Trong cái lý cần có cái tình
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) nhận được đơn của 149 người lao động (NLĐ) làm việc tại Nhà máy Sản xuất phụ tùng và Lắp ráp xe máy Công ty VMEP-thuộc Công ty VMEP (Tập đoàn SYM), địa chỉ tại đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội, phản ảnh công ty này đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), gây ảnh hưởng tới việc làm, đời sống NLĐ bởi phần lớn họ đã lớn tuổi, có nhiều năm làm việc tại nhà máy.
Sáng 12-10, chúng tôi có mặt tại cổng nhà máy và bắt gặp khá đông NLĐ đang tập trung tại đây. Được biết, trong hai ngày (10 và 11-10-2019), 149 NLĐ nhận được thông báo chấm dứt HĐLĐ, thời điểm chấm dứt là ngày 30-11-2019. Lý do chấm dứt HĐLĐ mà phía công ty đưa ra là do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên phải thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn tới phải cắt giảm lao động. Áp dụng Điều 44 Bộ luật Lao động về “nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ”, công ty thực hiện việc chi trả trợ cấp mất việc quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động (NLĐ làm việc từ năm 2009 trở về trước, mỗi năm làm việc được công ty trả một tháng tiền lương). Đối với NLĐ làm việc cho công ty từ năm 2009 đến nay, được hưởng trợ cấp thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả.
Trong đơn gửi đến Báo QĐND, những NLĐ cho rằng, hiện công ty đang tiến hành dự án xây dựng hỗn hợp văn phòng, thương mại, siêu thị, chung cư cao tầng, nhà ở thấp tầng, nhà trẻ “SYM Cantavil complex” tại địa chỉ nhà máy nhưng lại chấm dứt HĐLĐ với lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ là chưa công bằng cho những NLĐ đã gắn bó, cống hiến nhiều năm.
Ngày 17-10-2019 diễn ra cuộc họp giữa đại điện lãnh đạo Công ty VMEP với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, đại diện NLĐ và các cơ quan, ban ngành quản lý. Theo biên bản làm việc, ông Tạ Văn Dưỡng, Phó trưởng ban Chính sách-Pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hà Nội có ý kiến: “Công ty cần nêu rõ thay đổi công nghệ hay thay đổi mục đích sử dụng đất. Phương án thực hiện chế độ, chính sách với NLĐ cụ thể thế nào…". Hiện nay, Công đoàn cơ sở đang đề nghị công ty hỗ trợ NLĐ có thời gian làm việc từ năm 2009 đến nay, mỗi năm làm việc được nửa tháng lương và được hỗ trợ thêm 6 tháng lương tìm việc làm.
Ngày 21-10-2019, Công ty VMEP đã ra Văn bản số 180/2019/CV-VMEP do Tổng giám đốc Lin Chih Ming ký, trong đó khẳng định công ty làm đúng luật: Kết quả kiểm toán cho thấy công ty thua lỗ, buộc phải tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu công nghệ; không nợ BHXH; thực hiện đúng về việc nộp thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước… Về chi trả trợ cấp mất việc, công ty cam kết thực hiện đúng pháp luật, đồng thời có hỗ trợ thêm: NLĐ được nghỉ việc từ ngày 12-10 đến 30-11-2019 nhưng vẫn được hưởng nguyên lương và đóng BHXH; chi trả bằng tiền cho những ngày nghỉ phép chưa hết của năm 2018 và 2019; hỗ trợ NLĐ lớn tuổi 15 triệu đồng/người (3 người); hỗ trợ NLĐ là vợ chồng cùng bị chấm dứt HĐLĐ là 13 triệu đồng/người; hỗ trợ mỗi người một tháng lương nếu không có khiếu kiện tranh chấp… Còn về việc đề nghị hỗ trợ NLĐ mỗi năm nửa tháng lương (thời gian từ 2009 đến 2019), công ty không đáp ứng được.
Ngày 1-11, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Oanh, Phó trưởng Phòng Lao động-Tiền lương và BHXH, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cho biết: “Phía công ty đã thông báo với Sở LĐ-TB&XH về việc cho nhiều NLĐ thôi việc theo Khoản 3, Điều 44 Bộ luật Lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ theo các trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau: Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định thay đổi cơ cấu, công nghệ gồm các trường hợp: a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Theo thông báo của Công ty VMEP và các tài liệu kèm theo hoàn toàn thể hiện nội dung thay đổi cơ cấu, công nghệ. Trong trường hợp công ty xây dựng phương án sử dụng lao động theo Điều 46 Bộ luật Lao động và trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ là tuân thủ đúng Điều 49 Bộ luật Lao động. Thế nhưng theo đại diện Công đoàn Công ty VMEP, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ là do di dời cơ sở sản xuất nên đề nghị công ty giải quyết quyền lợi theo chính sách di dời của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế Công ty VMEP mới được UBND TP Hà Nội đồng ý về nguyên tắc và có quyết định chủ trương đầu tư, song đến nay đã hơn một năm công ty vẫn chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Vì vậy, nếu Công ty VMEP thực hiện việc đầu tư tại thời điểm này là chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý. Chúng tôi sẽ gặp đại diện Công đoàn công ty để giải thích vấn đề này và nắm bắt nguyện vọng của NLĐ, đồng thời hỗ trợ các bên thương lượng trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động".
Theo thông tin mới nhất, sau khi gặp gỡ đại diện NLĐ, ngày 4-11, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Lao động thành phố... tiến hành xác định rõ đối tượng áp dụng đối với trường hợp của Công ty VMEP từ đó có căn cứ chính thức giải quyết quyền lợi cho NLĐ bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
149 NLĐ bị nghỉ việc đều là những người gắn bó với công ty nhiều năm, trong đó không ít người từ những năm đầu sơ khai đến nay đã hơn 20 năm, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn vẫn luôn đồng lòng vì sự phát triển của công ty. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết NLĐ đều cho rằng vì họ đã hơn 35 tuổi, cá biệt một số người đã ngoài 50 tuổi nên rất khó để tìm việc làm mới. Việc chấm dứt HĐLĐ không chỉ ảnh hưởng đến họ mà ảnh hưởng đến cuộc sống của 149 hộ gia đình. Mong các cơ quan liên quan và công ty thực sự chung tay, có trách nhiệm cao nhất để giải quyết các chế độ, chính sách cho NLĐ bảo đảm cả lý và tình, để NLĐ và gia đình họ bớt khó khăn, thiệt thòi.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trong-cai-ly-can-co-cai-tinh-599773