Tròn một năm chiến sự, kinh tế Nga 'gồng mình' trước nhiều đòn trừng phạt

Những ngày 'kịch tính' hậu chiến sự, nền kinh tế Nga đã bị xáo trộn nghiêm trọng. Liệu năm 2023, 'pháo đài' kinh tế của nước này có phát triển thần tốc?

Các đồng minh phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với hệ thống tài chính của Nga. Đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ, Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất gấp đôi và sàn giao dịch chứng khoán Moscow đóng cửa trong vài ngày hậu xung đột nổ ra.

 Nguồn thu từ dầu mỏ đã cứu nền kinh tế Nga vào năm 2022. Ảnh: DW.

Nguồn thu từ dầu mỏ đã cứu nền kinh tế Nga vào năm 2022. Ảnh: DW.

Kinh tế Nga “gồng mình” giữa “bão” trừng phạt

Vài tuần sau khi lệnh trừng phạt được đưa ra, Nhà Trắng tuyên bố: "Các chuyên gia dự đoán GDP của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm 2022, “xóa sạch” thành quả kinh tế đạt được trong 15 năm qua." Tuy nhiên, kết cục này dường như chưa xuất hiện. Mặc dù 12 tháng qua rất khó khăn, thần kỳ là nền kinh tế Nga đã hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến.

Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu Davis tại Đại học Harvard, nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng nền kinh tế Nga đã suy giảm ít hơn rất nhiều so với mức 10% - 15% mà mọi người đã suy đoán”, hãng tin của Đức (DW) trích dẫn.

Bà tin rằng GDP của Nga đã giảm từ 3% đến 4% trong 12 tháng qua. Con số này gần như phù hợp với ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trong tuần này, Cơ quan thống kê chính thức của Nga cho biết nền kinh tế nước này sẽ giảm 2,1% vào năm 2022, sau khi dự đoán mức giảm là 12%.

Kiên định vượt qua nhiều “cơn bão”

Chris Weafer, người đã làm việc ở Nga trong khoảng 25 năm với tư cách là cố vấn đầu tư và chiến lược gia, cho rằng, trong những tháng đầu xảy ra chiến sự Nga – Ukraine, nền kinh tế Nga có chút “hoảng loạn”. Đó không chỉ là do các biện pháp trừng phạt mà còn bởi vì nhiều công ty đã tự nguyện rời khỏi quốc gia này.

Chia sẻ với DW, ông nói: "Nhiều suy đoán, Nga mất đi các tuyến thương mại và hậu cần sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất và lao động sẽ mất việc làm. Vì vậy, vào khoảng thời gian đó, tôi chắc chắn rất bi quan về triển vọng của nền kinh tế nước này trong năm 2022".

Tuy nhiên, vào tháng 5/2022, ông cho rằng tình hình đã "được cải thiện nhanh chóng."

Trong phần lớn năm 2022, châu Âu tiếp tục là những khách hàng thu mua năng lượng khổng lồ của Nga (dầu thô, khí đốt và các sản phẩm tinh chế). Trong khi đó, Moscow cũng tìm thấy các đối tác thương mại năng lượng mới sẵn sàng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác.

Trong những tháng đầu của cuộc chiến, EU đã không trừng phạt hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vì lý do “lục địa già” quá phụ thuộc vào chúng.

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga đã báo cáo thặng dư thương mại cao kỷ lục 227 tỷ đô la (211 tỷ euro) cho năm 2022, chủ yếu nhờ xuất khẩu năng lượng khổng lồ của nước này.

Nga đã có thể kiếm được doanh thu “cao ngất trời” từ việc xuất khẩu năng lượng vì các thương nhân ở châu Âu không chỉ tiếp tục mua các sản phẩm của Nga mà còn bắt đầu tích trữ cho mùa đông.

Động thái trên sẽ giúp ngân sách của Nga ổn định, hạn chế đáng kể tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dự trữ ngoại hối của nước này.

Nga có thể sử dụng doanh thu từ năng lượng để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chính, ổn định việc làm, đảm bảo cho các chương trình xã hội và nói chung là duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội trong nước.

Hàng loạt các nỗ lực đó giúp tỷ lệ thất nghiệp của Nga ở mức thấp, theo báo cáo trong khoảng 4%, mặc dù con số đó có thể phi thực tế khi nhiều người dân tìm cách di cư sang nước ngoài, DW nhận định.

Một yếu tố khác đã giúp giữ cho nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển là phần lớn các công ty phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động ở nước này sau khi tiếng kêu gọi rời khỏi thị trường ban đầu giảm dần.

Lệnh trừng phạt “cũ”, thị trường “mới”

Một lý do khác làm nên sự vững mạnh của nền kinh tế Nga liên quan đến chính các biện pháp trừng phạt.

Ngân hàng trung ương Nga đã có hành động quyết đoán để củng cố hệ thống tài chính của mình vào tháng 2 và tháng 3 năm 2022. Việc tăng lãi suất đã giúp ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt của các ngân hàng khi tỷ lệ lạm phát của nước này giảm dần.

Nga cũng trở nên tương đối tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp chính, đặc biệt là sản xuất lương thực.

Một yếu tố chính khác thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế của Nga là tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ.Trong năm 2022, Ấn Độ và Trung Quốc đã có cơ hội mua năng lượng và các loại hàng hóa giá rẻ của Nga.

Thương mại giữa Nga và hai cường quốc châu Á đã tăng vọt, trong khi đó, Nga cũng có thể ngày càng được hưởng lợi từ nhập khẩu song song, theo đó các sản phẩm phương Tây một lần nữa có thể tràn sang Nga thông qua các nước bên thứ ba như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác trên khắp Trung Á.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng Trung Quốc đã "thắng lớn", chỉ ra rằng trong khi thương mại giữa các nước tăng vọt, thì sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh cũng tăng theo.

2023: Một câu chuyện hoàn toàn mới?

Năm 2023, kỳ vọng về nền kinh tế Nga có nhiều hướng khác nhau. Gần đây, IMF cho biết họ dự kiến nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng 0,3%,mặc dù nhiều người đã dự báo GDP của Nga sẽ giảm khoảng 2%.

Châu Âu đã cố gắng “cai nghiện” năng lượng của Nga trong suốt 12 tháng qua. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy cơ thế áp trần giá dầu mỏ Nga của khối (hiệu lực từ tháng 12/2022) đang phát huy tác dụng.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi tờ The Economist hàng tuần của Anh, doanh số bán dầu thô của Nga vẫn cao do nhu cầu nhập khẩu tăng vọt từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, lệnh cấm vận các sản phẩm tinh chế của Nga (hiệu lực ngày 5/2) nhắm chủ yếu vào dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác, là một thời điểm quan trọng giúp làm eo hẹp nguồn thu của Nga.

Lê Na (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tron-mot-nam-chien-su-kinh-te-nga-gong-minh-truoc-nhieu-don-trung-phat-post236446.html