Trời lạnh, khổ vì tim mạch, hô hấp

Trong thời gian này do ảnh hưởng của thời tiết lạnh trẻ nhỏ, người già mắc bệnh phải nhập viện điều trị tăng hơn so với bình thường.

Mùa đông, cần mặc ấm khi trẻ đến trường.

Mùa đông, cần mặc ấm khi trẻ đến trường.

Trẻ nhỏ dễ bị cúm

Chỉ tính từ tháng 10/2020 cho đến đầu tháng 12/2020, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận 820 trẻ nhập viện vì bị cúm nặng. Đa phần trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh và chưa được tiêm vaccine phòng cúm.

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội nhiễm (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, để phòng lây nhiễm chéo Trung tâm đã dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác.

Ngoài ra TS Hải cũng chia sẻ, bệnh cúm mùa (cúm A và B) có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng, gây viêm đường hô hấp với các biểu hiện, như: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng... Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày.

Tuy nhiên, những trẻ có bệnh mạn tính, như: Hen phế quản, viêm phế quản co thắt, bệnh chuyển hóa, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... dễ diễn biến nặng, gặp nhiều biến chứng và có thể tử vong. Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây Trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.

Theo lời khuyên từ giới bác sĩ, không khí lạnh sẽ làm niêm mạc đường thở hanh khô, là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, virus dễ thâm nhập nên trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Do vậy, để phòng bệnh, cần cho trẻ uống nước đầy đủ để niêm mạc đường thở luôn có độ ẩm.

Ngoài ra, cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc ấm, tránh bị gió lùa. Nên cho trẻ rửa tay thường xuyên để phòng bệnh viêm đường hô hấp. Một điều cũng cần lưu ý nữa là không để trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh.

Cảm cúm là bệnh lý hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra, dễ lây lan. Những triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh thường là ngứa họng, sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi, sau đó là sưng họng, ho, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn. Cúm là căn bệnh nhiều người gặp phải, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém và người già, người bị tiểu đường, thận.

Khi bị cúm cần nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý; luôn giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi; nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; Tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể; đặc biệt là vitamin C, để tăng sức đề kháng.

Người già cẩn trọng bệnh tim mạch

Trong khi đó, với người cao tuổi, bệnh tim mạch rất đáng lo sợ vào thời tiết lạnh giá này.

Số liệu từ Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết đã tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú/ngày, trong đó có khoảng 100 người điều trị tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. Trong số đó, có 30% bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp, 35% bệnh liên quan đến tim mạch, 25% xương khớp và những bệnh khác. Đặc biệt, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa đông chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Còn tại Bệnh viện Hữu Nghị, số lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng 15-20% so với ngày bình thường, chủ yếu là bị bệnh viêm đường hô hấp, như: Viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) cho biết, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời. Nguyên nhân là do người già sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém, nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, những người mắc bệnh mạn tính, nhất là tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người cao tuổi cần tránh ra ngoài trời lạnh hay đột ngột từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh, vì nhiệt độ chênh lệch đột ngột dễ khiến người cao tuổi đột quỵ.

Viêm khớp cũng là bệnh thường gặp trong mùa đông. Bệnh viêm khớp có nguyên nhân là do các đầu mối xương khớp bị tổn thương dẫn đến các cơn đau nhức hành hạ người bệnh. Viêm khớp có nhiều dạng bệnh khác nhau nhưng đều có điểm chung chính là hay bị lặp lại và đau nhức khi thời tiết trở lạnh, nhất là đối với người già. Vì thế, người bệnh khớp cần có sự chuẩn bị cho mình khi mùa đông đến. Ra ngoài cần phải mặc đủ quần áo ấm để giữ nhiệt, nhất là bàn chân và bàn tay. Cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, đảm bảo cơ thể đầy đủ sức khỏe để đối phó với sự thay đổi của thời tiết, nhất là thời tiết lạnh cũng là một cách để bảo vệ bệnh viêm khớp không bị tái phát vào mùa lạnh. Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe và các khớp.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/troi-lanh-kho-vi-tim-mach-ho-hap-547291.html