Trồng cây môn nịt ở Vĩnh Thái cho thu nhập khá

Sau nhiều năm đưa vào thử nghiệm, từ hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với nhiều loại cây truyền thống khác, trồng cây môn nịt trên vùng cát bạc màu trở thành một trong những mô hình cây trồng chủ lực, mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại xã ven biển bãi ngang Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.

 Các hộ gia đình ở xã Vĩnh Thái thu hoạch cây môn nịt. Ảnh: NT

Các hộ gia đình ở xã Vĩnh Thái thu hoạch cây môn nịt. Ảnh: NT

Với diện tích trên 1.448 ha song phần lớn đất cát bạc màu nên canh tác nông nghiệp xã Vĩnh Thái gặp rất nhiều khó khăn. Để kinh tế phát triển đồng bộ, bền vững, bên cạnh tập trung khai thác thế mạnh đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ du lịch biển, xã Vĩnh Thái đặc biệt chú trọng việc lựa chọn các loại cây, con phù hợp áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Trong đó, việc xây dựng mô hình trồng cây môn nịt mang lại kết quả rất khả quan. Ban đầu, cây môn nịt được trồng chủ yếu ở 2 thôn Đông Luật, Thử Luật. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, chính quyền xã Vĩnh Thái phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, định hướng người dân tận dụng diện tích cát trắng bạc màu gần nguồn nước từ bàu Thủy Ứ (xã Vĩnh Tú) và hệ thống khe suối, kênh mương để trồng cây môn nịt. Đồng thời xã tích cực hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón.

Theo đánh giá của nông dân xã Vĩnh Thái, loại cây này vốn đầu tư ít lại dễ trồng, khả năng chịu hạn cao, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Thời gian xuống giống bắt đầu từ tháng 8- 9, sau 6 tháng đã cho thu hoạch, tức là vào tháng 4- 5 năm sau, đặc biệt có thể trải dài vụ trong năm. Tuy vẫn mắc một số bệnh phổ biến trên cây môn như bệnh nhện đỏ, thối bẹ lá giai đoạn đầu nhưng chỉ cần kịp thời phát hiện, xử lý sẽ không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây môn, năng suất trung bình ước đạt 14 tấn/ ha. Vụ trồng môn đông xuân 2019- 2020, mặc dù thời tiết không thuận lợi, đa phần các giống môn ở nhiều địa phương khác ở huyện Vĩnh Linh mất mùa song cây môn nịt xã Vĩnh Thái vẫn phát triển. Ông Ngô Thế Sang, ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái cho hay: “Trước đây trên diện tích đất này, gia đình tôi vẫn trồng cây lạc hoặc khoai lang nhưng năng suất, sản lượng thấp, thu nhập không đáng kể. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, gia đình chuyển sang trồng cây môn nịt. Tính trung bình mỗi sào thu hoạch được 7 tạ môn, mang lại nguồn thu nhập gần 16 triệu đồng/sào. So với trồng lạc thì trồng môn nịt lãi gấp 2-3 lần.”.

Từ hiệu quả của mô hình, xã Vĩnh Thái khuyến khích, tạo điều kiện để người dân nhân rộng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây môn nịt. Đến nay toàn xã có trên 40 ha, sản lượng ước đạt trên 560 tấn. Hiện môn nịt Vĩnh Thái được thương lái thu mua tại vườn. Với giá bán từ 20.000- 25.000đồng/kg môn củ thì trung bình mỗi héc ta trồng môn nịt mang lại thu nhập từ 280- 300 triệu đồng, nguồn thu lớn đối với người dân vùng biển như xã Vĩnh Thái. Chưa kể ngoài bán củ, môn nịt còn mang lại lợi nhuận khi bán thân cây làm thực phẩm hay cung cấp môn giống cho các vùng đất đỏ khác trồng ngay sau vụ môn đất cát. Được biết, thời gian tới xã Vĩnh Thái có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm 15- 20 ha trồng môn nịt tại 2 thôn Tân Hòa và Tân Thuận. Đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu, liên kết tạo thị trường tiêu thụ để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó góp phần đa dạng hóa sinh kế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150059