Tròn 1/4 thế kỷ và sự thật đằng sau cú cắn tai kinh điển của Mike Tyson với Holyfield
Ngày 28/6/1997 đã đi vào lịch sử quyền Anh cũng như thể thao toàn cầu. Hôm đó tại Las Vegas, tay đấm đáng sợ nhất thế kỷ 20 Mike Tyson khiến cả thế giới rúng động khi cắn nát tai Evander Holyfield. Sau 1/4 thế kỷ, câu hỏi vẫn còn đó, tại sao anh ta làm vậy?
“Tôi đã cắn Evander Holyfield. Đó là đêm tồi tệ nhất đời tôi và tôi có mặt ở đây để gửi lời xin lỗi tới tất cả. Tôi đã sợ bị thua. Và hành động điên rồ ấy được thực hiện vì tôi không có cách nào khác để giành chiến thắng”, Mike Tyson nói trong buổi họp báo tại MGM Grand, 2 ngày sau khi thực hiện màn cắn tai khét tiếng.
Tuy nhiên, như chính Mike Thép thừa nhận trong cuốn tự truyện, những lời đó được người khác viết ra và anh chỉ đọc như một cái máy, thậm chí cảm thấy ngượng mồm khi từng chữ phát ra. Nói một cách thành thực, sự dằn vặt đôi khi lướt qua tâm trí Tyson. Nhưng ngay lập tức, bản thân anh lại tự hỏi tại sao phải ân hận khi đó chính là bản chất con người anh.
Trong một thời gian dài không ai có thể đánh bại Tyson. Đơn giản anh là quái vật bất khả chiến bại. Những cú đấm, đặc biệt là cú đấm móc, được thực hiện với tốc độ cực nhanh và có sức công phá hơn bom tạ. Khi trở thành nhà vô địch hạng nặng đầu tiên nắm giữ đồng thời cả ba đai WBA, WBC và IBF (anh là người duy nhất thống nhất chúng cho đến nay), Mike Thép đã thắng tất cả 37 trận đấu chuyên nghiệp của mình với tỷ lệ knock-out trực tiếp là 89%.
Nhưng rồi Tyson vật lộn với cơn nghiện ma túy, chứng trầm cảm và phải ngồi tù vì không thể kiểm soát bản thân. Niềm đam mê quyền Anh vẫn còn nhưng không quá nhiều và các thất bại trên sàn đấu dần xuất hiện. Trong nỗ lực tuyệt vọng để trở lại đỉnh cao, Tyson thượng đài với Holyfield. Anh thất bại trong trận đấu năm 1996 và 1 năm sau, quyết định tái chiến vì cay cú với những cú húc đầu của đối thủ.
Ngày 28/06/1997 định mệnh, cả hai thượng đài ở MGM Grand, Las Vegas. Tyson khởi đầu khá ổn, nhưng chẳng bao lâu sau anh nhận ra những cú húc đầu là chiến thuật của Holyfield. Một trong những lần như thế, Tyson bị rách ở mắt. Sau này Holyfield tiết lộ đã làm theo lời khuyên của mẹ. Bà không thích đấm bốc nhưng biết nhìn người, vì vậy đã nói với con trai rằng Tyson thuộc mẫu người không chịu được áp lực, dễ hoảng loạn và sụp đổ.
Bà đã đúng. Vết thương khiến Tyson mất dần lí trí còn những cú thiết đầu công làm cơn giận dữ trong anh bùng nổ. Ý định cắn đứt tai Holyfield được hình thành. Và Tyson đã làm. Lần đầu anh bị trừ 2 điểm. Ở lần thứ hai, anh dùng răng dứt ra một miếng thịt và phun xuống đất. Holyfield được xử thắng cuộc, nhận đai vô địch WBC cùng số tiền thưởng 35 triệu USD.
Tyson sinh ra trong một gia đình tan vỡ, lớn lên trong một môi trường độc hại. Trong ngôi nhà không có nước và lò sưởi là những cuộc cãi lộn, ẩu đả không ngừng giữa mẹ anh và tình nhân. Bước ra ngoài, bủa vây anh là tội phạm, ma túy cùng những cuộc truy đuổi bằng súng trường M1 ở Brownsville, Brooklyn.
Tất cả định hình nên một Mike Thép nổi loạn, bản năng và bất tuân luật lệ. Nó khiến anh trở thành chiến binh mạnh mẽ trên sàn đấu, nhưng cũng đưa anh xuống bùn đen, nếm trải sự cay đắng của thất bại, nghiện ngập và nợ nần. Kết luận cuộc đời mình, Tyson nói rằng “Tôi đã đến, đã chinh phục, rồi bị chinh phục, bị ném trả lại điểm xuất phát”.
Điều ngạc nhiên là Holyfield, nạn nhân của anh trong đêm nguyền rủa ngày 28/06/1997 cũng chẳng khá hơn. Holyfield đã đánh mất toàn bộ tài sản khổng lồ vào sòng bạc, thói quen mua sắm xa hoa và các phi vụ đầu tư thất bại. Để trang trải nợ nần ông phải rao bán cả những giải thưởng, đai vô địch và nhẫn kỷ niệm, sau đó tiếc rẻ ngày ấy không giữ lại mẩu tai bị Tyson cắt đứt, bởi nếu mang bán đấu giá nó sẽ thu lại khá nhiều tiền.