Trời trở lạnh: Mẹo hay để phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Trời trở lạnh là thời điểm cần thận trọng cho tim. Bên cạnh cảm cúm, thời tiết lạnh còn mang đến một số mối đe dọa tiềm ẩn đối với bệnh nhân tim, thậm chí có thể gây tử vong.

Trời trở lạnh là thời điểm cần thận trọng cho tim. Ảnh: Pexels

Trời trở lạnh là thời điểm cần thận trọng cho tim. Ảnh: Pexels

Khi nhiệt độ giảm, chú ý chăm sóc tim nhiều hơn là rất quan trọng. Thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ cho những người mắc bệnh tim, gây thêm căng thẳng cho hệ thống tim mạch.

Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đau tim có thể tăng tới 53% vào mùa đông so với mùa hè, theo tờ Times Of India.

Cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh tim đều cần hiểu ảnh hưởng của trời lạnh đến tim và các bước cần làm để ngăn ngừa các biến cố tim mạch.

Tại sao các cơn đau tim xảy ra vào mùa đông?

Các cơn đau tim có nhiều khả năng xảy ra vào mùa đông. Nhiệt độ thấp hơn có thể gây thêm áp lực lên thành tim và làm giảm lưu lượng máu đến các động mạch cung cấp máu cho tim.

Nguyên nhân là do một số yếu tố sau:

Thời tiết lạnh: Nhiệt độ lạnh khiến các mạch máu co lại, làm tăng huyết áp và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến hình thành cục máu đông và làm tăng nguy cơ đau tim, đặc biệt là đối với người đang có bệnh tim.

Giảm hoạt động thể chất: Mọi người có xu hướng ít tập thể dục hơn vào mùa đông, điều này có thể dẫn đến tăng cân, huyết áp cao và cholesterol cao.

Nhiễm trùng đường hô hấp: Mùa cúm và thời tiết lạnh có thể gây căng thẳng cho tim, đặc biệt là đối với những người đang hồi phục sau cơn đau tim.

Làm gì để ngăn ngừa đau tim khi trời lạnh?

Để ngăn ngừa đau tim khi trời trở lạnh, hãy tập trung mặc ấm nhiều lớp, vận động với các bài tập vừa phải trong nhà, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, hạn chế tiếp xúc với thời tiết lạnh giá và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có cảm thấy lo lắng, đặc biệt là người đã mắc bệnh tim từ trước.

Giữ ấm: Giữ nhiệt độ trong nhà ít nhất là 18°C, cũng có thể sử dụng bình nước nóng hoặc chăn điện. Mặc nhiều lớp quần áo, đội mũ, khăn quàng cổ và găng tay khi ở trong nhà cũng như khi ra ngoài. Tránh tiếp xúc lâu với thời tiết lạnh. Trước khi ra ngoài trời lạnh, hãy làm ấm cơ bằng các hoạt động nhẹ.

Duy trì hoạt động: Vận động thường xuyên hơn. Có thể thử các bài tập trong nhà. Vận động thường xuyên giúp giảm cân và kiểm soát bệnh tim, đột quỵ, huyết áp và tiểu đường.

Ăn uống lành mạnh: Ăn chế độ ăn cân bằng với nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm béo như đồ chiên, xúc xích, bánh ngọt làm tăng nhanh mức cholesterol xấu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Điều quan trọng là nhớ uống đủ nước để ngăn ngừa mất nước, ngay cả trong thời tiết lạnh. Tránh ăn những bữa ăn lớn trước khi ra ngoài vì có thể gây thêm căng thẳng cho tim trong thời tiết lạnh.

Kiểm soát căng thẳng: Thời gian cuối năm công việc bận rộn dễ gây căng thẳng. Điều này có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, có thể dẫn đến huyết áp cao hơn và làm giảm cholesterol tốt.

Theo dõi các triệu chứng: Chú ý đến cơn đau ngực, khó chịu hoặc khó thở và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào.

Tham khảo ý kiến bác sĩ: Người có bệnh tim hãy trao đổi với bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đặc biệt, người bệnh tim hoặc huyết áp cao cần chú trọng hơn việc điều trị bệnh và duy trì các thói quen tốt cho tim.

Tất nhiên, nên hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá, theo Times Of India.

NGUYỄN LAN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202411/troi-tro-lanh-meo-hay-de-phong-ngua-nhoi-mau-co-tim-cb80729/