Trọng dân, gần dân, chăm lo cuộc sống nhân dân

BHG - Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN), chính quyền các cấp; xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân”. Đây là những nội dung quan trọng được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở triển khai đồng bộ nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ công tác dân vận, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Cán bộ một cửa huyện Bắc Quang hướng dẫn người dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Cán bộ một cửa huyện Bắc Quang hướng dẫn người dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác dân vận được xác định là giải pháp chiến lược, “cầu nối” để chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, thực hiện có hiệu quả. Do đó, các cơ quan HCNN, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới trong thực hiện công tác dân vận nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; củng cố sự đoàn kết các dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo đó, cơ quan HCNN, chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện dân vận, đảm bảo công tác dân vận luôn gần gũi với nhân dân, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng Nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án, đề án ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân với phong cách làm việc: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, “Nghe dân nói”, “Nói dân hiểu”, “Hướng dẫn dân làm”, “Làm dân tin”, khắc phục bệnh thành tích, hành chính, vô cảm, quan liêu xa dân.

Lực lượng vũ trang tỉnh giúp nhân dân thôn Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) mở đường giao thông nông thôn.

Lực lượng vũ trang tỉnh giúp nhân dân thôn Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) mở đường giao thông nông thôn.

Minh chứng điển hình cho thấy, tỉnh ta đã đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan HCNN và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần gũi với nhân dân. Thực hiện cải cách hành chính (CCHC) quyết liệt, thực chất, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi cho nhân dân đến giải quyết công việc. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân được đẩy mạnh. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh đạt 80,53% trên tổng số TTHC (đạt 100% so với số TTHC đủ điều kiện); tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 66,38%; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hẹn hàng năm đạt từ 82% - 92%; hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử đạt từ 90% - 96%. Đặc biệt, các chỉ số về CCHC của tỉnh được cải thiện và tăng đều qua các năm. Ấn tượng trong đó, năm 2021, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS) của tỉnh ta tăng 7 bậc, vươn lên xếp hạng thứ 25/63 tỉnh, thành phố.

Cùng với kết quả trên, các cơ quan HCNN, chính quyền các cấp không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nắm bắt, giải quyết đúng, kịp thời công việc có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của công dân. Các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền các cấp, ngành với nhân dân đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, phát huy vai trò: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chỉ từ năm 2018 đến nay, người đứng đầu các cấp, ngành thực hiện trên 3.800 cuộc tiếp xúc, đối thoại, thu hút gần 254 nghìn lượt người tham gia với hơn 29.600 ý kiến, kiến nghị. Đặc biệt, nội dung trả lời của người đứng đầu các cấp, ngành đi thẳng vào vấn đề, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan liên quan trước những khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt nên cơ bản các ý kiến của người dân khi tham gia tiếp xúc, đối thoại được giải quyết kịp thời. Sau đối thoại, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có thông báo gửi tới đối tượng đối thoại. Điều này vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch vừa tạo dư luận tốt, nhân lên niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.

Có thể khẳng định, công tác dân vận đã góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, kết tinh nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 1.167 mô hình “Dân vận khéo”, bao gồm: 559 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 296 mô hình trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, 202 mô hình QP-AN, 110 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua công tác “dân vận khéo” đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính, khơi dậy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị: Kinh tế của tỉnh có bước phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,06%. Trong 18 chỉ tiêu đánh giá thường kỳ, có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 100%, 3 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 70%, chỉ có 2 chỉ tiêu đạt dưới 50%...

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202210/trong-dan-gan-dan-cham-lo-cuoc-song-nhan-dan-2c32319/