mình chỉ sai lầm một lần thôi. Giờ mình đã nhận thức được rồi, mình sẽ không nghe kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo nữa. Ai đi theo kẻ xấu mình sẽ tuyên truyền quay về trồng cà-phê, chuyên tâm làm ăn đi thôi”.
Huy động “3 cấp, 4 lực lượng” cùng vào cuộc
Câu chuyện gia đình ông Rơ Châm Mreng và bà Siu Hit không hiếm gặp ở Gia Lai. Bởi lẽ đây từng là địa bàn mà tổ chức phản động Fulro và Tin lành Đêga tìm mọi cách để “cắm rễ”, gia tăng ảnh hưởng, lôi kéo nhiều người dân tham gia tổ chức của mình, nhằm thực hiện âm mưu chống phá chế độ, lật đổ chính quyền.
Thời gian qua, Fulro lưu vong tuy mâu thuẫn, phân hóa thành nhiều tổ chức song vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng chú ý là việc Fulro lưu vong dựng lên nhiều danh xưng tôn giáo nhằm “đánh tráo” bản chất phản động, từ đó lôi kéo, dụ dỗ người dân tộc thiểu số tham gia tiêu biểu như “Tin lành Đềga”, “Tin lành Đấng Christ”… Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.
Tại Gia Lai, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết vấn đề Fulro, Tin lành Đêga nên đã kiểm soát được tình hình, đẩy lùi các âm mưu kích động biểu tình, bạo loạn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hẹp các nguyên nhân, điều kiện mà Fulro có thể lợi dụng chống phá.
Từ tình hình thực tế, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là phương châm “dùng tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo”, từ năm 2022 đến nay Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai công tác vận động các đối tượng Fulro, Tin lành Đêga quay về các tôn giáo được công nhận thông qua mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”. Bước đầu triển khai thí điểm tại 4 huyện trọng điểm gồm: Chư Sê, Phú Thiện, Đak Đoa, Ia Grai (từ tháng 12/2021-tháng 4/2024).
Đến tháng 5/2024, trên cơ sở kết quả đạt được, Công an tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết và nhân rộng mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” trên toàn tỉnh. Qua hơn 3 năm triển khai, hiệu quả đạt được của mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” là tương đối toàn diện, giải quyết cơ bản các vấn đề then chốt liên quan đến hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo của Fulro, cụ thể: đã vận động được 782 trường hợp tại 16 xã, 7 huyện, thị xã, thành phố, quay về 5 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận bao gồm Tin lành Việt Nam (miền nam), Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Tin lành Truyền giáo Cơ đốc, Tin lành Báp tít Việt Nam và Công giáo, tăng gần 200 trường hợp quay về so với cả giai đoạn 2015-2022, trước khi triển khai công tác vận động theo quy trình.
Ngoài ra, còn có 136 trường hợp từ bỏ Fulro, không tham gia tổ chức tôn giáo nào. Tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn triển khai công tác vận động được giữ vững ổn định, các hoạt động phục hồi Fulro, Tin lành Đêga, lôi kéo người dân tộc thiểu số, di cư trái phép được kéo giảm rõ rệt. Qua đó, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, cải thiện chất lượng công tác dân vận.
Từ việc huy động “3 cấp, 4 lực lượng” (trong đó 3 cấp là cấp huyện, cấp xã và cấp thôn làng; 4 lực lượng gồm cán bộ, đảng viên thuộc hệ thống chính trị; chức sắc tôn giáo, người có uy tín; quần chúng tốt và các thành phần xã hội tích cực; đối tượng đã chuyển biến tốt) tham gia công tác vận động, các địa bàn đã hình thành trên 200 tổ quản lý, giáo dục và vận động; huy động hơn 2.000 cán bộ, đảng viên, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đối tượng tiến bộ tham gia công tác vận động; đưa công tác này trở thành một phong trào dân vận rộng khắp với tinh thần, trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên và cốt cán cơ sở.
Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” của tỉnh Gia Lai đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, xác định đây là giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề Fulro, “Tin lành Đêga” trên địa bàn Tây Nguyên.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt qua mô hình đã xây dựng nhiều “hạt nhân tích cực”, trong đó có nhiều trường hợp là chức sắc, chức việc tôn giáo và các đối tượng Fulro đã chuyển biến tích cực và tham gia vận động trách nhiệm, có hiệu quả.
Tiêu biểu như trường hợp ông Siu Un - tại Phú Thiện (đối tượng cầm đầu Fulro cấp vùng, từng chấp hành án phạt tù 17 năm) đã trực tiếp vận động hơn 100 trường hợp quay về; Truyền đạo Ksor Lý - Trưởng điểm nhóm Bôn Ơi Hly, xã Ia Hiao, Phú Thiện luôn quan tâm, trực tiếp vận động và đồng hành, giúp đỡ các trường hợp quay về; trường hợp ông Nay Lơh tại huyện Ia Pa, đối tượng cốt cán Fulro cũ, có tác động, ảnh hưởng đối với 14 trường hợp tu tại gia tại xã Kim Tân, Ia Pa đã cam kết vận động số này quay về…
Tại “Hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024”, mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” của tỉnh Gia Lai đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, xác định đây là giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề Fulro, Tin lành Đêga trên địa bàn Tây Nguyên.
Đây cũng là một trong nhiều mô hình, điển hình tiên tiến là điểm sáng, gương sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở, có tính xã hội hóa cao được triển khai thực hiện trong hầu hết các địa phương trong khu vực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận, đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tro-ve-duc-tin-giu-binh-yen-thon-lang-post846419.html