Trời nóng, dễ viêm nang lông

Viêm nang lông nhiễm khuẩn là viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị viêm.

Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Trong thời tiết nóng nực của mùa hè, da luôn bị ẩm và điều kiện vệ sinh không sạch sẽ là những điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nang lông gia tăng.

Viêm nang lông do đâu?

Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm men, nấm sợi, nhiễm virut herpes, u mềm lây và ký sinh trùng demodex. Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm và các tác nhân gây viêm:

Viêm nang lông vùng mặt thường do tụ cầu, trứng cá bội nhiễm hoặc viêm nang lông do vi khuẩn gram âm, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.

Viêm nang lông sâu do tụ cầu trùng vàng (Staphylococcus aureus) gây viêm chân tóc, lông, đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi trùng gram âm. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Tình trạng viêm có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp-xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt. Một số vùng hay bị viêm như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm virus Herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn giống trứng cá đỏ. Các chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết trợt và đóng vẩy tiết. Viêm nang lông ở chân hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân....

Ngoài ra, không thể bỏ qua các yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông như: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da khiến da dễ viêm. Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục - hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển.

Viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát

Bệnh viêm nang lông có biểu hiện bằng tổn thương da với những nốt sần nổi lên từ các nang lông, lúc đầu có màu đỏ hồng sau chuyển sang màu thâm đen biểu hiện của viêm nang lông là các sẩn, mụn mủ, các vết trợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm khuẩn thường xuất hiện mụn nhỏ, nổi mụn đầu trắng khoảng một hoặc nhiều nang lông - các túi nhỏ từ mỗi sợi tóc mọc. Các triệu chứng thường gặp của viêm nang lông thường là: ngứa tại vùng da bị viêm; sau đó vùng da viêm sần sùi nổi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong gây ngứa ở vùng nang lông. Những nốt đỏ mọc quanh vùng bị viêm, nó không lớn lắm nhưng dày đặc gây thiếu thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt. Sau khi những nốt đỏ được hình thành và gây ngứa. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, thường gặp do viêm chân tóc. Viêm nang lông - viêm lỗ chân lông sẽ chuyển qua mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thì thấy đau và nhức, sau đó các mụn nước vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Khi nang lông bị áp-xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, ổ gà hoặc viêm mô dưới da.

Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm nang lông không khó điều trị, điều quan trọng là người bệnh phải đi khám, làm các xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị phù hợp.

Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bỏ thuốc giữa chừng dùng không hết một liệu trình, khiến bệnh trở nên dai dẳng khó chữa trị dứt điểm.

Người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo hoặc đắp các loại thuốc lá lên tổn thương khiến tổn thương lan rộng và bệnh càng nặng hơn.

BS. Lê Văn Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/troi-nong-de-viem-nang-long-n174334.html