Trọn vẹn một đời làm theo lời Bác
'Thanh niên là chủ nước nhà/ Phải cho huấn luyện mới là thanh niên', các cháu ạ, ngày xưa thượng cấp (cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người vừa về nước năm 1941) đã dạy ông như thế đấy' - ở tuổi 107, dù trí nhớ đã suy giảm nhiều, nhưng bài thơ Bác Hồ tặng những thanh niên ưu tú được cách mạng lựa chọn đi học tại Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc) thì Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) Khu tự trị Việt Bắc, nguyên Trưởng phòng Điều tra hình sự BĐBP vẫn nhớ như in trong tâm khảm.
Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, chàng trai dân tộc Nùng chất phác, thật thà Hoàng Văn Tứ từ vùng rừng Hòa An, Hà Quảng, Cao Bằng đã được đơn vị đặt bí danh là Hoàng Long Xuyên và trở thành một trong những người tiểu đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tuy không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên do bị lạc rừng khi từ Trung Quốc trở về, nhưng ngay khi hội quân, Hoàng Long Xuyên đã được phân công về gây dựng cơ sở cách mạng tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ngày nhập ngũ của ông trong hồ sơ cán bộ vẫn được công nhận là ngày 22/12/1944 và kể từ đó, cái tên Hoàng Long Xuyên đã gắn với những chiến công vang danh núi rừng Việt Bắc của Trung đoàn “Long Xuyên” (tên gọi khác của Trung đoàn 28 Lạng Sơn do ông là Trung đoàn trưởng).
Trong đời binh nghiệp của mình, ông lần lượt đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như Phó Tư lệnh Mặt trận Tả Giang - Long Châu trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949), chỉ huy một trong những mũi tiến công trọng yếu trong Chiến dịch Biên giới (1950), rồi Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn... Nhưng đối với chúng tôi, ông vừa là cha anh, vừa là tiền bối, bởi người cộng sản kiên trung này dẫu từng trải qua nhiều cương vị, nhưng lâu nay, ông luôn mang trên vai màu quân hàm xanh.
Tháng 3/1945, Hoàng Long Xuyên đã cùng các đồng chí trong tiểu đội du kích Hòa An đánh chiếm các khu vực quan trọng của địch, giành chính quyền. Và ngay sau ngày giành chính quyền, ông đã được kết nạp Đảng. Chỉ với áo vải, dép lốp và vũ khí đơn sơ, những năm kháng chiến chống Pháp sau này, ông Hoàng Long Xuyên đã cùng với Trung đoàn Long Xuyên tham gia rất nhiều chiến dịch quan trọng, làm cho quân Pháp và bè lũ tay sai khiếp sợ.
Đến năm 1949, nhận lời đề nghị của cách mạng Trung Quốc, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc mở Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giải phóng biên khu Việt Quế thuộc tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, Trung Quốc do tàn quân của Tưởng Giới Thạch chiếm đóng. Nhiệm vụ quốc tế đầu tiên ấy đã được Đại tá Hoàng Long Xuyên cùng bao chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam hoàn thành xuất sắc, giúp bạn đánh tan quân Tưởng ở vùng biên khu và thành lập chính quyền cách mạng. Từ Trung Quốc trở về, ông cùng đơn vị của mình tiếp tục chiến đấu anh dũng với thực dân Pháp tại vùng Đông Bắc cho tới khi quân dân ta giành được chiến thắng tại lòng chảo Điện Biên và được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Năm 1956, Khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng (của tỉnh Bắc Giang). Bộ máy hành chính của khu tự trị hình thành, ông Hoàng Long Xuyên được chỉ định làm Giám đốc Công an khu tự trị. Năm 1960, ông kiêm nhiệm thêm vai trò Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc. Suốt 19 năm, ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò người đứng đầu chỉ đạo công tác bảo vệ trị an cho nhân dân yên tâm làm ăn, sản xuất, chống biệt kích, giản điệp và các thế lực thù địch ở 7 tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc, góp sức, góp công cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có lẽ cần nói thêm rằng, vào thời điểm giặc Mỹ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc, bao vây, phong tỏa các cảng biển cũng như các tuyến giao thông đường bộ của ta, các tỉnh giáp biên thuộc khu tự trị là cửa ngõ quan trọng trong việc tiếp nhận những nguồn hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Giám đốc Hoàng Long Xuyên đã chỉ đạo Công an các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng triển khai cán bộ xuống các địa bàn có cửa khẩu trọng điểm để bảo vệ an toàn cho hàng vạn lượt xe quá cảnh vận chuyển hàng viện trợ của các nước bạn và bảo vệ dọc theo quốc lộ để kịp thời ứng cứu, hỗ trợ khi bị máy bay bắn phá.
