Trồng chuối theo kiểu 'cầu may'
Cách đây chưa lâu, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai là tâm điểm của các cuộc 'giải cứu' chuối do nguồn cung vượt cầu.
Hiện khi bước vào vụ trồng mới, nhiều nông dân không ngần ngại xuống giống, mở rộng diện tích trồng chuối. Đáng lo ngại là khi đề cập đến vấn đề đầu ra cho loại nông sản này, hầu hết người dân đều trông vào “vận may” và thị trường Trung Quốc.
Dù đứng trước nguy cơ lặp lại tình trạng nông sản được mùa mất giá nhưng người nông dân vẫn lựa chọn chuối già hương cấy mô cho vụ xuống giống mới. Hầu hết người dân nơi đây cho rằng, loại nông sản này là cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vốn đầu tư và công chăm sóc ít, đặc biệt là cho thu hoạch nhanh hơn với những loại cây trồng khác.
Gia đình anh Phạm Tấn Tài (ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) vừa hoàn thành trồng mới 3 ha chuối già hương cấy mô. So với vụ trước, năm nay diện tích loại nông sản này của gia đình anh Tài tăng lên gần gấp đôi. Anh Tài cho biết, gia đình vẫn lựa chọn trồng cây chuối già hương cấy mô mặc dù thị trường tiêu thụ chưa có, giá chưa biết thế nào nhưng trên phần đất của gia đình chỉ trồng cây chuối là phù hợp nhất.
“Đất ở đây thuộc loại đất đá, phù hợp nhất với cây chuối, trồng các loại cây ăn trái khác thường chỉ cho thu hoạch 1, 2 năm đầu do các loại rễ cọc bị vướng đá không đâm sâu được. Hơn nữa, diện tích trồng tiêu trước đây bị cằn cỗi nên gia đình quyết định chặt bỏ vườn tiêu, cải tạo đất, trồng cọc tiêu mới và trồng xen cây chuối để tăng thu nhập, được đồng nào hay đồng ấy, tránh lãng phí đất”, anh Tài chia sẻ.
Cũng theo anh Phạm Tấn Tài, việc lựa chọn trồng cây chuối là vấn đề “bất khả kháng”, còn đầu ra sau này cho loại nông sản này chỉ biết trông chờ vào sự may mắn, phụ thuộc vào thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. May mắn đúng dịp thì được giá cao, trường hợp giá xuống thấp như thời gian vừa qua đành chịu.
Theo anh Ngô Tấn Đăng, (ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), khoảng một tháng trước, gia đình có dự định đăng ký tham gia vào dự án cánh đồng lớn trồng cây chuối già hương cấy mô nên đã mở rộng diện tích. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, đến kỳ xuống giống cho vụ mới nhưng dự án vẫn chỉ nằm "trên giấy". Bên cạnh đó, anh Đăng cũng không nhìn thấy tính khả thi trong dự án này.
“Riêng về vấn đề mua cây giống để thực hiện trong dự án thấy nhiều bất lợi cho nông dân. Thông thường mua cây giống ở ngoài giá từ 6.000 – 7.000 đồng/cây, trong khi giá của dự án đưa ra lên đến 12.000 đồng/cây, cao gấp đôi”, anh Đăng biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Ðịnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai), dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chuối già hương cấy mô do Công ty cổ phần Kim Tây Nam (trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh) triển khai trên địa bàn 3 xã của huyện Trảng Bom gồm: Cây Gáo, Thanh Bình và Bàu Hàm với mục tiêu tạo ra một vùng liên kết sản xuất chuối già hương phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, dự án còn nhiều nội dung chưa hoàn chỉnh do vậy Sở chưa thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Cụ thể, dự án hiện còn thiếu 3 nội dung chính gồm: huyện Trảng Bom vẫn chưa có văn bản đề nghị tỉnh bổ sung vào quy hoạch cánh đồng lớn chung của tỉnh; chưa có tính toán phần kinh phí nhận hỗ trợ từ ngân sách và nghiên cứu để đăng ký xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho cây chuối già hương và chưa có hợp đồng với người nông dân tham gia dự án. Theo ông Lý Minh Hùng, cán bộ Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xã Thanh Bình, do người dân trông chờ vào dự án cánh đồng lớn đối với cây chuối già hương cấy mô nên hầu hết các hộ dân ở đây đều chuẩn bị thêm quỹ đất để mở rộng diện tích trồng chuối. Tuy nhiên, bước vào vụ trồng mới, dự án vẫn chưa được triển khai, đất và cây giống đã chuẩn bị nên người dân bắt buộc phải trồng. “Tính đến thời điểm hiện tại dù mới chỉ đầu vụ xuống giống nhưng riêng tại xã Thanh Bình diện tích trồng chuối tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (150 ha) và có xu hướng tăng thêm do vẫn chưa kết thúc vụ xuống giống”, ông Hùng cho hay. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai) Trần Lâm Sinh khuyến cáo người nông dân, trước khi quyết định trồng cần cân nhắc kỹ thị trường, thời gian xuống giống và số lượng nông sản cung cấp ra thị trường không nên sản xuất theo hướng “cầu may” sẽ dễ rơi vào tình trạng thua lỗ. Bên cạnh đó, để đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả đầu tư, nông dân cố gắng liên kết sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp để có được đầu ra ổn định.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, tháng 6 năm sau là thời điểm xuất khẩu thích hợp nhất nên khuyến cáo nông dân đang xuống giống tập trung trong tháng 6 – 8, sang tháng 9 - 10 sẽ nghỉ và đặc biệt không nên mở rộng diện tích để tránh tình trạng cung vượt cầu./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trong-chuoi-theo-kieu-cau-may-/52552.html