Trời càng nắng, nước càng độc hại nếu đựng trong chai nhựa
Nhiệt độ càng cao càng làm phá vỡ các liên kết hóa học trong nhựa, và các chất hóa học có thể bị rò rỉ, chuyển vào trong đồ ăn, thức uống.
Đựng nước trong chai nhựa dường như là thói quen của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên tờ National geographic- Tạp chí Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ nhận định hầu hết các loại đồ nhựa mọi người sử dụng sẽ phát tán một lượng nhỏ hóa chất vào đồ ăn hay nước uống. Khi nhiệt độ tăng cao trong một thời gian dài, các liên kết hóa học trong nhựa sẽ liên tục đứt gãy và các chất hóa học sẽ càng dễ thoát ra.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), lượng hóa chất rò rỉ từ nhựa quá nhỏ để gây các vấn đề về sức khỏe, nhưng các nhà khoa học tập trung tìm hiểu về tác dụng lâu dài của việc sử dụng đồ nhựa cho biết tất cả những liều lượng nhỏ đó có thể tích tụ lại và gây hậu quả khôn lường.
Chai nước dùng một lần
Hầu hết các chai nước đang có trên thị trường hiện nay đều được làm từ một loại nhựa gọi là polyethylen terephthalate (PET). Đây là nhựa có ký hiệu số 1. Theo nhiều tài liệu, loại nhựa chỉ nên sử dụng 1 lần duy nhất, nhựa PET rất khó để làm sạch, mức độ tái chế của chúng cũng rất thấp (chỉ khoảng 20%).
Vào năm 2008, các nhà khoa học ở Đại học Arizona đã thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu về việc nhiệt độ làm tăng rò rỉ antimony trong chai nhựa PET. Antimony là một chất được dùng để sản xuất đồ nhựa và sẽ gây độc hại khi sử dụng với liều lượng cao.
Nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ ôn hòa, khoảng 21 độ C, lượng antimony đo được trong nước đóng chai là an toàn. Tuy nhiên, trong những ngày nóng, thời gian nước trở nên độc hại càng ngắn. Theo đó, trong các thí nghiệm, mất 38 ngày để các chai nước trong phòng thí nghiệm bị nung tới nhiệt độ 150 độ F (66 độ C) và cho thấy lượng antimony rò rỉ vượt quá khuyến nghị về an toàn. Nhưng trong mùa hè, một chiếc ôtô dưới trời nắng có thể bị nung đến hơn nhiệt độ đó.
Bà Julia Taylor, một nhà khoa học nghiên cứu về nhựa ở Đại học Missouri cho biết: “Theo quy luật thông thường, nhiệt độ làm phá vỡ các liên kết hóa học trong nhựa, và các chất hóa học có thể bị rò rỉ, chuyển vào trong thức uống”.
Điều này cũng được Rolf Halden, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Y tế Môi trường tại Viện Biodesign thuộc Đại học Bang Arizona, khẳng định: “Càng nóng, càng nhiều thứ trong nhựa di chuyển vào thức ăn và nước uống". Do đó, trước khi uống nước đựng trong chai nhựa, bạn có thể sẽ thay đổi ý định nếu chai nước đã bị phơi quá lâu dưới trời nắng.
Ông Rolf Halden cho biết, cần nhìn vào bức tranh tổng thể và lâu dài hơn: "Nếu bạn uống nước từ một chai PET, có hại cho sức khỏe không? Có lẽ không. Nhưng nếu bạn uống đến 20 chai mỗi ngày, thì câu hỏi về an toàn sẽ hoàn toàn khác”.
Ông cũng lưu ý, hiệu ứng tích lũy của việc con người bao quanh bởi nhựa trong hàng hóa mua hàng ngày hoặc vi nhựa trong nước là tiền năng lớn nhất có thể tác động lên sức khỏe.
Chai nhựa tái sử dụng
Các chai nhựa có thể sử dụng nhiều lần được làm từ polyetylen mật độ cao (HDPE) hoặc polycarbonate. HDPE có mã ký hiệu là 2, được chấp nhận bởi phần lớn các chương trình tái chế, nhưng polycarbonate có mã là 7 lại khó tái chế hơn.
Để làm cho những chai nhựa loại này cứng và sáng bóng, nhà sản xuất thường dùng bisphenol-A hay BPA, một hợp chất gây độc ở nhiệt độ cao. BPA gây rối loạn nội tiết, phá vỡ chức năng hormone bình thường và dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết của hợp chất này với bệnh ung thư vú.
Trước tình hình đó, nhiều nhà sản xuất đã đáp ứng cộng đồng bằng cách sản xuất các sản phẩm không chứa BPA. Dù vậy, bà Taylor chia sẻ 'không chứa BPA' không có nghĩa là 'an toàn'. Bà lưu ý rằng bisphenol-S thường được sử dụng thay thế cho BPA dù nó có cấu trúc và tính chất tương tự BPA.
Chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về tác dụng của nhiệt độ cao đối với nước đựng trong các bình chứa bằng nhựa tái chế, nhưng các nghiên cứu đổ nước sôi vào polycarbonate cho thấy BPA bị rò rỉ nhiều hơn.
Bà Taylor kết luận: "Dùng chai thủy tinh để đựng nước luôn tốt hơn chai nhựa. Nếu không, chai nước nhựa cần phải được bọc hoặc để trong túi khi không sử dụng (không tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài) và không để trong xe ôtô khi nhiệt độ tăng nhanh như ở thời điểm này trong năm".