Trọn đời gắn bó với thanh niên xung phong

Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Tuy Hòa Hồ Thị Hồng Cửu trao đổi công việc hội với cấp phó của mình. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Đó là bà Hồ Thị Hồng Cửu, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) TP Tuy Hòa. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà không lùi bước trước khó khăn gian khổ, dũng cảm, kiên cường, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Khi về hưu, bà tình nguyện xung phong trong các hoạt động xã hội và tiếp tục gắn bó với Hội Cựu TNXP.

Chúng tôi đến Văn phòng Hội Cựu TNXP TP Tuy Hòa và có dịp trò chuyện với bà Cửu. Ở nơi đây, hàng ngày bà được gặp gỡ, giúp đỡ những đồng đội đã cùng tham gia tải đạn, tải lương, mở đường… phục vụ bộ đội chiến đấu năm nào, nhất là về các chế độ, chính sách. Dẫu trải qua bao hy sinh, thiệt thòi nhưng bà vẫn thấy lòng thanh thản, bởi quê hương ngày một phát triển, nhà nhà đầm ấm, yên vui.

Tuổi xuân xung phong ra chiến trường

Hồ Thị Hồng Cửu sinh ra và lớn lên ở thôn Long Uyên (xã An Dân, huyện Tuy An) giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt. Mỗi ngày nhìn thấy địch đốt phá xóm làng, đánh đập, bắt bớ người dân vô tội, Hồng Cửu vô cùng đau lòng, nhất là khi tận mắt chứng kiến nhà của mình bị địch đốt cháy rồi bắt người cha thân yêu nhốt vào nhà lao. Lòng căm thù giặc lớn dần theo thời gian, khi bước vào tuổi 15, cô thiếu nữ tên Cửu đã viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến trường. Cô là đội viên Đội TNXP cánh bắc đứng chân ở Hà Đan, huyện Tây Sơn cũ (nay là huyện Sơn Hòa).

Nhiệm vụ chính là tham gia vận chuyển vũ khí từ địa bàn K9 (Gia Lai) xuống đơn vị, sau đó có bộ phận khác vận chuyển xuống căn cứ ở suối Ché, Sơn Hòa. Nhanh nhẹn, nhiệt tình trong công việc, sống rất tình cảm nên Hồ Thị Hồng Cửu được đơn vị tín nhiệm cử làm A trưởng A1 phụ trách vận chuyển đạn, lương thực trên địa bàn Tuy An. Nhớ về một thời đội mưa bom, bão đạn phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cựu TNXP Hồ Thị Hồng Cửu rơm rớm nước mắt khi nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường.

Bà kể: Năm 1971, đoàn có 15 người (gồm đơn vị Lò Rèn thuộc ngành GT-VT tỉnh, đơn vị TNXP cánh bắc và đơn vị TNXP cánh nam) cùng vận chuyển vũ khí xuống xã An Nghiệp (Tuy An). Sau đó, đoàn tiếp tục mang lương thực về đơn vị nhưng mới đến đoạn suối Trực (xã Sơn Định, Sơn Hòa), địch phát hiện thả bom xăng nên cả đoàn bỏ hàng bên ngoài dưới bóng cây, phân tán núp ven khe suối. Đến khi địch ngừng thả bom thì hàng đã cháy hết nhưng rất may không ai bị thương. Đơn vị TNXP cánh nam đi phía sau cũng bị địch phát hiện bắn mìn mo ở đoạn Gò Rộng, Thì Thùng làm 1 người hy sinh, 2 người bị địch bắt.

Cuối năm 1971, 2 đơn vị TNXP cánh bắc và cánh nam sáp nhập, bà Cửu làm A trưởng A3 phụ trách vận chuyển vũ khí từ suối Ché xuống địa bàn các xã Hòa Quang, Hòa Định, Hòa Thắng (Tuy Hòa 2). Sau đó, bà cùng đoàn xuống xã Hòa Quang mang lương thực về nhập kho lương thực tỉnh đặt ở suối Ché. “Đơn vị chúng tôi thời đó đa phần là những cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi chưa lập gia đình, cũng chưa có người yêu. Khó khăn gian khổ, nhưng lúc nào chúng tôi cũng hồn nhiên, trong trẻo, vui cười xua tan mọi mệt mỏi, động viên nhau, xoa dịu những nỗi đau vì bom đạn”, bà Cửu tâm sự.

Năm 1972, bà Cửu được điều động phụ trách việc cung cấp ở đơn vị thu mua xe thồ, bao tải… nằm ở các cửa khẩu Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Quang, An Chấn, An Nghiệp, An Định phục vụ cho ngành GT-VT của tỉnh. Bà Cửu nhớ lại: Tháng 9/1972, tôi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ lên đường đi thu mua và vận chuyển lương thực trên địa bàn Hòa Thắng. Lúc trở xuống, tôi cùng với đồng chí trinh sát đi trước đến cánh đồng thôn Mỹ Hòa thì bị địch phục kích. Chị Năm (quê Đồng Xuân) hy sinh.

