Trồng bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hà Nội

Với diện tích gần 8.000 ha, cây bưởi đang trở thành một trong những loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, đem lại thu nhập ổn định và góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân địa phương.

Hà Nội rất có tiềm năng trong phát triển nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng. Thành phố đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước kết hợp với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để phát triển các cây, con giống đặc sản, chất lượng cao trên mỗi ha diện tích.

Dù trong những năm gần đây, giá bưởi trên thị trường có xu hướng giảm, nhiều vườn bưởi tại Hà Nội vẫn giữ được giá cao nhờ chất lượng vượt trội. Thậm chí, không ít thương lái đã đặt mua toàn bộ sản lượng từ khi bưởi còn chưa thu hoạch.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện toàn Thành phố có gần 8.000 ha trồng bưởi, tập trung tại các huyện như Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Ba Vì, Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, và Ứng Hòa.

Các hộ dân và hợp tác xã trên địa bàn đang canh tác 12 giống bưởi khác nhau, trong đó chủ lực là bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi Thồ và bưởi chua đầu tôm. Với năng suất bình quân đạt 185 tạ/ha, sản lượng bưởi của Hà Nội đạt khoảng 100.000 tấn mỗi năm, mang lại giá trị sản xuất gần 2.000 tỷ đồng.

Bưởi đỏ Đông Cao của Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Tin Nguyễn

Bưởi đỏ Đông Cao của Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Tin Nguyễn

Thành phố cũng đã xây dựng và phát triển 1 chỉ dẫn địa lý cùng 14 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm bưởi đặc trưng, bao gồm: bưởi Diễn, bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi Thồ Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm, bưởi Tam Vân, bưởi Quế Dương, bưởi đỏ Đông Cao, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi Trung Màu, bưởi Phú Thị, bưởi Đa Tốn và bưởi Nam Phương Tiến.

Sở hữu giống bưởi đỏ có tuổi đời gần 60 năm (từ những năm 1965) do cha ông để lại, gia đình ông Lương Văn Phương, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đang quản lý 2 cây bưởi 'tổ', được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội cấp mã quản lý và đánh giá là cây bưởi đầu dòng.

Bên cạnh đó, gia đình ông Phương còn có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và gần trăm gốc bưởi có tuổi đời 20 năm, hơn 30 gốc bưởi có tuổi đời trên 30 năm, tất cả đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm.

Để bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ Đông Cao, cuối năm 2018, Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao được thành lập do ông Phương làm Giám đốc. Những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã chỉ có 8 hội viên, đến hiện nay đã thu hút được 20 hội viên tham gia.

Theo ông Phương, với mẫu mã đẹp nên nhiều năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết, cây bưởi đỏ đã trở thành cây đặc sản của người dân Đông Cao.

Hiện thôn Đông Cao có khoảng 7,7 ha trồng cây ăn quả trong đó có 4 ha bưởi của Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao. Trung bình mỗi năm Đông Cao cho ra thị trường khoảng 8.000 quả bưởi với giá 90.000 - 100.000 đồng/quả.

"Từ giá trị của cây bưởi mang lại, xã Tráng Việt đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho cây bưởi đỏ, từ đó mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng bưởi", ông Phương chia sẻ.

Ngoài giá trị về mặt tâm linh thì bưởi đỏ Đông Cao còn được các đơn vị và các chuyên gia nông nghiệp đánh giá cao. Giai đoạn từ tháng 9 đến cuối tháng 11 dương lịch, bưởi đến độ ngon nhất. Từ tháng 12 trở đi, quả bưởi trổ mã đỏ và được bán phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán…

Cũng là hộ gia đình gắn bó với nghề trồng bưởi lâu năm, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang, thôn Trung Cao, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ), đã vươn lên trở thành mô hình tiên tiến với hơn 1.000 gốc bưởi, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Lê Hữu Diện, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ rằng, trước đây người dân địa phương chủ yếu trồng hoa màu và cây lê gỗ. Dù năng suất ổn định, nhưng giá trị kinh tế thấp khiến thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Nhận thấy tiềm năng của bưởi Diễn, vào năm 2004, ông quyết định thử nghiệm trồng 140 cây bưởi Diễn đầu tiên. Không ngờ, ngay mùa đầu tiên đã đạt kết quả vượt mong đợi, tạo động lực để ông và nhiều hộ dân trong vùng mở rộng diện tích.

Hiện Hợp tác xã quản lý khoảng 7 ha bưởi Diễn với hơn 1.000 gốc, mỗi gốc cho thu hoạch từ 60 - 100 quả mỗi năm. Với giá bán trung bình từ 30.000 - 40.000 đồng/quả, Hợp tác xã đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Riêng gia đình ông Diện sở hữu 500 gốc, thu nhập hàng năm dao động từ 400 - 700 triệu đồng.

Điểm nổi bật của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang là việc kiên trì áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, giúp bưởi Diễn không chỉ đạt chất lượng cao mà còn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt tại hầu hết các chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn Hà Nội, cũng như tại các tỉnh thành như Lào Cai, Thái Nguyên, Gia Lai. Đặc biệt, bưởi Diễn của Hợp tác xã còn được xuất khẩu sang thị trường Nga, mở ra hướng phát triển mới đầy tiềm năng cho loại nông sản đặc sản này.

Trong những năm tới, Hà Nội sẽ duy trì diện tích trồng bưởi, đồng thời mở rộng vùng sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Nâng cao ứng dụng kỹ thuật như tưới nhỏ giọt, xử lý sau thu hoạch, và minh bạch nguồn gốc là những hướng đi quan trọng. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm giống bưởi mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trong-buoi-dem-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-cho-nong-dan-ha-noi-d232628.html