Trong cuộc chiến chống lạm phát, đừng kỳ vọng Fed sẽ giải cứu thị trường chứng khoán

Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho sự biến động nhiều hơn vì các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất khác.

Các chiến lược gia cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cố gắng hạ gục thị trường chứng khoán vì họ phải nhanh chóng tăng lãi suất trong nỗ lực làm chậm lạm phát vẫn đang ở mức nóng, nhưng các nhà đầu tư cần phải chuẩn bị cho những thiệt hại và biến động nhiều hơn, vì các nhà hoạch định chính sách sẽ không bị dao động với áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán.

"Tôi không nghĩ rằng họ nhất thiết phải cố gắng giảm lạm phát bằng cách phá hủy giá cổ phiếu hoặc giá trái phiếu, nhưng nó đang có tác dụng đó", Tim Courtney, Giám đốc đầu tư tại Exencial Wealth Advisors cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong tuần qua sau khi hy vọng lạm phát hạ nhiệt rõ rệt đã bị dập tắt bởi chỉ số lạm phát tháng 8 tăng nóng hơn dự kiến. Dữ liệu này đã củng cố kỳ vọng cho việc Fed sẽ tăng lãi suất lên ít nhất 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 21/9. Trong khi đó, một số nhà đầu tư và nhà phân tích đang dự báo còn có thể có mức tăng 100 điểm cơ bản.

Chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm 4,1% trong tuần qua, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 4,8% và chỉ số Nasdaq giảm 5,5%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số S&P 500 đã đóng cửa dưới mức 3.900 điểm được coi là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, điều này có khả năng chỉ số S&P 500 sẽ kiểm định mức thấp nhất năm 2022 ở mức 3.666,77 được thiết lập vào ngày 16/6.

Trái phiếu kho bạc cũng sụt giảm với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng vọt lên mức cao nhất gần 15 năm trên 3,85% do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục đẩy lãi suất cao hơn trong những tháng tới.

Các nhà đầu tư đang hoạt động trong một môi trường mà ngân hàng trung ương cần kiềm chế lạm phát dai dẳng và khái niệm “Fed put” trên thị trường chứng khoán đã không còn hiệu lực.

Khái niệm “Fed put” đưa ra kể từ khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10/1987 đã khiến cựu chủ tịch Fed vào thời điểm đó là Alan Greenspan phải hạ lãi suất.

“Fed put” là một thuật ngữ thường được sử dụng trong thị trường tài chính để mô tả niềm tin rằng, nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ can thiệp với chính sách tiền tệ phù hợp để thúc đẩy các thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ nếu giá rơi quá nhanh quá nhanh.

“Fed put” đã xảy ra trong suốt lịch sử, chẳng hạn như vào các năm 1987, 2010, 2016 và 2018.

Mặt khác, một số nhà kinh tế và nhà phân tích thậm chí còn gợi ý Fed nên hoan nghênh hoặc thậm chí nhắm đến những tổn thất của thị trường, vì điều này có thể nhằm thắt chặt các điều kiện tài chính khi các nhà đầu tư thu hẹp chi tiêu.

William Dudley, cựu chủ tịch của Fed New York đã lập luận vào đầu năm nay rằng, ngân hàng trung ương sẽ không giải quyết được tình trạng lạm phát đang ở gần mức cao nhất trong 40 năm trừ khi chúng khiến các nhà đầu tư chịu thiệt hại.

“Thật khó để biết Cục Dự trữ Liên bang sẽ cần làm bao nhiêu để kiểm soát lạm phát. Nhưng, có một điều chắc chắn: Để có hiệu quả, họ sẽ phải gây ra nhiều thiệt hại hơn cho các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu”.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế có quan điểm khác. Aoifinn Devitt, Giám đốc đầu tư tại Moneta cho biết, Fed có thể xem sự biến động của thị trường chứng khoán là sản phẩm phụ của nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ chứ không phải là một mục tiêu.

“Họ nhận ra rằng cổ phiếu có thể là tài sản thế chấp trong một chu kỳ thắt chặt, nhưng điều đó không có nghĩa là cổ phiếu phải sụp đổ. Tuy nhiên, Fed đã sẵn sàng để chấp nhận việc thị trường suy giảm và nền kinh tế chậm lại, thậm chí đi vào suy thoái vì họ tập trung vào việc kiềm chế lạm phát”, bà cho biết.

Fed đã giữ lãi suất mục tiêu trong khoảng từ 0% đến 0,25% từ năm 2008 đến năm 2015 khi họ đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và hậu quả của nó. Fed cũng cắt giảm lãi suất xuống gần 0 vào tháng 3/2020 để đối phó với đại dịch Covid-19. Với lãi suất chạm đáy, chỉ số Dow Jones đã tăng vọt hơn 40%, trong khi chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 60% trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2021.

“Các nhà đầu tư đã quen với những cơn gió xuôi thoảng qua trong hơn một thập kỷ với lãi suất giảm”, Tim Courtney, Giám đốc đầu tư tại Exencial Wealth Advisors cho biết.

"Tôi nghĩ bây giờ thông điệp của Fed là chúng ta sẽ không nhận được cơn gió xuôi này nữa. Tôi cho rằng thị trường có thể phát triển, nhưng chúng sẽ phải tự phát triển, bởi vì thị trường giống như một nhà kính, nơi mà nhiệt độ phải được giữ ở một mức nhất định cả ngày lẫn đêm, và tôi nghĩ đó là thông điệp mà thị trường có thể và nên tự phát triển mà không có hiệu ứng nhà kính”.

Trong khi đó, lập trường diều hâu hiện tại của Fed đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những gì có thể là "những phiên giao dịch đen tối" mà cuối cùng có thể chứng minh là một "đợt bán tháo lớn cuối cùng", Liz Young, người đứng đầu chiến lược đầu tư tại SoFi cho biết.

“Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu điều đó xảy ra nhanh chóng trong vòng vài tháng tới, điều đó thực sự trở thành trường hợp tăng giá theo quan điểm của tôi. Nó có thể là một sự sụt giảm nhanh chóng và đau đớn, dẫn đến một động thái mới cao hơn vào cuối năm, đà tăng sẽ lâu bền hơn vì lạm phát giảm đáng kể hơn”, bà cho biết.

Hạc Hiện / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trong-cuoc-chien-chong-lam-phat-dung-ky-vong-fed-se-giai-cuu-thi-truong-chung-khoan-post305869.html