Trọn đời bám biển: Đạp sóng Hoàng Sa, Trường Sa

Nhiều đời cha truyền con nối, những sói biển ở miền Trung đạp sóng vươn khơi bám biển, cùng giúp nhau làm giàu, giữ ngư trường

Gia đình ngư dân Mai Thành Phúc (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) từ đời ông nội đến nay hơn 100 năm bám biển mưu sinh, trải qua bao nhiêu thăng trầm. Đến nay, 3 người con trai của ông nối nghiệp, sống chết với nghề biển.

Vẫy vùng Trường Sa Lớn

Lão ngư Mai Thành Phúc năm nay 66 tuổi, chủ nhân 2 chiếc tàu cá công suất lớn, hiện là Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng. Nói về nghề biển hầu như ai cũng biết tiếng ông, người từng là ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa Lớn.

Ông Phúc vẫn nhớ như in hình ảnh thời thơ ấu, ông nội và cha ra biển đánh cá bằng thuyền nan. Mỗi chuyến thường có chục ngư dân, đi vào ban đêm, đến sáng mai về thì đầy ắp cá. "Sau khi ông nội già yếu, ba tôi vẫn đi biển. Năm 13 tuổi, tranh thủ những lúc nghỉ học, tôi xin cha đi theo. Thời đó, mỗi lần được đi biển là tôi phấn khích vô cùng. Mãi đến năm 17 tuổi, tôi trở thành ngư dân, quen đường đi lối về trên biển" - ông Phúc nhớ lại.

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Sương cập cảng Thọ Quang đầy ắp cá Ảnh: BÍCH VÂN

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Sương cập cảng Thọ Quang đầy ắp cá Ảnh: BÍCH VÂN

Sau hơn 10 năm đi biển, đến năm 1992, gia đình ông đóng tàu mới, ra tận Trường Sa câu cá ngừ đại dương chứ không còn đánh bắt gần bờ như trước. Lúc đó, tàu không có định vị vệ tinh hay điện đàm gì cả, tất thảy dựa vào kinh nghiệm của thuyền trưởng.

"Chúng tôi chỉ có 1 chiếc la bàn và nhìn sao trời, canh mực nước để về lại bờ. Từ Nha Trang, tôi cho tàu đi 3 ngày 3 đêm thì đến được phía Đông của Trường Sa. Có lúc thiếu nước mà không có cá, ghé vào các đảo ở Trường Sa, tôi được các chú bộ đội hải quân chỉ cho chỗ nhiều cá. Các anh lật bản đồ ra, rồi chỉ chạy theo hướng Đông Bắc khoảng 1 ngày 1 đêm... Tôi chạy đúng như lời chỉ, thả câu thì mỗi lưỡi câu là 1 con cá. Tàu đầy khoang chỉ trong 1 đêm là quay về. Khi về cũng phải canh con nước và nhìn sao trời để khỏi chạy lệch chứ nếu không, tàu trôi theo hải lưu lên tận phía Bắc" - ông Phúc hào hứng kể.

Trong cuộc đời của mình, ông Phúc nhớ nhất là chuyến biển gặp bão lớn năm 2006. "Lúc đó, tàu đang neo ở khu vực Trường Sa Lớn thì gặp bão. Sóng chồm lên đánh phủ qua mạn tàu. Gần như mọi người tuyệt vọng, cứ nghĩ con tàu sẽ bị cơn bão nuốt chửng. Tôi yêu cầu thuyền viên bung buồm rồi dùng dây neo, dây câu cột các thùng phuy bơm đầy nước treo trước mũi tàu để ghì mũi tàu xuống; đổ các can dầu xuống biển để dầu loang mặt nước ép sóng. Máy trưởng phải mở hết công suất để bơm nước ra khỏi tàu. Còn tôi lên boong tàu, mở hết tốc lực nhằm thẳng ngọn sóng mà đạp ga. Chỉ có đối diện với sóng, để mũi tàu đạp lên sóng thì mới mong sống sót. Nếu khi đó để mũi tàu chếch ngang, lập tức cả con tàu sẽ bị sóng phủ chìm ngay"- ông Phúc nhớ lại.

Hai anh em Nguyễn Đông và Nguyễn Sương (bìa phải) Ảnh: BÍCH VÂN

Hai anh em Nguyễn Đông và Nguyễn Sương (bìa phải) Ảnh: BÍCH VÂN

Cũng sau chuyến biển đó, vì tuổi cao, ông Phúc không còn ra khơi nữa. Gần 35 năm kinh nghiệm đi biển, ông truyền dạy lại cho các con. Theo cha đi biển từ nhỏ, 3 người con trai của ông là Mai Thành Nam, Mai Thành Đông, Mai Thành Đức, cùng con rể Phạm Thu hiện nay đều là thuyền trưởng, máy trưởng.

