Trồng bưởi da xanh theo GlobalGAP và VietGAP đạt giá trị cao

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, bưởi da xanh được thị trường trong nước và quốc tế rất ưa chuộng. Hiện sản lượng bưởi da xanh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không đủ cung cấp thị trường nội địa và xuất khẩu, còn giá luôn ổn định ở mức cao.

 Diện tích bưởi da xanh trong tỉnh Bến Tre đã đạt trên 3.961 ha - Ảnh minh họa

Diện tích bưởi da xanh trong tỉnh Bến Tre đã đạt trên 3.961 ha - Ảnh minh họa

Từ tháng 5/2012 trở về trước, giá bưởi da xanh dao động khoảng 30.000 đồng/kg, những ngày gần đây tăng lên 36.000 - 40.000 đồng/kg, đây là mức giá rất cao đảm bảo nhà vườn lãi từ 450 - 500 triệu đồng/ha. Nguyên nhân làm giá bưởi da xanh tăng mạnh là nhờ nhà vườn các tỉnh ĐBSCL trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, đảm bảo chất lượng cao để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á, Canada…

Thời gian qua, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và tổ chức tiêu thụ bưởi da xanh theo hướng an toàn và chất lượng cao trên địa bàn huyện Chợ Lách”, sau đó mở rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Trong năm 2011, có thêm 20 hộ trồng bưởi da xanh ở ấp 3, xã Phú Nhuận và HTX nông nghiệp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 chứng nhận phù hợp quy trình VietGAP, bộ tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam, là bước chạy đà để tiến đến hòa nhập vào GlobalGAP trong vài năm tới. Đạt được tiêu chuẩn này là cơ hội để trái cây Việt Nam nói chung, bưởi da xanh nói riêng tăng sức cạnh tranh, tạo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh, diện tích bưởi da xanh tỉnh Bến Tre nay đã đạt trên 3.961 ha và trở thành vùng nguyên liệu tập trung lớn tại ĐBSCL.

Chương trình đã tuyển chọn được một cá thể bưởi da xanh ở Mỹ Thạnh An-thành phố Bến Tre, năng suất khá cao, bình quân khoảng 200kg/cây/năm, chất lượng ngon, vỏ mỏng, rất ít hay không có hạt và chưa bị nhiễm các loại sâu bệnh như: vàng lá Greening, vàng lá thối rễ.

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho gần 6.800 cán bộ kỹ thuật và nông dân; xây dựng 5 mô hình sản xuất bưởi da xanh theo hướng an toàn, chất lượng trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày và thành phố Bến Tre; tổ chức nghiên cứu chuyển giao thành công 5 quy trình công nghệ về thu hoạch, xử lý, bảo quản, chế biến trà bưởi và mứt bưởi da xanh; xây dựng website về bưởi da xanh để quảng bá thương hiệu.

Công Trí

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/trong-buoi-da-xanh-theo-globalgap-va-vietgap-dat-gia-tri-cao/20126/139830.vgp