Trồng cây bí đỏ hồ lô xuất khẩu cho hiệu quả cao

Thời điểm này, nông dân huyện Nho Quan đang thu hoạch bí đỏ hồ lô. Nhờ đặc tính dễ trồng, chịu được hạn, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động. Sau 2 vụ trồng, mô hình được đánh giá hiệu quả, năng suất đạt cao, tiêu thụ thuận lợi, người nông dân rất phấn khởi.

Lãnh đạo huyện Nho Quan tham quan mô hình trồng bí đỏ hồ lô tại xã Phú Sơn

Lãnh đạo huyện Nho Quan tham quan mô hình trồng bí đỏ hồ lô tại xã Phú Sơn

Đến thăm mô hình trồng bí đỏ hồ lô xuất khẩu của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Sơn, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan đúng lúc bà con nông dân vào vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Long, đại diện HTX cho biết: Cây bí đỏ hồ lô được đưa vào trồng thử nghiệm ở xứ Đồng Trung, thuộc xã Phú Sơn từ cuối năm 2023 với diện tích 12 ha. Đến nay đã sản xuất được 2 vụ, bước đầu cho thấy đây là cây trồng mới hợp với đồng đất và chịu hạn tốt, năng suất cây trồng đạt 48-50 tấn/ha, tổng sản lượng toàn xã đạt gần 600 tấn. Với giá thành hiện tại doanh nghiệp thu mua tại ruộng là 2.500 đồng/kg thì tổng doanh thu của 12 ha đạt trên 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 960 triệu đồng. Nếu so sánh cây bí với cây lúa hoặc một số cây trồng truyền thống của địa phương thì cao hơn gấp 3,5 lần so với cấy lúa.

Thu hoạch bí đỏ hồ lô tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Sơn.

Cũng tại xã Thạch Bình, từ cuối năm 2023 đã triển khai trồng bí đỏ hồ lô xuất khẩu trên diện tích khoảng 8 ha. Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình đánh giá: Theo ước tính, so với các cây trồng khác ở trên địa bàn xã thì không có cây nào thu nhập bằng. Chúng tôi hy vọng qua 2 vụ trồng thử nghiệm có kết quả tốt sẽ lan tỏa để bà con nhân rộng ra. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng ở địa bàn xã chỉ có khoảng 50-70 ha có thể đáp ứng yêu cầu trồng bí. Vì vậy, xã mong muốn công ty sẽ hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật trồng, chăm bón để tăng năng suất.

Được biết năm 2023, Công ty TNHH Một thành viên Hải Thắng (Nho Quan) đã đưa giống bí đỏ hồ lô nhập khẩu từ Hàn Quốc trồng ở hai xã Thạch Bình và Phú Sơn trên diện tích 20 ha được quy hoạch, đồng thời đảm nhận việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hải Thắng cho biết: Đến thời điểm này, sản phẩm bí đỏ hồ lô do xã Thạch Bình và Phú Sơn trồng đạt yêu cầu của Công ty đề ra. Việc canh tác được tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, đảm bảo năng suất, chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu. Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm trong thời gian dài. Nếu như bà con nông dân tiếp tục thực hiện mô hình thì doanh nghiệp sẽ đồng hành cung ứng, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là sản phẩm xuất khẩu, nên Công ty mong muốn bà con nông dân thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình đã hướng dẫn, để sản phẩm đáp ứng được tiêu chí an toàn.

Để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, các địa phương đã liên kết với doanh nghiệp trong vấn đề cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu quy mô lớn. Ông Đinh Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan cho biết: Trồng bí đỏ hồ lô, ngoài việc dễ chăm sóc, ít tốn công sức cũng như chi phí đầu tư thì sản phẩm đầu ra được bao tiêu ngay tại ruộng, hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch cho người nông dân. Huyện đang nghiên cứu để áp dụng một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những xã khó khăn.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan đã chỉ đạo các xã đứng ra ký kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc thu mua sản phẩm theo giá thị trường, nên nông dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, giống bí đỏ Nhật Bản là sản phẩm xuất khẩu, nên nhu cầu trên thị trường rất lớn, không sợ thừa nguồn cung. Qua đánh giá của các địa phương, đây sẽ là cây trồng nhiều tiềm năng để nhân rộng, phát triển trong thời gian tới.

Nguyễn Thơm-Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trong-cay-bi-do-ho-lo-xuat-khau-cho-hieu-qua-cao/d20240223094839792.htm