Anh Mai Thành Đông nói rằng cũng như cha, từ năm 17 tuổi, anh được ông cho làm thuyền viên rong ruổi khắp Trường Sa Lớn. "Tài sản lớn nhất mà cha để lại là kinh nghiệm nghề biển. Đến nay, sau hơn 20 năm theo nghề, tôi là thuyền trưởng tàu cá KH99146 - chuyên nghề cá ngừ đại dương. Em trai Mai Thành Đức là máy trưởng. Anh rể Phạm Thu là thuyền trưởng tàu KH98246. Anh cả Mai Thành Nam từng là thuyền trưởng tàu KH96633, giờ cũng vẫn đạp sóng ra Trường Sa" - anh Đông khoe.

Nối nghiệp cha, bám Hoàng Sa

Ở cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) có 3 anh em sở hữu gần chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ được nhiều người biết đến. Đó là các ngư dân Nguyễn Công (50 tuổi), Nguyễn Đông (42 tuổi) và Nguyễn Sương (40 tuổi).

Sinh ra ở vùng biển Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), nơi đời ông, đời cha mưu sinh bằng nghề biển, năm 2009, 3 anh em ruột Nguyễn Công, Nguyễn Đông và Nguyễn Sương ra cảng cá Thọ Quang lập nghiệp với quyết tâm xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ.

Trong 3 anh em, Nguyễn Sương là người "máu" nhất. Dốc hết vốn liếng dành dụm sau khi lập gia đình, anh Sương đóng con tàu đầu tiên. Từ năm 2014, anh Sương lần lượt đóng mới 3 con tàu ĐNa 90603 TS, ĐNa 90604 TS và ĐNa 90767; trong đó, tàu ĐNa 90767 là tàu vỏ thép. Đội tàu này đều có công suất hơn 1.000 CV, đánh bắt ở 2 ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa.

Kể về quá trình đóng mới các con tàu, anh Sương nhớ mãi những ngày đóng con tàu vỏ thép ĐNa 90767. Đây là con tàu được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, hạ thủy vào tháng 5-2016. Con tàu có tổng mức đầu tư 17,5 tỉ đồng, trong đó, anh Sương được ngân hàng cho vay 16,5 tỉ đồng.

Ông Mai Thành Phúc kể lại hành trình gần 35 năm đi biển Ảnh: KỲ NAM

Ông Mai Thành Phúc kể lại hành trình gần 35 năm đi biển Ảnh: KỲ NAM

Điểm khác biệt ở con tàu này là do tự tay anh Sương thiết kế chứ không theo mẫu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. "Từ kinh nghiệm đi biển lâu năm, tôi đã đóng được con tàu hoàn toàn từ ý tưởng của mình. Nó hơn hẳn các con tàu khác, máy rất êm, không rung lắc, khả năng chịu sóng rất cao, nguy cơ bị phá nước thấp" - anh Sương nói.

Trong khi đó, 2 người anh Nguyễn Công và Nguyễn Đông cũng hùn hạp, đóng được 4 chiếc tàu công suất lớn. Hiện nay, đội tàu ngàn mã lực của 3 anh em vẫy vùng khắp các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi tàu sử dụng 12 thuyền viên, phần lớn là ngư dân ở quê nhà Quảng Ngãi.

Gặp chúng tôi tại cảng cá Thọ Quang, 2 ngư dân Nguyễn Đông và Nguyễn Sương nói rằng những gì họ gầy dựng được là nhờ tiếp nối từ truyền thống gia đình.

Cha của 3 ngư dân là ông Nguyễn Tự - nay đã hơn 90 tuổi, sống ở quê nhà Quảng Ngãi. Nhắc về cha, 3 ngư dân đều rất tự hào khi nói cha mình là lão ngư dày dạn kinh nghiệm nhất nhì vùng biển Nghĩa Phú. Ông Tự cũng như các con ông bây giờ, được học nghề biển từ cha mình. Em trai ông Tự là ông Nguyễn Mười cũng được cha truyền nghề từ nhỏ, hiện là chủ đội tàu hàng chục chiếc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Cho đến tận bây giờ, dù có hơn 20 năm đi biển, có tàu lớn, hiện đại nhưng chúng tôi không thể nào sánh bằng cha về kinh nghiệm đánh bắt. Ông còn dạy chúng tôi phải chí thú làm ăn, muốn làm giàu phải ra biển lớn. Ngoài ra, phải giúp người dân thoát nghèo, hỗ trợ nhau bảo vệ ngư trường" - anh Nguyễn Sương bộc bạch.

Hợp sức, đoàn kết trên biển

Ngư dân Nguyễn Đông nói hiện nay nhờ tàu trang bị nhiều thiết bị hiện đại, phương tiện liên lạc tốt hơn nên ngư dân không còn lo nhiều mỗi khi gặp bão như trước. Nhưng thay vào đó là mối lo xung đột trên biển, nhất là trước sự gây hấn từ phía tàu Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. "Những vụ việc va chạm trên biển, tàu bị đâm chìm gây thiệt hại rất nhiều cho ngư dân. Chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, hợp sức, đoàn kết mỗi khi ra biển. Biển của mình thì mình đánh bắt, không bao giờ sờn lòng nản chí" - anh Đông khẳng định.

Kỳ tới: Tay trắng làm nên cơ nghiệp

KỲ NAM - BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tron-doi-bam-bien-dap-song-hoang-sa-truong-sa-20200527220719979.htm