Trồng cây dược liệu theo hướng bền vững

Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu tự nhiên, đẩy mạnh sản xuất cây dược liệu hàng hóa, tỉnh ta đã đẩy mạnh nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học liên quan đến dược liệu; triển khai các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng cây dược liệu, thực hiện chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu; xây dựng các chuỗi cung ứng dược liệu an toàn.

Thực hiện Quyết định số 3256/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2020-2030, mục tiêu tỉnh khai thác 90.400 ha cây thuốc dưới tán rừng; bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây thuốc dưới tán rừng, định hướng đến năm 2030 đạt 50.000 ha. Để triển khai các mục tiêu trên, tỉnh Sơn La đã áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu của Chính phủ trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Mô hình ươm cây giống sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long.

Mô hình ươm cây giống sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long.

Ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm; đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý chuỗi và phát triển thị trường; đầu tư cơ sở chế biến nông sản. Ngoài ra, lồng ghép hỗ trợ phát triển cây dược liệu theo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...

Toàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp, HTX trồng dược liệu; trong đó 8 HTX trồng sơn tra, các doanh nghiệp, HTX còn lại trồng nấm linh chi, sa nhân, bình vôi, sa chi, gừng... Các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư 2 cơ sở chế biến quả sơn tra, 5 cơ sở chiết xuất tinh dầu sả và 3 cơ sở nấu cao thực vật tại huyện Mường La, Mộc Châu, Phù Yên, Quỳnh Nhai và Thành phố; trung bình mỗi cơ sở có công suất 0,5 tấn thành phẩm/50 tấn nguyên liệu/tháng/cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 16 sản phẩm dược liệu OCOP; trong đó có 6 sản phẩm OCOP 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao; xây dựng 3 chuỗi cung ứng dược liệu an toàn tại HTX bản Nậm Búa, huyện Thuận Châu; HTX sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú và HTX nông nghiệp dịch vụ sơn tra Bắc Yên...

Các mô hình trồng dược liệu điển hình, như: Trồng thảo quả dưới tán rừng tại huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, năng suất 3-5 tấn quả tươi/ha, thu nhập khoảng 60-100 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây sachi tại HTX nông nghiệp Thành Cường, huyện Mai Sơn, thu nhập 25-35 triệu/tấn hạt; mô hình trồng sả tại huyện Mường La, năng suất trung bình đạt 3,5 tấn/ha, doanh thu đạt 35 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Mai Sơn...

Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long, huyện Mai Sơn, từ năm 2009 bắt đầu nghiên cứu và trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Bắc Yên, Thuận Châu. Hiện công ty đã thực hiện thành công mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty cho biết: Đến nay, Công ty đã xây dựng được 5 nhà lưới, để gieo ươm khoảng 10 vạn hạt giống, tỷ lệ nảy mầm đạt 95%. Cây sâm Ngọc Linh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, được Trung tâm ứng dụng KHCN dược liệu, Viện Dược liệu đánh giá chất lượng tương đương với sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam và Kon Tum.

Còn tại Công ty TNHH Mạnh Thắng, huyện Mai Sơn, năm 2018, Công ty đã nghiên cứu và phát triển thành công các sản phẩm từ nấm linh chi. Đồng thời, đầu tư máy móc, nhà xưởng sản xuất đồng bộ, khép kín với dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không; hoàn thiện các phòng cấy, ươm sợi và nhà xưởng nuôi dưỡng bảo đảm điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, quy mô khu sản xuất khoảng 1 ha. Ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Trung bình mỗi năm Công ty thu hoạch khoảng 3,5 tấn nấm linh chi, doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng. Được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm nấm linh chi của Công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng và bảo vệ 20.000 ha cây dược liệu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế; hình thành phát triển trên 5.000 ha vùng nguyên liệu dược liệu phục vụ các cơ sở sơ chế, chế biến theo chuỗi giá trị và đạt 30.000 ha vào năm 2030; bảo tồn và phát triển 55 loại dược liệu quý, tỉnh ta đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất giống, trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, chiết xuất dược liệu. Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu và nhân giống; huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu; đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho nông dân.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trong-cay-duoc-lieu-theo-huong-ben-vung-50275