Trồng cỏ voi giúp phục hồi môi trường

Công ty TNHH Khai thác - chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) đang quản lý, sử dụng bãi chứa chất thải rắn là đất, đá; hồ chứa đuôi quặng lên đến gần 100 ha ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), có nguy cơ sạt lở, phát tán bụi và nước thải ra suối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Công ty đã khắc phục triệt để được những nguy cơ này.

Trồng cỏ voi VA06 trên bãi thải ở Công ty Núi Pháo không những phục hồi môi trường mà còn tạo nguồn thức ăn cho gia súc.

Trồng cỏ voi VA06 trên bãi thải ở Công ty Núi Pháo không những phục hồi môi trường mà còn tạo nguồn thức ăn cho gia súc.

Chủ động ngăn chặn những tác động tiêu cực do bãi thải gây ra đối với môi trường sinh thái và đời sống nhân dân, đối với những khu vực kết thúc đổ thải, Công ty Núi Pháo đã san gạt, hạ độ cao, đổ một lớp đất màu dày 40 đến 50 cm trên bề mặt bãi thải, sử dụng phân bón để trồng keo lai và cỏ voi VA06 được gần 27 ha nhằm tạo hệ sinh thái bền vững. Bên cạnh đó, Công ty Núi Pháo đã trồng keo lai và cỏ voi VA06 với diện tích hơn 30 ha tại các vùng đệm chung quanh bãi thải.

Đến nhiều khu vực bãi thải của Công ty Núi Pháo, thấy những vạt cỏ voi VA06 xanh tốt, cao quá đầu người, rễ cỏ voi chằng chịt, ăn sâu dưới mặt đất từ 50 đến 60 cm có tác dụng liên kết đất đá, chống sạt lở, người dân địa phương cắt cỏ làm thức ăn cho gia súc, cỏ cắt đến đâu mọc lên đến đấy. Tại những vạt cỏ voi, ngay từ ban đầu được trồng xen cây keo lai, hai loại cây này đã phát huy tác dụng ngăn chặn xói mòn, sạt lở đất, cải thiện chất lượng môi trường và tái tạo hệ sinh thái khu vực.

Giám đốc Đối ngoại - Môi trường và Cộng đồng Công ty Núi Pháo Võ Tiến Dũng cho biết: Đánh giá của các nhà khoa học Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho thấy, tại các khu vực trồng cỏ voi VA06 và keo lai trên bãi thải, bước đầu đã thu hút các loài động vật bản địa tới sinh sống trở lại, các loài côn trùng, vi sinh vật đất cũng tương đối đa dạng.

Đạt được kết quả này là do Công ty Núi Pháo đã hợp tác với Viện Độc lập về các lĩnh vực môi trường (UFU) - CHLB Đức, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong việc thực hiện Dự án trồng cây năng lượng trên bãi thải. Dự án này đã tìm ra loại cây phù hợp để trồng cải tạo đất, phủ xanh chống xói mòn, phục vụ cho quá trình cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản.

Cỏ voi VA06 không chỉ phù hợp, phát triển mạnh trên bãi thải mà còn phù hợp với đất đồi, bãi nên Công ty Núi Pháo đã tổ chức hội thảo để phổ biến và cấp giống miễn phí cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện Đại Từ trồng để làm thức ăn cho gia súc, góp phần phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế cho người dân.

Mô hình xử lý nước thải sau tuyển quặng tại Công ty Núi Pháo đạt các tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh.

Mô hình xử lý nước thải sau tuyển quặng tại Công ty Núi Pháo đạt các tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, hồ chứa đuôi quặng sau tuyển, 85% lượng nước được tuần hoàn trở lại phục vụ tuyển quặng, 15% lượng nước còn lại được bơm về Trạm xử lý nước thải. Trạm xử lý nước thải có hai bậc. Tại bậc một, nước thải được xử lý bằng biện pháp hóa lý, biện pháp sinh học; khi chảy xuống bậc hai, nước thải lại được tiếp tục xử lý bằng biện pháp sinh học, bằng cách trồng cây thủy trúc, cỏ van-ti-vơ thành từng bè nổi trên mặt nước để tạo ra các loài thủy sinh xử lý kim loại nặng, xử lý hợp chất hữu cơ để làm trong, sạch và khử mùi nước thải đạt các tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Các cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương và người dân sở tại đánh giá cao mô hình xử lý nước thải sau tuyển quặng của Công ty Núi Pháo. Năm 2018, có hơn 40 đoàn trong nước và nước ngoài kiểm tra, tham quan, thực sự ấn tượng về hiệu quả xử lý nước thải tại đây. Từ đầu năm 2019 đến nay, có hơn 60 đoàn khách, trong đó có 19 đoàn khách quốc tế tham quan, học tập mô hình xử lý nước thải này.

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều mỏ khoáng sản như than, sắt đang khai thác. Lượng đất, đá thải, nước thải trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản là rất lớn. Riêng việc đổ thải, một số bãi thải được đổ cao như núi, chiếm diện tích lên đến hàng trăm héc-ta thường phát tán bụi, nhất là vào mùa hanh khô; vào mùa mưa có nguy sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất. Một số nơi chế biến khoáng sản, nước thải sau tuyển quặng chưa được xử lý.

Mô hình phục hồi môi trường bằng cách trồng cỏ voi VA06, trồng keo lai trên bãi thải và xử lý nước thải ở Công ty Núi Pháo nên chăng cần được phổ biến, nhân rộng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, góp phần phát triển bền vững tại các vùng khai thác và chế biến khoáng sản không chỉ ở tỉnh Thái Nguyên.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/41286102-trong-co-voi-giup-phuc-hoi-moi-truong.html