Trồng cây thải ra gần 624.000 tấn nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Theo báo cáo 'Hiện trạng môi trường quốc gia 2023' do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, hoạt động trồng trọt đã làm phát sinh hơn 600 nghìn tấn nilon, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật ra môi trường.
Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, lĩnh vực trồng trọt đã làm phát sinh ra một lượng rất lớn chất thải rắn là phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Một phần chất thải rắn được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, phụ phẩm chăn nuôi; một phần khác phát thải ra môi trường.
Tỷ lệ xử lý phụ phẩm bằng phương pháp đốt vẫn còn cao
Theo Báo cáo Công tác Bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp năm 2023, trung bình từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, ngành trồng trọt phát sinh khoảng 93,4 triệu tấn phụ phẩm trồng trọt. Chỉ tính năm 2023, tổng lượng phụ phẩm phát sinh từ hoạt động trồng trọt là 94,42 triệu tấn.
Trước đây, các phụ phẩm (rơm rạ, trấu, vỏ cà-phê…) hầu hết được người dân đốt để cải tạo đất. Tuy nhiên, đây cũng là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ sau mỗi thời vụ ở khu vực nông thôn. Gần đây, hoạt động đốt mở đã giảm đáng kể, phụ phẩm nông nghiệp đã được tái sử dụng để sản xuất nấm, phân bón hữu cơ, phủ gốc một số loại cây ăn quả… Tuy nhiên tỷ lệ phụ phẩm được xử lý theo hình thức đốt vẫn còn khá cao, vẫn còn khoảng 21,7% lượng rơm rạ được xử lý bằng phương pháp đốt.
Đáng chú ý có khoảng 11,0 - 13,5% lượng túi nilon phát sinh từ hoạt động trồng lúa và khoảng 20% nilon sử dụng trong trồng ngô, trồng rau màu cũng được xử lý bằng phương pháp đốt, có nguy cơ tạo ra chất độc hại trong môi trường không khí, gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
Gần 624 nghìn tấn nilon, bao bì thuốc thực vật thải ra môi trường
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp thâm canh cao còn gây tác động xấu đến môi trường đất, nước do việc sử dụng quá mức phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, hóa chất bảo vệ thực vật. Đáng chú ý là lượng lớn vỏ bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị loại bỏ.
Theo thống kê, lượng nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong trồng trọt là gần 624.000 tấn năm 2023. Theo thống kê của Viện Môi trường Nông nghiệp, mỗi héc ta (ha) lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1,0 - 1,5 kg bao bì, chai lọ đựng hóa chất; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp còn thải ra một lượng nilon rất lớn là vật liệu che phủ đồng ruộng, vỏ bầu cây giống…
Về giải pháp thu gom và xử lý, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng bể thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật. Theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp năm 2023, đã có 48/63 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; 42/63 tỉnh, thành phố có 57.910 bể thu gom. Số lượng bể và mật độ xây dựng bể của mỗi địa phương là rất khác nhau, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2023 cũng dẫn chứng một số thí dụ liên quan. Cụ thể, tại Kon Tum, hằng năm, khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng khoảng 400 tấn. Số lượng thu gom, tiêu hủy năm 2020 là 1.991 kg; còn phần lớn bao bì, chai lọ được xử lý bằng cách tiêu hủy tại chỗ nên không thể xác định chính xác số lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Tại tỉnh Hòa Bình, hằng năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 370 tấn hóa chất bảo vệ thực vật các loại, trong đó thuốc dạng (chai, tuýp, lọ, can) nhựa chiếm 70%, dạng gói nhựa khoảng 30%. Lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật được thu gom vào các bể chứa chỉ chiếm 15% so với lượng thải ra. Nếu tính cả lượng bao gói được thu lẫn chất thải rắn khác (để đốt hay chôn lấp) thì tổng lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật được thu gom mới chỉ chiếm hơn 50% so với lượng thải ra.
Hằng năm có trên 20 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 49,8%) sau sử dụng tồn đọng trên đồng ruộng, lẫn trong đất, trong nguồn nước. Tuy nhiên đến nay nhiều thùng chứa được trang bị hiện đã đầy, hết khả năng lưu chứa nhưng chưa có địa phương nào có kế hoạch hay bố trí kinh phí cho việc tiêu hủy lượng bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được thu gom, đặc biệt ở các vùng sản xuất trồng trọt tập trung.
Ở Thừa Thiên Huế, mỗi năm khoảng 17-20 tấn bao bì hóa chất các loại được nông dân tại đây thải ra môi trường. Khi ném xuống kênh, mương hoặc gặp mưa, lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo Báo cáo hiện trạng môi trường, hiện nay, nhiều vùng nông thôn đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa trong đất. Theo báo cáo điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường năm 2022 của Viện Môi trường Nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi ước tính phát thải khoảng 257.763 tấn nhựa mỗi năm.
Thành phần phát thải chủ yếu là các màng phủ dùng trong các nhà màng, nhà lưới; bao bì chứa hạt giống cây trồng; bao bì phân bón; bao bì hóa chất bảo vệ thực vật; màng phủ che mạ tránh rét; khay mạ; hàng rào chống chuột (chủ yếu cho lúa); màng nhựa phủ đất; túi bầu ươm giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; bao trái cây ăn quả, hoa và nhựa trong hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến. Những rác thải nhựa này nếu không được kiểm soát, thu gom, xử lý sẽ bị chôn vùi trong đất và là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất.