Trọn tâm với nghề

Quen biết bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Lê Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lâu, nhưng mãi đến hôm nay, chúng tôi mới có dịp viết về anh, bởi lẽ, anh là người giản dị, khiêm tốn và rất ít khi nói về mình. Nhưng hình ảnh người thầy thuốc trọn chữ tâm với nghề, cùng tấm lòng nhân văn, dung dị, gần gũi ấy từ lâu đã trở nên thân thương với các y, bác sĩ, đồng nghiệp và không ít bệnh nhân.

TTƯT Lê Văn Tịnh thăm khám, động viên bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện.

TTƯT Lê Văn Tịnh thăm khám, động viên bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện.

Gần 12 giờ trưa, bác sĩ Tịnh vẫn tất bật với công việc. Nghe tin bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 có chuyển biến nặng, chỉ vài phút sau, anh và kíp trực đã có mặt tại phòng họp chuyên môn để cùng các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hội chẩn trực tuyến và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Công việc xong xuôi cũng là lúc đồng hồ điểm đến giờ làm việc buổi chiều. Hộp cơm nguội ngắt chưa kịp ăn và còn nhiều công việc đang đợi anh giải quyết, nhưng anh vẫn dành chút thời gian quý báu cho chúng tôi.

Mở đầu câu chuyện, bác sĩ Tịnh chia sẻ: Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để đảm bảo mục tiêu kép vừa khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch thì mỗi cán bộ, y, bác sĩ đều phải làm việc gấp hai, ba lần so với trước đây. Tuy vậy, chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blu, làm tròn sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trong suốt câu chuyện của mình, anh ít nói về bản thân, mà say sưa kể về những bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện tham gia chống dịch tại các tỉnh phía Nam, vào các bệnh viện dã chiến hay những nữ bác sĩ sẵn sàng gửi con cho ông bà trông giúp để tình nguyện làm việc xuyên Tết tại các phòng xét nghiệm, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đối với nhiều người, đến với nghề là do cái duyên, còn đối với anh, nghề y với anh xuất phát từ niềm đam mê. Sinh ra trong gia đình không có truyền thống ngành y, nhưng với ước mơ đem kiến thức của mình để chữa bệnh cho mọi người, nhất là những người nghèo, cậu học trò Lê Văn Tịnh đã không ngừng nỗ lực.

Tốt nghiệp đại học, để cho mình có cơ hội trải nghiệm thực tế, anh xin vào hỗ trợ miễn phí cho trạm y tế địa phương, sau đó, vào làm việc tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Là bác sĩ ngoại khoa, bên cạnh việc nắm vững kiến thức thì đòi hỏi bác sĩ cần trau dồi kỹ năng thực hành. Bởi vậy, những năm đầu mới vào nghề, tuy gia đình neo người, con còn nhỏ, kinh tế hạn hẹp, nhưng với tinh thần ham học hỏi, bác sĩ Tịnh vừa làm, vừa tự đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Có những ngày sáng làm việc ở bệnh viện, chiều anh lại tranh thủ xuống trường học.

Với tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ, dám làm, dám nhận trách nhiệm, kiến thức chuyên môn tốt, bởi vậy, anh đã trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi của bệnh viện. Anh đã trực tiếp phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo như: cắt khối tá tụy, cắt toàn bộ dạ dày, phẫu thuật khâu vết thương tim, vết thương mạch máu lớn, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, đại tràng...

Với tấm lòng nhân văn, bác sĩ Lê Văn Tịnh thường giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Không ít lần anh tự bỏ tiền để mua tặng những suất cơm cho bệnh nhân, đề xuất với Ban giám đốc giảm tiền viện phí khi biết hoàn cảnh của họ quá nghèo khổ.

Năm 2017, với vai trò là Phó Giám đốc bệnh viện, hằng ngày, anh cùng các thành viên Ban giám đốc luôn chỉ đạo sát sao chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm an toàn người bệnh; cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng; triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới. Tuy vậy, anh vẫn thường xuyên dành thời gian thăm khám, động viên bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện và “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ trẻ trong công tác chuyên môn.

Từ tháng 8/2021 đến nay, bác sĩ Lê Văn Tịnh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1. Tuy “một vai hai gánh”, nhưng người thuyền trưởng ấy vẫn chèo lái đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch.

Chia sẻ về những chiến lược phát triển bệnh viện, anh cùng Ban Giám đốc xây dựng, hoạch định những bước đi rõ ràng, vững chắc. Để nâng cao chất lượng bệnh viện, xứng tầm “bệnh viện vệ tinh”, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, mở rộng các dịch vụ tiện ích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chẩn đoán, điều trị và quản trị bệnh viện thì yếu tố quan trọng quyết định thành hay bại là chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực hiện có, bệnh viện sẽ có nhiều chính sách thu hút bác sĩ giỏi từ các bệnh viện tuyến Trung ương, ký hợp đồng với các trường đại học, có chính sách hỗ trợ, thu hút các bác sĩ nội trú về tỉnh...

Để phát triển nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu, bệnh viện sẽ thành lập các khoa, trung tâm mới như: Trung tâm mắt, Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Trung tâm đột quỵ... Tất cả những điều đó, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Ghi nhận những đóng góp trong công tác chuyên môn và công tác phòng chống dịch, bác sĩ Lê Văn Tịnh đã được phong tặng danh hiệu TTƯT, được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/74260/tron-tam-voi-nghe.html