Trời nồm, cảnh báo nguy cơ cháy nổ khi sử dụng thiết bị điện

Những ngày thời tiết nồm, ẩm, mưa phùn, việc dùng máy sấy quần áo, máy hút ẩm là biện pháp đối phó tối ưu. Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng các thiết bị này không đúng cách hoặc mua phải loại kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ...

Cháy, nổ do sử dụng sai cách

Ngày 21/2, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cho biết, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân vừa kịp thời giải cứu một cụ ông bị mắc kẹt trong căn nhà bị cháy.

Cụ thể, hồi 7h55 cùng ngày, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại căn nhà ở số 2A hẻm 129/2/19 Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân).

Nhận được tin báo, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP đã điều động 3 ô tô, 2 xe máy chữa cháy cùng 16 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa và tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

Căn nhà xảy ra cháy cao 5 tầng, lửa bùng phát từ tầng 1. Ngay khi có mặt, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức nhiều mũi dập lửa và cứu người mắc kẹt.

Lực lượng chức năng đã cứu được một cụ ông (78 tuổi, là chủ nhà) mắc kẹt trong đám cháy. Hiện tại, sức khỏe của cụ ông đã ổn định. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện bếp từ tại khu vực nhà bếp.

Cảnh sát PCCC và CNCH giải cứu cụ ông 75 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội

Cảnh sát PCCC và CNCH giải cứu cụ ông 75 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội

Trong những ngày nồm ẩm, máy sấy quần áo đang được người dân tìm mua. Đây là thiết bị không chuyên dụng, nhưng do nhà sản xuất “chế” với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và tủ quây bằng khung sắt, vải bạt dùng vào việc sấy khô quần áo.

Thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao khi sử dụng, bởi quần áo móc phía trên và máy làm nóng để phía dưới, chỉ một sơ suất nhỏ trong thời gian sấy, như để rơi quần áo xuống máy có thể gây cháy thiết bị dẫn đến cháy.

Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cháy máy sấy là do không vệ sinh kỹ lưỡng. Bởi vì bẫy lọc không thể bắt tất cả xơ vải từ quần áo, xơ vải có thể tích tụ dần dần và bắt lửa trong bộ phận làm nóng hoặc ống xả. Xơ vải không được loại bỏ hoàn toàn qua bẫy lọc có thể tích tụ và châm ngòi cho ngọn lửa. Tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống thông gió cũng góp phần làm tăng nhiệt độ, từ đó dễ dẫn đến cháy.

Máy sấy quần áo là thiết bị phổ biến trong những ngày trời nồm

Máy sấy quần áo là thiết bị phổ biến trong những ngày trời nồm

Cùng với nhu cầu sử dụng máy sấy quần áo là máy hút ẩm, máy lọc không khí đang được cho là giải pháp tối ưu trong những ngày thời tiết nồm ẩm của người dân. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, nhiều người dân đưa ra cảnh báo trên trang cá nhân của mình về việc máy hút ẩm chạy quá tải nên báo lỗi liên tục. Nguyên nhân do độ ẩm cao khiến khoang chứa nước của máy nhanh đầy, máy báo đèn đỏ trong thời gian 1 đêm dẫn đến hư hỏng và chập cháy thiết bị...

Chủ động phòng ngừa

Nhiều vụ cháy xảy ra vào mùa nồm, ẩm ướt do thiết bị sấy quần áo, máy hút ẩm sử dụng không đúng cách. Nhiều người hay phụ thuộc và tin vào máy móc, thiết bị tự động, nhưng do sử dụng sai cách như để máy chạy quá lâu, dẫn đến quá tải hoặc để các chất liệu chăn, vải bông sợi gần máy dẫn đến khi máy chạy quá tải sinh nóng, chập cháy thành hỏa hoạn.

Để hạn chế cháy, nổ khi sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt là máy sấy, máy hút ẩm trong mùa nồm, ẩm, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân: Cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh máy sấy quần áo. Nếu thấy bụi bẩn tích tụ quá nhiều, hãy dùng bàn chải mềm để làm sạch bẫy lọc. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra các bộ phận của máy sấy như ống thông gió, bộ lọc và cửa máy để đảm bảo chúng không bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng.

Không nên sấy quần áo khi còn đang đọng nước với loại máy sấy bằng thiết bị sợi đốt, thổi hơi nóng từ dưới thốc lên. Đối với các loại máy sấy chuyên dụng thì không sao, nhưng với các loại tủ sấy thì sẽ rất nguy hiểm bởi quạt sấy được đặt ngay bên dưới giá treo quần áo. Khi nước nhỏ giọt xuống sẽ khiến quạt sấy rò rỉ điện ra bên ngoài và có thể khiến người chạm phải bị điện giật, hoặc gây chập điện...

Không nên sấy quần áo khi dính các vết dầu, mỡ, keo bởi các chất này nếu còn dính trên quần áo thì khi sấy sẽ bị chảy ra, khiến quần áo loang lổ dầu mỡ, gây hỏng; thậm chí đây còn có thể là tác nhân gây cháy (nên kiểm tra kỹ quần áo trước khi cho vào máy sấy). Tránh đặt máy sấy ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm, ban công nhà, khi có mưa sẽ dễ khiến thiết bị này bị hỏng, chập điện do nước ngấm vào, đặc biệt sẽ rất nguy hiểm nếu điện bị rò rỉ theo nguồn nước. Thời tiết ẩm thấp có thể làm ngưng tụ nước tại các bản mạch, thậm chí ẩm ướt lâu ngày có thể tạo giọt chảy vào các ổ điện gây giật, hoặc chập cháy bất cứ lúc nào, do vậy cần thường xuyên kiểm tra thiết bị điện như: bình nóng lạnh, tủ lạnh, bếp từ…

Việc lựa chọn máy sấy quần áo chất lượng an toàn là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho gia đình và tài sản. Máy sấy quần áo chất lượng không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ mà còn tiết kiệm chi phí sửa chữa và thay thế do hư hỏng. Vì vậy, khi mua máy sấy quần áo, nên chọn những sản phẩm của những hãng uy tín, có bảo hành và bán ở các trung tâm, siêu thị lớn. Để đảm bảo an toàn, người dân nên kiểm tra thiết bị kỹ càng trước khi sử dụng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và tuân thủ các chỉ dẫn về cách sử dụng máy sấy quần áo an toàn.

Chu Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/troi-nom-canh-bao-nguy-co-chay-no-khi-su-dung-thiet-bi-dien-post604221.antd