Trồng cây mùa xuân
Trồng cây không nên chạy theo phong trào mà hãy lựa chọn cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, tập quán canh tác và cảnh quan của từng địa phương.
Mỗi khi Tết đến, xuân về, người dân Việt Nam lại nhớ đến lời căn dặn của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và cùng nhau hưởng ứng phong trào trồng cây do Người phát động.
Theo Bác, trồng cây trước hết để lấy gỗ làm nhà, ổn định cuộc sống. Ngày 30.5.1959, với bút danh Trần Lực, trong bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên báo Nhân Dân, Bác nhắn nhủ: “Ngay từ bây giờ, đồng bào phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà. Mỗi người trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai phải trồng ít nhất là 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre”. Sau đó, ngày28.11.1959, trên báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Tết trồng cây" nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 (năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Sáng 11.1.1960, trong không khí sôi nổi của Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô Hà Nội đã trồng cây ở công viên Thống Nhất (lúc đó gọi là công viên Hồ Bảy Mẫu). Tại đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất để trồng một cây đa nhỏ và nói với mọi người về lợi ích của việc trồng cây: “Mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau”.
Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu biến đổi theo hướng tiêu cực, không ai có thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của cây xanh trong bảo vệ môi trường sinh thái cũng như cuộc sống của con người. Vì thế, “Tết trồng cây” theo lời kêu gọi của Bác càng trở nên có ý nghĩa khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hình ảnh những cánh rừng tan hoang, đồi núi như bị cạo trọc, nhà cửa, tài sản, tính mạng của người dân miền Trung, Tây Nguyên bị chôn vùi mỗi khi lũ dữ đi qua càng khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về vai trò của trồng cây, gây rừng. Hơn 60 năm kể từ Tết trồng cây đầu tiên, hàng tỷ cây xanh đã được trồng khắp mọi miền Tổ quốc, đem lại màu xanh cho hàng triệu ha đất trống, đồi núi trọc. Những vườn cây ăn quả bát ngát, những con đường, công viên, sân trường rợp bóng cây xanh là thành quả của mồ hôi, công sức bao lớp người đã hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác.
Tại Hải Dương, Tết trồng cây luôn nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Nhờ Tết trồng cây mà nhiều khu đất trống, nhiều con đường, bãi chôn lấp rác thải… đã được phủ xanh. Những đô thị xanh, khu dân cư xanh đang trở thành xu thế chủ đạo. Nền kinh tế chuyển dần sang “kinh tế xanh”, trong đó nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là lựa chọn tất yếu cho sự phát triển bền vững. Tết trồng cây năm nay, Hải Dương phấn đấu trồng 1 triệu cây phân tán gồm 400.000 cây phong cảnh, bóng mát và 600.000 cây ăn quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỉnh không tổ chức lễ phát động Tết trồng cây mà để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai kế hoạch trồng cây.
Trồng cây đã khó, bảo vệ, chăm sóc cây xanh còn khó hơn. Trồng cây không nên chạy theo phong trào mà hãy lựa chọn cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, tập quán canh tác và cảnh quan của từng địa phương. Đặc biệt, phải lựa chọn loại cây đem lại hiệu quả kinh tế hoặc giá trị cảnh quan cao để góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo cảnh đẹp cho quê hương. Có như thế, phong trào trồng cây theo gương Bác mới thực chất, đúng như mong ước của Người lúc sinh thời.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/trong-cay-mua-xuan-159299