Tróc da nặng vì dị ứng thuốc kháng lao
Đang dùng thuốc điều trị lao hạch ở tháng thứ 2, nam bệnh nhân 42 tuổi phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ớn lạnh, đỏ da toàn thân và vàng mắt.
Ca bệnh này được các bác sĩ khoa Nội - Tiết niệu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), công bố trong Hội nghị khoa học thường niên diễn ra sáng 19/5.
Theo đó, thời gian gần đây, bệnh viện này tiếp nhận một ca bệnh nam (42 tuổi) nhập viện với hội chứng DRESS (phản ứng ngoại ý của thuốc trên da mức độ nặng, gây ảnh hưởng lên da và nhiều cơ quan nội tạng).
Cách nhập viện một tuần, khi đang trong tuần thuốc kháng lao thứ 7, bệnh nhân bắt đầu ớn lạnh không rõ nhiệt độ, đỏ da ở thân mình và mặt sau đó lan ra toàn thân. Bên cạnh đó, anh cũng xuất hiện thêm các hiện tượng ngứa kèm mụn nước trên phần da đỏ, khắp toàn thân tróc vảy, củng mạc mắt vàng, nước tiểu sậm màu.
Khi nhập viện, bệnh nhân có da vàng, củng mạc mắt vàng, tiểu sậm màu, sẩn và mụn mủ trên nền hồng ban ở thân mình, tay chân.
Sau khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán phản ứng dị ứng, viêm gan cấp do thuốc kháng lao, nhiễm trùng huyết và chuyển khoa Hô hấp tiếp tục điều trị.
Tại đây, anh được ngưng thuốc kháng lao. Sau một tuần điều trị, tình trạng vàng da không cải thiện, sẩn hồng ban tróc vảy khắp thân mình. Người bệnh mệt, chán ăn buồn nôn, đặt sonde tiểu không ra nước tiểu nên được chuyển khoa Nội tiết - Thận.
Tại khoa Nội tiết - Thận, bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng DRESS không điển hình nghĩ do thuốc kháng lao, nhiễm trùng huyết từ đường da niêm, hô hấp, viêm phổi, suy gan cấp, suy thận cấp. Anh được điều trị bằng phương pháp lọc máu và thay huyết tương.
Sau 15 ngày điều trị tại khoa Nội tiết thận, bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, hết vàng da vàng mắt, da hết tróc vảy. Chức năng gan, thận cải thiện, tuy chưa thể bình thường nhưng không cần can thiệp lọc máu. Anh được xuất viện và theo dõi ngoại trú.
Sau xuất viện một tháng, người bệnh hết đỏ da, tiểu tốt, chức năng thận cải thiện. Sau 3 tháng, chức năng gan thận trở về giới hạn bình thường.
Cho đến nay, cùng với hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng DRESS là một phản ứng ngoại ý của thuốc ở mức độ nặng, ảnh hưởng đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong. Tỉ lệ tử vong và tiên lượng của hội chứng này tùy thuộc vào số lượng và mức độ của các cơ quan bị ảnh hưởng.
Với vai trò là cơ quan chuyển hóa và đào thải thuốc quan trọng, gan cũng là cơ quan có khả năng tổn thương cao nhất khi bệnh nhân mắc hội chứng DRESS, với biểu hiện ở nhiều mức độ, từ nhẹ tới suy gan cấp.
Ghép gan là biện pháp điều trị triệt để duy nhất với những bệnh nhân không tự hồi phục. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ bệnh nhân suy gan cấp có thể tiếp cận với phương pháp điều trị này. Nếu không được ghép gan, bệnh nhân suy gan cấp có tỉ lệ sống sót dưới 25%.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/troc-da-nang-vi-di-ung-thuoc-khang-lao-post1432608.html