Trộm cắp điện là hành vi vi phạm pháp luật
Hành vi trộm cắp điện không chỉ làm tăng tổn thất, thất thoát sản lượng điện năng cho ngành điện mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, nhiều người chỉ vì hám lợi trước mắt mà không lường trước được những tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, chập điện, dẫn đến cháy, nổ, nguy hiểm cho cộng đồng...
Công nhân Điện lực Ngọc Lặc kiểm tra lưới điện, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Việt Hương
7 tháng năm 2019, Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát mua bán điện đạt nhiều hiệu quả. Toàn công ty đã kiểm tra và phúc tra trên 400.000 lượt các loại, trong đó chủ yếu là phúc tra, kiểm tra chỉ số công tơ khách hàng sử dụng điện tăng trong các tháng mùa hè. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý, truy thu, yêu cầu bồi thường 4,03 triệu kWh. Trong đó, có 56 vụ trộm cắp điện, sản lượng điện năng tính toán bồi thường thiệt hại là 142.103 kWh, tương ứng số tiền 409 triệu đồng. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy tình trạng trộm cắp điện trên địa bàn tỉnh đã giảm so với những năm trước đây (giảm 25 vụ so với cùng kỳ năm 2018), không còn trộm cắp điện có tổ chức, nhưng các vụ trộm cắp điện nhỏ lẻ, rơi vào nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn còn rải rác ở các địa phương. Một số địa phương có số vụ trộm cắp điện bị phát hiện nhiều, như: Tĩnh Gia (12 vụ); Nga Sơn (9 vụ); Nông Cống (6 vụ); Quảng Xương (5 vụ); Hà Trung (4 vụ)...
Vậy câu hỏi đặt ra là chế tài nào để có thể giải quyết triệt để tình trạng trộm cắp điện? Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, đối với mỗi vụ việc trộm cắp điện, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện năng bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, bên vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại khoản 9, Điều 12, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức. Cụ thể áp dụng mức phạt nhẹ nhất là 2-5 triệu đồng khi lượng điện mất cắp dưới 1.000 kWh và nặng nhất sẽ phạt từ 45-50 triệu đồng nếu trộm từ 18.000 đến dưới 20.000 kWh. Đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên, cơ quan quản lý được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù quy định là vậy, thế nhưng ý thức về sử dụng điện của một số người dân vẫn chưa cao, nhiều người vẫn lợi dụng sơ hở, cố tình thực hiện hành vi trộm cắp điện. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện của chính quyền một số địa phương vẫn còn “xem nhẹ”, “nhân nhượng”... Đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên, để xử lý hình sự cũng rất khó khăn, nhất là trong khâu giám định, xác định thời gian, số lượng điện năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có 1 vụ việc trộm cắp điện bị xử lý hình sự.
Trước những thủ đoạn vi phạm trong sử dụng điện ngày càng tinh vi, phức tạp, thời gian qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm. Giải pháp hiệu quả mà công ty áp dụng là sử dụng công nghệ mới, lắp đặt hàng loạt các bộ đo đếm thông minh có các cảnh báo bất thường khi sử dụng điện; lắp đặt các bộ RF, ARM, AMISS quản lý đo đếm từ xa; đưa vào vận hành CMIS3.0, kịp thời cô lập khu vực tổn thất điện năng cao để phân tích danh sách khách hàng sử dụng điện có vấn đề và sử dụng thiết bị Pulsar VN-PR03S đo dòng so lệch mà không cần phải trèo lên cột kiểm tra... Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, công ty đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền, kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý nghiêm vi phạm sử dụng điện, công khai kịp thời các vụ việc vi phạm tại cơ sở, cũng như khuyến khích người dân cùng tham gia cung cấp thông tin, tố giác tội phạm liên quan đến trộm cắp điện.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện, thì quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân trong quá trình sử dụng điện bởi trộm cắp điện là hành vi gian dối, vi phạm pháp luật cần phải được xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự công bằng trong sử dụng điện.