Trở về với giống lúa truyền thống

Bà Varsha Sharma, sống tại bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, cho biết, giống lúa lai giúp tăng sản lượng, nhưng cần rất nhiều chất phụ gia, khiến đất suy yếu.

Gia đình bà gắn với cây lúa hơn một thế kỷ qua, từng thu lợi nhuận không nhỏ từ giống lúa lai, nhưng giờ đây, bà quay lại với các giống lúa truyền thống để bảo vệ đất trồng.

Bà Varsha Sharma quyết định chuyển đổi hình thức canh tác từ năm 2018, mở rộng diện tích trồng lúa gạo đỏ, một giống lúa có lịch sử lâu đời ở Himachal Pradesh đã bị thu hẹp khi nông dân chuyển sang các giống lúa hiện đại. Dù chỉ sản xuất bằng hữu cơ, nhưng gạo đỏ vẫn có chất lượng tốt, giống lúa khỏe mạnh và phát triển nhanh mà không cần phân bón và hóa chất. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, gạo đỏ có lợi ích dinh dưỡng hơn gạo trắng. Sức hấp dẫn lớn nhất của gạo đỏ còn nằm ở việc bán chạy và có giá tốt, với mức trung bình từ 3-4 USD/kg trên thị trường bán lẻ. Trước nhu cầu sử dụng gạo hữu cơ ngày càng tăng của thị trường, chính quyền bang Himachal Pradesh chủ trương mở rộng sản xuất gạo đỏ, tăng diện tích canh tác lên 4.000ha.

Ấn Độ, các giống lúa lai mới được sử dụng rộng rãi vào những năm 1970, khi các kỹ thuật tưới tiêu phát triển. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu và lối canh tác liên tục, cũng như việc sử dụng phân thuốc hóa học không đúng cách đã dẫn đến việc đất bị thoái hóa nghiêm trọng. Trước những thay đổi tiêu cực trong hoạt động trồng trọt, việc bảo vệ hệ thống nông nghiệp truyền thống đang là câu chuyện nóng trong ngành nông nghiệp Ấn Độ. Ngoài khuyến khích nông dân chọn giống lúa đặc sản hữu cơ, các phương pháp trồng trọt mới đang được các cơ quan nông nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh nghiên cứu.

Ông Shankar Patnaik cũng là một nông dân và nhà bảo tồn hạt giống, cho biết, trước đây nông dân trồng lúa lai để thu hồi vốn nhanh. Dù xu hướng chọn những giống lúa truyền thống đã trở lại, nhưng phần lớn nông dân chưa mặn mà. Một số giống lúa bản địa có thể cho năng suất cao hơn, thậm chí không cần bón phân hóa học cũng có thể cho năng suất tốt, nhưng tiềm năng chưa được khai thác hết.

Ông Patnaik có một bộ sưu tập gồm 500 giống lúa và đang thử nghiệm nhiều loại trên 56.000m2 đất. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu phương pháp trồng trọt cần ít nước để bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ông còn sử dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD). Với phương pháp này, nông dân làm ngập ruộng, để cho nước rút trong vài ngày, sau đó cho nước ngập trở lại. Đây là một trong những quy trình mà Trung tâm Nông nghiệp bền vững của Ấn Độ (CSA) phối hợp nông dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Ở Ấn Độ còn có một số tổ chức phi chính phủ cùng với các tổ chức thuộc chính phủ đang nỗ lực bảo tồn các giống lúa bản địa. Có thể kể đến một số cơ quan tiêu biểu như: Phòng thí nghiệm Kiểm định hạt giống tiểu bang (SSTL) ở Bhubaneshwar, Viện Nghiên cứu lúa gạo trung ương (CRRI) ở Cuttak, Odisha và Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) ở New Delhi.

Mục tiêu của các đơn vị này là nuôi cấy các giống lúa bản địa, bảo tồn chúng để nghiên cứu, lai tạo, cho ra đời các giống năng suất cao. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã liên kết, hợp tác nhiều tổ chức quốc tế trong vấn đề bảo tồn các giống lúa quý.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tro-ve-voi-giong-lua-truyen-thong-post701892.html