Hôm sau, địch kéo xác của chị vào làng bêu xấu cách mạng. Lúc đó, tôi bị sức ép của mìn mo hất văng ra xa. Khi tỉnh lại hai tai vẫn còn ù ù, tôi ráng về đến đơn vị khám, điều trị. Hôm sau, tôi cùng đơn vị tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Mỗi lần tai ù lên thì dừng lại lấy bông, thuốc rửa vết thương. Cứ như vậy kéo dài 2 tháng trời mới khỏi…

Một trong những lần thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến trường mà bà Cửu còn nhớ như in, đó là vào năm 1973. Đoàn có 8 người đang mang hàng từ Hòa Quang lên đến cầu Bảy Bổ thì bị địch phục kích. Nhiều người định để hàng lại rồi phân tán ra núp, nhưng bà Cửu quyết định giữ hàng. Bà động viên đồng đội còn sống thì cố giữ, đưa hàng về vì bộ đội đang rất cần. Cuối cùng cả đoàn rút về đơn vị an toàn. “Tối hôm ấy, các anh phát hiện túi xách tôi đang mang bên hông bị thủng. Khi mở túi ra thì thấy một cuốn sổ kẹp cây viết bị cắt đôi, ai cũng giật mình. Nhờ cuốn sổ và cây viết đó mà tôi không bị thương”, bà Cửu kể. Sau chuyến công tác này, bà Cửu được tặng giấy khen đột xuất “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bám khẩu”.

Ngày 1/4/1974, bà Cửu được điều sang Trung đội 2 A20 Ban Chi viện tiền phương tỉnh Phú Yên với chức danh Trung đội phó, làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa tuyến đường 14 để chuyển sang giao cho Đội 3 TNXP đưa về căn cứ. Tháng 2/1975, bà cùng đơn vị đi mở đường ngầm Sông Năng, Sông Hinh phục vụ đoàn xe vận chuyển hàng chi viện về Phú Yên. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến tháng 6/1975, Đội 2 TNXP mới về lại Phú Yên, bà có quyết định đi học bổ túc văn hóa ở Trường Nông - Lâm - Súc (Hòa Thắng), sau đó chuyển về học bổ túc văn hóa ở Trường Công - Nông ở Đông Tác. Tháng 5/1979, sau khi học xong lớp trung cấp chính trị tại Nha Trang, bà được bố trí làm công tác tổ chức tại Xí nghiệp Xe khách Nha Trang, rồi Phó phòng phụ trách Lao động tiền lương Xí nghiệp Vận tải ô tô Bắc Phú Khánh cho đến tháng 3/1991, về làm cán bộ tư pháp Trung tâm Đăng kiểm Phú Yên. Năm 2008, bà nghỉ hưu.

Sẻ chia cùng đồng đội

Trở về với cuộc sống đời thường, bà Cửu được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 3, phường 2, TP Tuy Hòa. Sau một nhiệm kỳ, bà xin nghỉ để tập trung cho công tác Hội Cựu TNXP cho đến nay. Bà Cửu chia sẻ: “Tôi thấy mình là người rất may mắn so với biết bao đồng đội khác đã hy sinh xương máu, bỏ lại tính mạng nơi chiến trường. Tôi không có gia đình con cái và vẫn còn sức khỏe nên muốn dành hết phần đời còn lại để chia sẻ niềm vui lẫn khó khăn với đồng đội”.

Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Tuy Hòa, bà Cửu luôn mong muốn tạo sự liên kết chặt chẽ với những đồng đội năm xưa, cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Hiện Hội Cựu TNXP TP Tuy Hòa có 238 hội viên. Thời gian qua, Hội Cựu TNXP thành phố phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, vận động nhiều nguồn từ các nhà hảo tâm, đoàn thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ họ vươn lên, ổn định cuộc sống. Vào những dịp lễ lớn, anh chị em cựu TNXP gặp mặt ôn lại truyền thống để nhớ về một thời gian lao mà anh dũng.

Dù sống một mình, lại mang bệnh tật do di chứng chiến tranh để lại nhưng bà Cửu vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Bà chăm chỉ làm việc, hăng hái giúp đỡ các đồng đội còn khó khăn với một suy nghĩ rất giản đơn: “Mình có cuộc sống ổn định, có thời gian thì phải cống hiến cho xã hội, giúp đỡ bạn bè. Trong chiến tranh hoạn nạn có nhau, trong đời thường càng phải sát cánh bên nhau để sống tốt”.

Nhìn bà bận rộn với biết bao công việc riêng - chung, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh cô TNXP trẻ trung, tháo vát ngày nào.

Bà Hồ Thị Hồng Cửu là cựu TNXP tham gia vận tải phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Phú Yên. Khi hòa bình, bà tiếp tục cống hiến và luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc trong công tác. Đến bây giờ, tuy tuổi đã cao nhưng bà Cửu vẫn năng nổ, nhiệt tình trong công tác. Chúng tôi đánh giá cao những hoạt động của Hội Cựu TNXP TP Tuy Hòa cũng như những đóng góp của bà Cửu với vai trò Chủ tịch hội.

Ông Cao Văn Thử, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Phú Yên

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/247981/tron-doi-gan-bo-voi-thanh-nien-xung-phong.html