Tròn việc nước, trọn việc dân

Thời gian qua, Huyện ủy Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp nâng cao sức mạnh của các chi bộ và vai trò, trách nhiệm của đảng viên thôn, khu phố, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng vào cuộc sống, phát triển đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Từ một thôn khó khăn của xã Nga Liên (Nga Sơn), thôn 8 đã vươn lên thành nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Tại Nhà văn hóa thôn 8, chúng tôi gặp đồng chí Phan Thanh Thuyết, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 8 đang họp với nhân dân để phổ biến, xin ý kiến, thống nhất kế hoạch vui xuân, đón Tết Ất Tỵ 2025 theo mục tiêu: Vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm; tránh những tệ nạn xã hội, lạm dụng rượu, bia và chất kích thích, giữ gìn an ninh trật tự...

Anh Thuyết chia sẻ: Muốn dân tin, dân theo thì phải phát huy tốt dân chủ trong mọi công việc chung của thôn, xóm. Chính vì vậy, mọi chủ trương, quyết sách của chi bộ đều được dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát. “Nhờ dân chủ mà chúng tôi nhận được sự đồng thuận của nhân dân cùng chung tay: Đóng góp hơn 2 tỷ đồng, hiến 2.000m2 đất và tự tháo dỡ các công trình phụ, tường rào, cổng để nâng cấp, mở rộng 4,5km đường giao thông nông thôn... đưa thôn 8 hoàn thành xuất sắc các mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, anh Thuyết cho biết.

 Mô hình nhà màng trồng dưa vàng cho thu nhập cao ở xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mô hình nhà màng trồng dưa vàng cho thu nhập cao ở xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng như ở thôn 8 (Nga Liên), các chi bộ nông thôn các xã trên địa bàn huyện Nga Sơn đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục, lãnh đạo nhân dân; tham mưu, hiện thực hóa tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thành các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện như: Triển khai mở rộng, làm mới các tuyến đường giao thông nội thôn, liên thôn, liên xã; chi bộ nông thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, biện pháp tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp chuyển đổi các mô hình sản xuất mới: Nhà màng, nhà kính sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ, tập trung ở các xã: Nga Giáp, Nga Thành, Nga Bạch, Nga Phượng, Nga Trung... nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà kính.

Nhờ vậy hiện nay, Nga Sơn có gần 13.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, với hơn 8.200 hộ có thu nhập bình quân 100-200 triệu đồng/năm, khoảng 4.000 hộ thu nhập 200-300 triệu đồng/năm và hàng chục hộ có thu nhập 1-5 tỷ đồng/năm... Khi nghe chúng tôi trao đổi những điều mắt thấy tai nghe, đồng chí Hàn Duy Điều, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nga Sơn cho biết: Để nâng cao sức mạnh chi bộ nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai nhiều giải pháp như: Chỉ đạo các cấp ủy đảng thường xuyên giao ban với bí thư chi bộ để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cải tiến nội dung, phương thức sinh hoạt, cải tiến lề lối làm việc của đội ngũ bí thư chi bộ; phân công cụ thể từng đồng chí cấp ủy viên theo dõi, chỉ đạo và dự sinh hoạt với chi bộ.

Đồng thời, để nắm tình hình, thông tin ở cơ sở chắc, sâu và nhanh, mỗi quý một lần, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức giao ban trực tiếp với bí thư chi bộ nông thôn theo cụm. Tại hội nghị giao ban, các bí thư chi bộ báo cáo tình hình của địa phương về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là những vấn đề phát sinh cần giải quyết. Ngoài ra, các đồng chí huyện ủy viên còn sắp xếp đi dự sinh hoạt với chi bộ địa phương được phân công phụ trách và chi bộ nơi cư trú. Qua dự sinh hoạt, các đồng chí cấp ủy viên đã giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, hoặc kịp thời báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn với cơ sở. Đồng thời đề ra những biện pháp đúng đắn trong trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở, dồn sức cho cơ sở.

Nhờ vậy, các chi bộ nông thôn luôn tròn việc Đảng, trọn việc dân-phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, đoàn kết, thống nhất; thường xuyên nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò lãnh đạo của chính quyền thôn trong việc khuyến khích, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa... Trước mỗi kỳ sinh hoạt, tình hình tư tưởng, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc, tồn đọng trong nhân dân luôn được chi ủy, chi bộ nắm chắc; tập trung bàn thảo để lãnh đạo, giải quyết. Đồng thời, các vấn đề trọng tâm như: Điện, đường, trường, trạm, nước sạch, khu vui chơi cộng đồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm... đều được chi bộ xác định, bàn giải pháp, biện pháp và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để thống nhất thực hiện.

Đồng chí Hàn Duy Điều cho biết thêm: Trong thời gian tới, Nga Sơn đang xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho nhiệm kỳ mới. Sự vững mạnh của các chi bộ nông thôn là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó phấn đấu đến năm 2030, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 33 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tron-viec-nuoc-tron-viec-dan-812996