Trời không đủ chỗ cho MÂY
'Và nắng vàng dù nhốt trong mây…' (Trầm Tử Thiêng) - Tại sao phải là mây? Bởi miền Thượng lùi sâu vào lục địa, mây bao giờ chẳng kéo về trên non cao và ở lại đó. Những vũ tiệc bày ra…
Trời xanh như thấp xuống hơn, trên Tây Nguyên này. Buổi đi miệt mài dọc duyên hải, nhìn về dải núi rừng chót vót lê thê phía tây, thấy miền Thượng rất xa xôi, và chỉ thấy mây phủ lên nơi đó. Thế thì sao không bí ẩn. Mất mấy trăm năm người Việt mới đặt chân lên tới Tây Nguyên. Mất nửa thế kỷ người Pháp mới ghi được những dòng nhật ký đầu tiên về Moi, “Nagar” (xứ sở - tiếng Chăm) này. Hẹn một ngày rỡn chơi với mây ở đó, lên đó sống. Rồi đến sống thiệt, đụng trận mây núi thiệt.
* * *
Tây Nguyên mà, đôi lúc núi non như trùng điệp, đôi lúc như thảo nguyên, đôi lúc như những “châu thổ” treo ở thượng nguồn. Nơi tích hợp đủ đầy những cái gì sống động nơi mặt đất, với sông ngòi, suối nguồn, đỉnh cao, vực sâu, đại ngàn, đồi trọc, trang trại, đồn điền, vườn rẫy, cánh đồng, phố xá, làng mạc, chợ búa, cõi thú, cõi người, cõi cá, cõi chim... Rộn rã đất đai. Rộn rã bầu trời. Rất thực mà rất ảo. Rất rõ mà rất hư. Rất gần mà rất xa...
Xứ sở thổ cổ từ nguyên thủy đến đương thời, lạ từ xa xưa đến hôm nay, gần từ xa xưa đến bây giờ. Chỉ có mây trời ở đây mới nghe thấy được những gì thủ thỉ trong lòng Nagar. Ở đây, ta đứng giữa trời đất, trông mây liếm vào thảo nguyên cỏ hoang M’Drak, mây liếm vào những ngọn đồi bát úp trùng trùng của cao nguyên M’Nông mênh mông, vào những đồi trà cưng chiều ở B’Lao. Mây ve vuốt những cánh rừng lá kim, dụ dỗ những rừng mưa nhiệt đới thường xanh. Mây vờn những chỏm đá cheo leo và cánh rừng lùn đầy phong lan trên dãy Bi Doup. Mây liếm vào sông vào suối, vào đầm lầy nhiệt đới, vào màu đất đỏ bazan.
Đất trời bao la thì mây trời mênh mông. Miền Thượng thuần nông nên hay ngửa mặt lên trời. Có lúc kêu trời mưa, có lúc kêu trời nắng, có lúc kêu trời nương tay. Miền Thượng bề bộn với mây trời. Đại dương kia hào phóng hay tàn bạo mà cứ đổ mây về núi. Độ thì toàn xám xịt, tợ khói của lò than, kéo lê la ngày này qua tháng nọ, trùm xuống phũ phàng, cứ như muốn làm cũ xưa hơn, sâu và buồn hơn, đau hơn cái xứ Thượng.
Độ thì dùng dằng giữa hắc vũ thảm sầu với bạch vũ hoan hỉ theo cơn nóng lạnh của ông Trời. Ấy là những ngày vừa nắng, vừa mưa. Trò chơi trốn tìm giữa mây và nắng làm xứ sở thêm nhiều sắc thái, dày đặc tương phản, huyền ảo hơn. Là những lúc mà “nắng vàng bị nhốt trong mây”...
Đủ những trạng thái của mây trong một ngày. Đủ tâm hồn mây trong một ngày. Mặt đất cao nguyên vốn đã cong, toàn những đường đồng mức, mây còn làm cho nó cong hơn nữa. Mây chộn rộn, hội hè vào mười giờ trưa đến ba giờ chiều; và mây ngoan hiền, buồn ngủ sau bốn rưỡi giờ chiều cho đến màn đêm nhiếp chính vòm trời, buông xuống, lúc mà độ có trăng người Thượng gùi nguyệt đi về phía chân núi. Dăm ba đám mây còn rong chơi trong dạ thanh hiu hắt và ánh nguyệt le lói hiền từ.
* * *
Giờ là tháng mấy rồi mà mây như bông nhồi từng đống nọ, đống kia rải ra tấm phông xanh lam bao la vòm trời? Mặt đất đã chật kín màu xanh cỏ cây, từ đỉnh cao đến vực sâu, ngóc ngách hẻo đồi, xó núi mượt mà ra, sau sáu tháng trời tưới nước phả phê. Mùa mưa bàn giao cho mùa khô một mặt đất như thế.
Mây cuộn lại từng cuốn, từng cuốn, nhỏ to đủ cỡ, tung hoành, vang trời. Có chỗ nó kết lại, có chỗ nó rời ra, có chỗ là những cuốn mây đứng một mình cô đơn, trong lồng lộng xanh dương và nắng chói. Có những con đường rẫy, đường núi, lâu lâu bất thần được chút bóng râm khi bỗng đống mây trắng đó kết vào đôi sợi mây xám nhạt. Giữa trưa mây không rỡn chạy mà lững thững trên đầu rẫy nương. Chỏm đất nào càng nhô lên cao càng bị mây nuốt.