Là người Nùng, ông thấu hiểu phong tục tập quán của địa phương và đã đề ra chủ trương đưa các chiến sĩ công an, công an vũ trang về các bản ở “hành lang Mán”, “xứ Nùng tự trị” để vận động bà con tham gia xây dựng đời sống mới, không tiếp tay cho phỉ. Bản thân ông trực tiếp tham gia chỉ đạo các chuyên án bóc gỡ và trấn áp các băng đảng phản cách mạng hoạt động lén lút hòng âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền, như: “Trung Việt phản công cứu quốc quân chính nghĩa” (1960), “Việt Hoa cứu quốc” (1962)... Công an nhân dân vũ trang các tỉnh thuộc khu tự trị đã anh dũng tham gia chiến đấu trên các trận địa pháo cao xạ, bắn rơi nhiều máy bay bằng súng bộ binh, bảo vệ an toàn các công trình trọng điểm, các mục tiêu quan trọng như Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, quốc lộ 1, khu nhà ga Đồng Đăng...
Đặc biệt, năm 1961, trong chuyến Bác Hồ về thăm lại Cao Bằng, ông là người đã cùng Đại tá Mai Trung Lâm, Chính ủy Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc báo cáo với Bác về việc có nhiều vùng đất lịch sử của ta bị Pháp đổi cho Trung Quốc theo Hiệp định Pháp Thanh, đồng thời có biểu hiện người dân nước bạn xâm canh, xâm cư vào đất của Việt Nam ngày càng nhiều.
Được sự chỉ đạo của Bác Hồ và Công an nhân dân vũ trang Trung ương, đầu năm 1962, Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc đã tiến hành đàm phán về biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, đề nghị lực lượng bảo vệ biên giới của bạn hạn chế người dân sang xâm canh, xâm cư trên đất của ta. Bộ Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang cũng quyết liệt đấu tranh trên thực địa với nhân dân nước bạn, yêu cầu họ rút về biên kia biên giới.
Tháng 12/1975, Khu tự trị Việt Bắc giải thể, Đại tá Hoàng Long Xuyên về công tác tại Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, đảm nhận vai trò Trưởng phòng Điều tra hình sự cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1986. Khiêm cung và giản dị, lời ông nói đầy thấm thía: “Không có cách mạng thì không có mình, cháu ạ. Dẫu có thiệt thòi thì ông còn may mắn hơn những người đã hy sinh. Dẫu có thế nào vẫn phải luôn giữ trọn vẹn hiếu trung mới là người cộng sản”.
Ngày 27/8/2023, người cán bộ lão thành trọn đời làm theo lời Bác ấy đã thanh thản ra đi. Trong giờ khắc tiễn biệt ông, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã khẳng định: Đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam học tập và noi theo. Đồng chí cũng là tấm gương sáng, mẫu mực trong gia đình, của địa phương và quê hương Việt Bắc.
Ghi nhận những công lao và đóng góp của Đại tá Hoàng Long Xuyên, Đảng và Nhà nước tặng thưởng ông nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba, Cán bộ lão thành cách mạng, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tron-ven-mot-doi-lam-theo-loi-bac-post465551.html