Trồng cây cho quả đắt hơn sầu riêng, nông dân hái đến đâu bán hết đến đó, bỏ túi tiền tỷ

Cây na trong hơn 10 năm trở lại đây được ví như 'cây bạc tỷ' tại nhiều địa phương trong Nam ngoài Bắc, đặc biệt tại các 'thủ phủ' có diện tích lớn như Đông Triều (Quảng Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn), Thủy Nguyên (Hải Phòng) hay Nho Quan (Ninh Bình)...

Những ngày cuối tháng 7/2024, sản phẩm na bở tại các vùng trồng na đặc sản liên tục “xuống phố” Hà Nội, giá loại 1 có thể lên tới 150-250 nghìn đồng/kg, đắt hơn cả “vua trái cây” sầu riêng. Các nhà vườn trồng na được mùa, trúng giá, dự kiến vụ năm 2024 thu về 400-500 triệu đồng/ha.

“Đắt như tôm tươi”

Liên Khê là một trong những vùng trồng na bở lớn nhất trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Toàn xã hiện có trên 100 ha trồng loại cây “siêu trái” này. Theo HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê, hàng năm, sản lượng na đạt hơn 900 tấn/năm, doanh thu gần 60 tỷ đồng.

Quả na bở xã Liên Khê có chất lượng đặc thù với quả to, mẫu mã đẹp, na chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, có vị ngọt thanh, giàu dinh dưỡng. Điều đó đã giúp cho quả na bở Liên Khê ngày càng “được lòng” người tiêu dùng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội.

Na đang là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Liên Khê.

Na đang là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Liên Khê.

Ghé thăm những cửa hàng bán hoa quả sạch tại Hà Nội những ngày cuối tháng 7, người tiêu dùng không khó để bắt gặp sản phẩm na bở Liên Khê. Chị Phương, nhân viên bán hàng tại một siêu thị trên đường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết na bở đang “đắt như tôm tươi”.

“Na bở hiện có giá bình quân 80-150 nghìn đồng/kg, hàng tuyển có giá 200-250 nghìn đồng/kg. Quả càng to đẹp thì giá càng cao. Nguồn cung na bở khá hiếm, bên cạnh từ Liên Khê, còn có từ Đông Triều, Chi Lăng... giá cao nhưng ngon, ít hàng nên rất đắt khách”, chị Phương chia sẻ.

Trở lại với vùng trồng na Liên Khê, theo đại diện HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê, trước đây, người trồng na bở trên địa bàn xã mang tính nhỏ lẻ, giá cao nhưng thiếu ổn định. Để phát triển bền vững, HTX đã liên kết với các hộ dân để hình thành các vùng trồng na tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ hoàn thiện quy trình sản xuất, đến năm 2021, na bở Liên Khê chính thức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, mở ra nhiều cơ hội để nâng cao thương hiệu, ổn định thị trường tiêu thụ, tăng giá bán.

Chị Nguyễn Thị Lượt, Đội 9, xã Liên Khê cho hay, gia đình chị trồng hơn 1 ha na bở, với khoảng 350 gốc. Với doanh thu bình quân 1,5-2 triệu đồng/cây, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi 350-500 triệu đồng/năm. “Ngay cả những năm thời tiết khắc nghiệt, na vẫn cho giá trị vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác”, chị Lượt phấn khởi nói.

Thêm kỹ thuật, tăng thu nhập

Những ngày này, vùng sản xuất na lớn nhất phía Bắc là thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cũng đang bước vào thu hoạch. Với vị thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp cho giá trị kinh tế cao, na là cây trồng chủ lực nâng cao đời sống, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân Đông Triều.

Cây na ở Đông Triều được trồng ở 14/21 phường, xã và được chia làm 2 vùng trồng. Vùng chủ lực tập trung ở các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt và An Sinh. Vùng 2 gồm các xã Tràng An, Bình Khê và Tràng Lương. Hiện, na dai chính vụ có giá trung bình từ 40 nghìn đồng/kg, na bở có giá từ 100 nghìn đồng/kg na loại 1, loại tuyển chọn có giá trên dưới 200 nghìn đồng/kg (nhưng khá hiếm).

Cần thêm chính sách hỗ trợ để mở rộng thị trường cho trái na, đặc biệt là mở cánh cửa xuất khẩu.

Cần thêm chính sách hỗ trợ để mở rộng thị trường cho trái na, đặc biệt là mở cánh cửa xuất khẩu.

Những năm qua, cây na được thị xã Đông Triều quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, đồng thời công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được chú trọng. Toàn thị xã đang có trên 355 ha na được chứng nhận VietGAP.

Trong quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho cây na, HTX na dai Đông Triều là một điểm sáng. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, sản xuất sạch chính là "chìa khóa vàng" để HTX chinh phục thị trường.

Ông Nguyễn Minh Sơn, thành viên liên kết của HTX, cho hay nhờ sự đồng hành của địa phương và HTX na dai Đông Triều, gia đình ông triển khai canh tác hơn 1,2 ha na theo quy trình VietGAP, đồng thời chủ động ứng dụng kỹ thuật để “ép” na ra quả gối vụ.

Cụ thể, theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm. Tuy nhiên, nếu áp dụng các kỹ thuật như ngắt lá, tỉa cành, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm.

Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Ước tính 1 ha na gối vụ sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả. “Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 vụ na đó là na gối vụ cho quả từ thân cây, khác hẳn với na vụ chính từ ngọn và cành. Vì vậy, việc thu hoạch na gối vụ đơn giản và nhàn hơn rất nhiều”, ông Sơn chia sẻ.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trung bình 1 ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn, gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống.

Tìm đầu ra bền vững cho quả na

Kể đến các vùng trồng na nổi tiếng trên cả nước cũng không thể không nhắc tới Võ Nhai (Thái Nguyên). Quả na đặc sản ở Võ Nhai đã và đang khẳng định được thương hiệu, là sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu, phát triển kinh tế ổn định.

Với gần 1 ha đất đồi, gia đình ông Kiều Thượng Chất ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, trồng được gần 400 cây na, cho sản lượng gần 6 tấn/năm. Sau khi thí điểm thành công, từ năm 2022, ông Chất chuyển toàn bộ diện tích trồng na theo hình thức rải vụ.

Thay vì thu hoạch tập trung vào tháng 8 và 9, ông áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ cho thu hoạch quả suốt từ tháng 8 đến tận đầu tháng 12. Với cách làm này, cây na không chỉ ra quả làm nhiều đợt mà còn cho năng suất cao hơn hẳn, với na sớm khoảng 2 tấn, chính vụ khoảng 2 tấn và hơn 3 tấn na trái vụ.

Ông Chất cho hay, vào chính vụ, na bán với giá bán trung bình 30 - 40 nghìn đồng/kg, nhưng với na trái vụ có thể đạt từ 70 - 80 nghìn đồng/kg. “Nếu trước đây, cả vườn na chỉ thu 90 - 100 triệu đồng/năm, thì nay đạt trên dưới 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”, ông Chất hồ hởi nói.

Cây na đang cho thấy tiềm năng vượt trội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng, phát triển bài bản về cả diện tích, thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu..., từ đó thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, tìm đầu ra cho quả na không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/trong-cay-cho-qua-dat-hon-sau-rieng-nong-dan-hai-den-dau-ban-het-den-do-bo-tui-tien-ty-1101382.html