Mây như những cái đầu rồng. Không biết những ngọn núi đang hạnh phúc hay bất hạnh khi bị mây che mất dáng mình? Nhìn mây trên đỉnh Brah Yang mà nghĩ về mây trên đỉnh Ngok Linh. Nhìn mây trên đỉnh Chư Đăng Ya mà thương mây trên đỉnh Langbian. Thấy mây trên đỉnh Nâm Nung rậm rừng đoàn viên mà nghĩ về mây ở đỉnh Dlei Yang trơ trọi đơn chiếc. Trông mây vàng rực đỉnh Yang Lak buổi bình minh nọ mà nhớ sắc mây cháy đỏ chiều tà kia nơi đỉnh Chư Mom Ray...
Mây biến đi khôn lường, chỉ là ảo ảnh, vậy mà ký ức về mây bàng bạc trong tâm trí. Là có khi, trong những vòm mây ta thấy hình thù mặt người, mặt thú, dáng dấp của những sinh vật, loài cây nọ kia của mặt đất. Nên làm sao mà không giật mình. Những hình thù đó chợt hiện rồi chợt biến, muôn hình vạn trạng. Ảo ảnh gì mà hồi quy miên man.
* * *
Con người mà, bé nhỏ hơn mọi thứ trong trời. Từ mặt đất nhìn lên cao xa bao giờ cũng qua một tàng cây lớn bé. Trên đầu một cây cao là một gói to mây trắng. Cái cây như đứng đó đợi mây để thay đổi dáng kiều. Và trong những rừng cao su trút hết lá để đón mùa khô, nhìn mây qua trơ trọi cây cành chợt cánh rừng ấy lóng lánh, diễm lệ đến não nùng.
“Thà là mây trôi lang thang giữa cuộc đời, mà vui” là bởi thế này đây sao?
… Chỉ có gió mới hiểu được mây. Mây lững thững khi đứng gió. Lúc nào mây chạy là gió đang đuổi rượt mây đó. Giữa vòm trời, những dải mây bỗng tan vỡ, chúng dáo dác, tháo chạy. Sau cuộc đụng độ, cãi vã lớn với gió, mây rê ra từng mảng, thê thiết, sướt mướt, thướt tha. Cứ ngỡ như mây cũng không muốn sự chia lìa. Mây nhắc nhở con người điều gì đó. Cứ nhìn bầu trời, nhận ra hiện thân rõ nhất của hợp đàn và phân ly trong dương gian, và sự vô thường nơi cõi sống. Không có gì vĩnh cửu; không có gì nên sở hữu, ôm giữ. Thân thể đang nhìn mây này rồi cũng như dáng mây qua. Chân lý về sự phù du hùng hồn quá.
Mây, mưa, nắng, gió là một tổ hợp hiện tượng thiên nhiên, là mối thiên duyên, là một khối ân nợ, hợp tác và đối kháng, có khi ân tình, có khi thâm thù, là một thứ Brahma(*) của vũ trụ ấy mà.
* * *
Rồi nhiều khi chỉ còn lại vòm trời rặt một màu xanh dương mênh mông. Không gợn một sợi mây nào cả. Trời trút nguyên vẹn hình thù nắng và nóng, cả cái mùa khô xuống cao nguyên. Không gì che đỡ, rẫy nương, rừng biếc, sông hồ, núi đồi bị lột trần ra, gồng lên đón chịu. Chắc mây đã rút về phía đại dương, chơi cuộc chơi lớn ở đó, phóng khoáng và bao la hơn nữa, chơi theo dòng hải lưu nóng lạnh, thủy triều. Mây đã bỏ lại bầu trời cao nguyên lộng nắng. Mây in ký ức trên những rẫy nương nghèo của người M’Nông Gar, người Mạ, người Jrai, người Giẻ Triêng, người Rơ Mâm... Chán mây, ghét mây, thế mà vắng nó cao nguyên trống trải, bơ vơ quá.
Nơi nào, xứ nào, hạ nguồn các dòng sông kia, dưới xuôi ấy, kể cả đô thành, mà chẳng có mây? Nhưng sao mây cao nguyên lạ lùng quá, đủ đầy bản chất, thiết tha thế này. Đừng nghĩ mây là mây thôi, bình thường, cũ rích, vô bổ. Nó làm mới nhân gian trong từng sát na, từng khắc, từng ngày đó. Nó kéo mùa màng, thời tiết, cuộc sống, sức khỏe muôn sinh vật, con người đi theo nó đó. Em nói “trái gió trở trời”, là đã có yếu tố mây trong đó rồi, biết không em. Nó là đại diện của trời cao can dự vào tồn sinh muôn loài.
Mây không có tuổi. Mây vô thường. Mây chết đi sống lại. Mây sống muôn phương.
Người, một chốn chỗ nơi mặt đất, mà nhiều khi người thấy quá đủ đầy, mỏi mệt.
Ai chê mây, kệ, còn ta cứ ngửa mặt lên trời và hét lên: Trời cao kia, miền Thượng ơi, hôm nay mặt đất còn thấy mây trời!
Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình
_________
(*) Thần sáng tạo vũ trụ, theo Ấn giáo
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/troi-khong-du-cho-cho-may-23001.html