Trồng cây dưới tán rừng: Triển vọng phát triển kinh tế tại huyện Tràng ĐịnhTin khácNhớ lời Bác dạy 'thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua'Sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Tràng Định đã tận dụng lợi thế về đất lâm nghiệp, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để trồng một số loại cây dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con, đồng thời góp phần bảo vệ, phát huy thế mạnh nguồn tài nguyên rừng.
Gia đình ông Đoạn Văn Hùng là một trong những hộ đầu tiên ở thôn 4, xã Đào Viên trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng đem lại thu nhập khá. Ông Hùng cho biết: “Qua tìm hiểu cho thấy cây sa nhân tím dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây nên gia đình tôi đã trồng được khoảng 2 ha dưới tán rừng. Từ năm 2020 đến nay, gia đình tôi thu được trên 1,5 tấn quả/năm, đem lại thu nhập 50 triệu đồng/năm”.
Không chỉ gia đình ông Hùng, hiện nay, xã Đào Viên có 530 hộ thì tất cả các hộ đều trồng cây sa nhân tím. Ông Ngọc Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Đào Viên có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện diện tích sa nhân tím dưới tán rừng của xã trên 82 ha (trong đó có 40 ha đang cho thu hoạch), năm 2021, sản lượng sa nhân tím toàn xã đạt trên 13 tấn quả tươi, giá trị kinh tế đạt gần 500 triệu đồng, từ đó đem lại thu nhập khá cho bà con. Nhận thấy hiệu quả kinh tế nên hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã đều tuyên truyền bà con mở rộng diện tích.
Bên cạnh cây sa nhân tím, khoảng 5 năm trở lại đây, trồng cây dưới tán rừng đã phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện Tràng Định. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 190 ha cây dưới tán rừng, trong đó: cây sa nhân được trồng chủ yếu ở các xã: Đào Viên, Tân Minh, Trung Thành; cây lá dong được trồng nhiều ở các xã: Cao Minh, Khánh Long, Vĩnh Tiến, Đoàn Kết, Tân Tiến. Ngoài ra, còn một số cây dược liệu trồng dưới tán rừng như: ba kích, địa liền, trà hoa vàng… đang trong quá trình phát triển.
Gia đình ông Bế Đức Tiền, thôn 1, xã Tân Tiến là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng, chăm sóc cây lá dong. Ông Tiền cho biết: Từ năm 2016 đến nay, gia đình tôi đã nhân giống lá dong, mở rộng diện tích trồng dưới tán rừng lên khoảng 2 ha. Bình quân mỗi năm bán ra thị trường khoảng 10 vạn lá, thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Để phát triển mô hình trồng cây dưới tán rừng, bên cạnh sự chủ động của người dân, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ xã Khánh Long và xã Tân Tiến mỗi xã 500 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cây sa nhân tím. Ngoài ra, một số xã cũng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn vốn chương trình 135 để hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng một số loại cây đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp khó khăn do còn phụ thuộc và thương lái, do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền người dân chăm sóc, mở rộng diện tích, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để bà con yên tâm sản xuất.
Nhờ phát triển hiệu quả mô hình trồng cây dưới tán rừng, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định từ 40 đến 60 triệu đồng/năm. Hướng đi này đã và đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới cho bà con theo hướng “Lấy ngắn nuôi dài”