Trong 10 năm, Việt Nam đầu tư hơn 600.000 tỷ đồng cho ngành vật liệu xây dựng

Trong 10 năm qua, sự tham gia đầu tư ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam ổn định. Thậm chí, có loại vật liệu xây dựng có mức đầu tư đứng top đầu thế giới...

Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng

Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng

Ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.

Trong 10 năm gần đây, sự tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc.

Cụ thể, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng top đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).

Gạch ốp lát được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).

Sứ vệ sinh được đầu tư với tổng công suất là 26 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Kính được đầu tư với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), trong top 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Vật liệu xây không nung đã đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm (viên quy tiêu chuẩn). Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD).

Ngành thép (giai đoạn 2011-2022) có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 14,25%. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2022, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng với mức bình quân 27,11%/năm.

Như vậy, tổng mức đầu tư cho ngành vật liệu xây dựng (trừ thép) ước tính khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành vật liệu xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm.

Trong đó, xi măng và clanhke có tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.

Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10.655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10.905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).

Theo Thủ tướng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, cơ chế, chính sách còn khoảng cách so với thực tiễn, phản ứng chính sách có lúc, có nơi còn chậm. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng khoa học công nghệ chưa được ban hành kịp thời.

Đối với sản xuất, chi phí nhiên liệu than, điện tăng; khí hóa than tăng, dầu FO, khí tự nhiên hóa lỏng (CNG), khí gas hóa lỏng (LPG) trong thời gian qua có biến động. Nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng còn có bất cập.

Năng lực sản xuất ngành thép còn hạn chế. Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt trong sản xuất thép thô. Ngoại trừ một số khu liên hợp công nghệ khép kín, phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại sử dụng công nghệ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sức ép bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu tăng. Cam kết giảm phát thải tại hội nghị COP26 dẫn đến yêu cầu các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng phải đầu tư các hạng mục liên quan đến xử lý khí thải, giảm thiểu CO2 làm tăng chi phí sản xuất.

Về thị trường, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều gặp khó khăn. Tiêu thụ trong nước chậm do đầu tư xây dựng giảm sút, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, chí phí vận tải tăng cao…

Xuất khẩu giảm do lượng clanhke xuất khẩu sụt giảm lớn, gặp cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, chi phí cước vận tải biển tăng cao và các quy định về hàng rào kỹ thuật tại phần lớn thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, tình hình tài chính của ngành gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp xi măng đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, lãi vay cao khiến áp lực trả nợ cả gốc và lãi rất lớn.

Do tiêu thụ sản phẩm chậm trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất sản phẩm. Dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn.

Nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, nhất là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, nợ xấu.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái liên quan tới vật liệu xây dựng chưa được giải quyết triệt để.

Thu Trang

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/trong-10-nam-viet-nam-dau-tu-hon-600000-ty-dong-cho-nganh-vat-lieu-xay-dung-post552780.html