Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
Thời tiết giá lạnh những ngày qua ở miền Bắc là mối nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ. Không chỉ với người cao tuổi mà người trẻ cũng cần cảnh giác với căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp. Đáng lưu ý, đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca bệnh mà nơi đây tiếp nhận. Bác sĩ Nguyễn Minh Anh (Trung tâm Đột quỵ) cho biết, theo nghiên cứu tại Việt Nam, số ca đột quỵ thường gia tăng trong mùa lạnh với tỷ lệ tăng khoảng 15-20%. Tuy nhiên, tại Trung tâm Đột quỵ, con số này thậm chí có thể tăng từ 25% đến 30%.
Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do khi thời tiết lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn gây ra co giãn mạch máu đột ngột. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, hay những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia. Đột quỵ chia thành 2 dạng: Đột quỵ do nhồi máu não và chảy máu não. Trong mùa lạnh, các ca đột quỵ chảy máu não cũng phổ biến hơn và thường để lại triệu chứng, tàn phế lâm sàng nặng nề hơn so với đột quỵ nhồi máu não.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) thông tin thêm, có khoảng 60-70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm. Bởi vì đây là thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
“Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch”, Tiến sĩ -bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức lý giải.
Đề cập đến những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ, theo các chuyên gia y tế, đó là lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử; thừa cân béo phì, lười vận động; chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khỏe; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc… Người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong “giờ vàng” (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ), phát hiện và điều trị muộn thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã trở thành tàn phế.
Các chuyên gia cũng lưu ý, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó, khả năng vận động của người bệnh có thể sớm trở lại. Điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/troi-lanh-nguoi-tre-can-canh-giac-voi-dot-quy-688497.html